Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cà phê kho - chuyện cũ kỹ của những người trẻ

Chuyện những người trẻ cần một góc chiêm nghiệm giữa phố thị xa hoa thường ghé quán cà phê kho, giờ không còn lạ.

Quán cà phê nằm gọn lỏn trong con hẻm nhỏ trên đường Phan Đình Phùng, thông ra con đường lớn hai chiều bạt ngàn xe cộ. Quán lạ ở chỗ nó cũ kỹ bạc thếch theo thời gian giữa Sài Gòn sầm uất trở mình hối hả từng ngày.

Quán nhỏ chắt chiu từng vị trí, khi đông đúc thì người ngồi san sát nhưng chẳng hề gì, lệ thường người Sài Gòn cũng vốn giản đơn như thể cà phê là để chiêm nghiệm chớ chẳng phải để hơn thua nhau cái chỗ ngồi.

Quán vẫn giữ cái nếp của bao thập kỷ trôi qua, từ đời ông cha để lại là pha cà phê bằng vợt. Một chiếc ấm nhỏ đầy nước đun sôi mở nắp, chồng lên bên trên lại thêm một cái ấm đầy nước và cái vợt cũng đựng đầy cà phê, rồi mới đậy nắp lại.

Sai Gon con thuong thi ve anh 1

Cà phê kho. Ảnh: Trần Thế Phong.

Cứ thế nguồn nước nóng bốc hơi thẳng lên cái ấm trên cùng, đun sôi cà phê trong vợt. Người ta gọi nó là cà phê kho. Lửa riu riu để cà phê đủ độ sóng sánh, sền sệt, kèo kẹo, đậm đà mùi vị thơm nồng chát đắng.

Dân Sài Gòn ghiền cà phê, sớm trưa chiều tối đều cũng có thể uống cà phê. Rất nhiều hàng quán cà phê Tây, Tàu, Hàn, Nhật mọc lên như nấm, ấy vậy mà cái quán nhỏ vẫn đông khách từ bao năm qua.

Quán khác người ta là chẳng cho trà, cứ như lời ông chủ bao đời truyền lại cháu con, cà phê uống chung với trà nó mất vị ngay cuống họng liền. Uống trà ra quán trà. Uống cà phê thì vào đây. Rõ ràng, rành mạch, nên đừng ai ron ren hỏi trà.

Bữa vui thì nhận được câu trả lời không có. Khi buồn là một cái nguýt dài… ra tới đường cái lớn, uống cà phê thì lấy ghế ngồi, uống trà thì về.

Khách riết cũng quen, người này dặn người kia, bớt nói, bớt hỏi, chỉ đến kêu cà phê, có sữa hay không, bao nhiêu ly, rồi lấy sẵn cái ghế, đứng đợi ly cà phê của mình, trả tiền, mặc tình mà lựa một góc ngồi mình ên hay túm tụm cùng đám bạn mà chuyện trò.

Thỉnh thoảng, chủ quán nghe khách nói chuyện sẽ bâng quơ xen vào, để rồi cả một rừng thông tin xưa cũ cứ thế tuôn trào.

Hổng phải ai cũng được nghe nha! Câu chuyện ấy phải hợp ý chủ quán, phải dễ thương và phải liên quan đến Sài Gòn hay dính dáng đến cà phê. Khách ghé quán đủ mọi thành phần, độ tuổi.

Buổi sáng là những cụ ông cụ bà hay các cô chú trung niên. Họ chuyện trò hàn huyên về nhân tình thế thái, rồi cười khề khà mỗi bận ông chủ quán nhắc khéo chuyện chợ búa, đón con đón cháu.

Về sớm mà mần công chuyện, ở đây miết mơi mốt đổ thừa tại quán tui mà lỡ việc rồi sao. Rồi sao chả ai biết rồi sao nhưng ngày mai, tầm giờ ấy, lại những gương mặt cũ nơi quán cà phê đã trở nên quá đỗi thân thuộc.

Buổi khuya tối, đám trẻ thường ghé quán. Mấy đứa trẻ Sài Gòn cả ngày bận rộn với công việc, vào lúc mịt mờ lại túm tụm. Mớ ký ức cũ rích tuôn ra, rồi cười ha hả bên ly cà phê.

Đôi lúc câu chuyện xoay quanh hành trình tìm kiếm bình yên giữa Sài Gòn dập dìu đua tranh cũng níu chân đám trẻ đến khuya lơ khuya lắc.

Cũng có khi, vài đứa lặng lẽ một mình ngồi nhìn xe cộ ngược xuôi, nhẩm tính chuyện cơm áo gạo tiền. Có đứa chụp cái tai nghe, mở những bản nhạc bolero rồi mấp máy môi giữa dòng đời lướt qua vội vã.

Chuyện những người trẻ cần một góc chiêm nghiệm giữa phố thị xa hoa thường ghé quán cà phê kho, giờ không còn lạ. Cà phê kho vẫn sền sệt kèo kẹo theo năm tháng mà bình yên níu chân dân Sài Gòn.

Tống Phước Bảo / Tym Books & Media / NXB Đà Nẵng

SÁCH HAY