Ở các vùng trồng cà phê lớn những ngày này, người dân đang giành nhau từng giọt nước, dồn sức đào giếng tìm nước cứu cà phê.
Trưa 25/3, giữa nắng trưa chan chát, gia đình ông Nguyễn Văn Bắc ở làng Nú (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, Gia Lai) vẫn đứng giữa nắng phụ nhóm thợ đào giếng tìm nước cứu cà phê.
Ông Bắc cho biết để cứu vườn cà phê, một tuần nay ông phải thuê thợ về đào giếng, mỗi mét giếng đào như thế thợ lấy 400.000-500.000 đồng nhưng rất khó tìm người.
Ao hồ trơ đáy
Vườn cà phê vừa mới trổ bông được gần một tháng, đang trong giai đoạn ra trái của ông Bắc và người dân xã Ia Tiêm gặp nắng nóng kéo dài khiến khô rũ, lá vàng úa.
Ông Bắc thở dài: “Thiếu nước thì năm nào cũng xảy ra nhưng chưa khi nào chúng tôi chống hạn khổ cực như năm nay. Giếng đào mấy chục mét cũng chưa tìm thấy giọt nước nào, những giếng có sẵn từ trước thì nước cạn khô, kêu thợ về đào thêm 4-5 mét nhưng va phải đá ngầm”.
Dọc các nông trại cà phê ở đâu cũng thấy người dân kéo vòi ra suối tìm nước. Những chiếc vòi nước trơ trọi giữa rẫy cà phê mênh mông.
Ông Ksor Minh, người dân trồng cà phê ở xã Ia Băng, nói: “Từ đầu vụ tưới đến nay phải tưới cà liên tục mà nước thiếu quá. Trước đây dân lấy nước ở hồ, đào ao chăm sóc cà phê nhưng năm nay cả vùng này không còn hồ nào có nước”.
Tại Gia Lai, nơi bị hạn nặng nhất là huyện Chư Pảh với hơn 500ha lúa, cà phê. Công trình hồ thủy lợi Ia Mơ Nông rộng 98ha, nguồn nước phục vụ hàng ngàn hecta cà phê của người dân xung quanh, giờ trơ đáy, hồ chỉ còn lại vài ba vũng nước.
Bà Trương Thị Ánh - nông dân xã Ia Mơ Nông - cho biết nguồn nước hiếm hoi nên đã xảy ra tình trạng tranh giành nước.
Dù đã vét đến hai lần, đào sâu thêm nhưng giếng của gia đình ông Đoàn Văn Nghĩa (xã Ia Tiêm, Chư Sê, Gia Lai) vẫn khô kiệt. |
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Gia Lai, có gần 1.200 ha cây trồng, chủ yếu là cà phê, của người dân bị ảnh hưởng do hạn. Ở Kon Tum, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cũng cho biết diện tích hoa màu, cà phê bị hạn hán đã lên tới hàng ngàn hecta.
Lúa chết khô, cắt cho bò
Tại các đồng lúa trên địa bàn huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), nhiều gia đình phải cắt lúa mang về cho bò ăn. Anh Duên Ayưn chua chát nói: “Không có nước tưới, lúa khô và xẹp hết rồi. Bây giờ chỉ biết cắt về cho bò ăn. Không thu hoạch được hạt nào cả. Sắp không còn gạo để ăn nữa rồi, lúa chết, cà phê cũng khô héo hết cả”.
Những ngày này, cứ 4h sáng mỗi ngày, người dân buôn Đrao, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk lục tục mang gùi đến mỏ đá sâu trong rừng hứng từng giọt nước về dùng. “Không biết khi mỏ đá này cạn khô thì sẽ sống bằng cách nào”, anh Lương, một người dân trong buôn, lo lắng.
Trong khi đó tại thôn 7, xã Ea Kiết (Cư M’Gar, Đắk Lắk), tình trạng hạn hán rất nghiêm trọng. Vườn cà phê của hàng chục hộ dân đã úa vàng hoặc héo khô nhưng không có nước để tưới. Việc mua nước tưới tại một số giếng khoan còn nước khá đắt đỏ, 70.000-80.000 đồng mỗi giờ. Hồ thủy lợi thôn 7, nơi cung cấp nước tưới cho hàng trăm hecta cây trồng, nước đã chạm đáy.
Chiều 25/3, chị Nguyễn Thị Hạnh (44 tuổi, trú thôn 7) cho biết cả vườn cây hơn 1 ha của gia đình chị héo vàng nhưng không có nước tưới. Vụ thu hoạch tới chắc sẽ trắng tay, chỉ mong trời mưa để cây không chết khô.
“Giếng nước gia đình tôi trở thành nguồn cung cấp nước ăn, tắm giặt cho cả xóm hơn một tháng nay. Em trai tôi mới khoan hai cái giếng sâu 140 m/giếng mà đến giờ cũng không có giọt nước nào, phải đi nhờ nước hàng xóm để nấu ăn, tắm giặt”, chị Hạnh nói. Rẫy cà phê 5 sào bên cạnh nhà chị có hai cái ao nhưng đã kiệt nước hai tháng nay. Chủ vườn không kiếm được chỗ mua nước tưới nên đành để cà phê chết khô.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết đến ngày 24/3 toàn tỉnh có 24.291 ha cây trồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, trong đó diện tích bị mất trắng là 878 ha. Theo thống kê, hiện có 2.516 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là các huyện Krông Bông, Krông Năng, Ea Kar...
Dân lo thiếu đói
Ở Khánh Hòa, hiện có khoảng 2.500 ha đất trồng trọt bị ảnh hưởng nắng hạn. Trong đó bao gồm gần 2.000 ha đất trồng lúa, hơn 500ha rau màu.
Nắng hạn ở Khánh Hòa vốn kéo dài từ năm 2014 đến nay. Gần hai tuần qua, nắng tiếp tục gay gắt trên địa bàn tỉnh khiến nhiều ao, hồ sắp cạn kiệt, nước các sông xuống thấp thêm nên nguồn nước chống hạn nhiều nơi đang bị khó khăn hơn.
Nắng hạn gây thiệt hại, thất thu mùa màng lúa vụ đông xuân và các loại cây trồng khác nên bà con nông dân ở các vùng nông thôn và miền núi đang bắt đầu lo thiếu đói.
Huyện miền núi Khánh Vĩnh là một trong những nơi đang bị nắng hạn nặng ở Khánh Hòa, hiện có gần 1.200 hộ nghèo và hơn 1.600 hộ cận nghèo. Nhiều gia đình, nhất là bà con dân tộc ít người, đang phải đi làm thuê mua gạo từng ngày.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa vừa phân bổ 300 tấn lúa giống cùng 1,2 tấn hạt giống rau cải các loại cho các địa phương bị hạn trong tỉnh để hỗ trợ dân. Ngoài ra, 12 tấn bắp giống cũng đã được phân chia cho huyện Khánh Vĩnh và huyện Cam Lâm.