Đến cuối tháng 8, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM đạt 21.300 tỷ đồng, tương ứng hơn 50% kế hoạch. So với cùng kỳ 2019, hoạt động giải ngân đầu tư công của TP.HCM cao hơn về tỷ lệ và giá trị tuyệt đối.
Tuy nhiên, tại hội nghị về công tác giải ngân vốn đầu tư công và nuôi dưỡng nguồn thu năm 2020 tổ chức hôm nay (26/8), Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh không thể lấy kết quả này làm thành tích.
Phải giải ngân 900 tỷ vốn đầu tư công mỗi tuần
Chủ tịch TP.HCM nhấn mạnh với người đứng đầu các sở, ngành, quận, huyện nếu không tiếp tục các giải pháp mạnh mẽ, làm tốt hơn trong 4 tháng còn lại, TP sẽ không hoàn thành mục tiêu giải ngân 80% vốn đầu tư công vào 15/10 và 95% đến hết 2020.
Từ đây đến cuối năm, mỗi tuần TP.HCM phải giải ngân trung bình 900 tỷ đồng. Ông Phong cho biết UBND TP sẽ theo dõi sát sao tiến độ giải ngân từng tuần.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và Phó chủ tịch Võ Văn Hoan tại hội nghị chiều 26/8. Ảnh: TTBC TP.HCM. |
Ông khẳng định để hoàn thành kế hoạch giải ngân, các cơ quan, chủ đầu tư phải chủ động hơn nữa. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp, cần xác định tinh thần sống chung với dịch bệnh. Điều này đòi hỏi sự điều hành đồng bộ, hiệu quả, khẩn trương hơn.
“Nếu có vướng mắc, phải báo cáo ngay để tháo gỡ. Khó khăn mà cứ chờ đợi nhau thì không được. Tiến độ công trình không cho phép chúng ta đẩy tới đẩy lui, chần chừ, trì trệ”, Chủ tịch TP.HCM chỉ đạo.
Ông Phong lưu ý với những dự án hoàn thành chưa quyết toán cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục quyết toán. Những dự án thấy không khả thi trong quá trình triển khai vì vướng mắc, các cơ quan chủ quản cần làm việc với Sở Kế hoạch Đầu tư để điều chuyển vốn sang dự án khác.
Theo chủ tịch TP.HCM, việc điều chuyển vốn giữa các dự án cần sự linh động nhưng phải đảm bảo quy mô tổng vốn đầu tư công 42.200 tỷ đồng đã phê duyệt từ đầu năm.
Các cơ quan cần duy trì họp giao ban 1 tuần/lần về tiến độ giải ngân đầu tư công để theo sát diễn biến, có các đề xuất kịp thời. Những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP.HCM cần báo cáo ngay với Sở Kế hoạch Đầu tư. Sở này được giao nhiệm vụ theo dõi sâu sát, đeo bám các dự án để báo cáo, xử lý kịp thời.
Theo ông Phong, trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19, giải pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công có tính chất quyết định, thúc đẩy tổng cầu, giải quyết công ăn việc làm, tạo thuận lợi cho các ngành nghề liên quan những dự án được triển khai.
Khả năng chỉ đạt 83% dự toán thu ngân sách
Với chỉ tiêu thu ngân sách 405.800 tỷ đồng trong năm 2020, TP.HCM hiện mới đạt 53% tổng thu dự toán. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh nếu không có các giải pháp quyết liệt, TP.HCM không thể đạt dự toán.
“TP.HCM đóng góp 27-28% ngân sách trung ương. Cả nước trông cậy rất lớn vào nguồn thu của TP.HCM”, ông Phong nhấn mạnh trách nhiệm nặng nề của TP.HCM với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tác động lên nhiều địa phương.
Lãnh đạo các quận, huyện báo cáo trực tuyến. Ảnh: TTBC TP.HCM. |
Chủ tịch TP.HCM lưu ý các giải pháp tiếp tục hỗ trợ người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khẩn trương thực hiện thủ tục bán đấu giá nhà đất theo đúng quy định pháp luật, đặc biệt cần xem cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh là giải pháp căn cơ nuôi dưỡng nguồn thu.
Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Lê Duy Minh cho biết hiện có hơn 21.000 doanh nghiệp trên địa bàn TP đã giải thể, tạm ngưng hoạt động. Khi sức khỏe cộng đồng doanh nghiệp đi xuống, thu ngân sách bị tác động trực tiếp. Ngành thuế dự báo TP.HCM chỉ hoàn thành 83% dự toán thu được giao trong năm nay.
Dù đối diện nhiều khó khăn vì dịch Covid-19, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định TP.HCM quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5% theo kịch bản tích cực nhất do Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế TP dự báo.