Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết châu lục này đã xác nhận hơn 1 triệu ca nhiễm virus corona, và khoảng 100.000 ca tử vong.
Trong khi đó, theo thống kê của AFP tính đến 19h GMT hôm 19/4, châu Âu đã có 1.170.258 ca nhiễm, chiếm khoảng một nửa thế giới, và 103.255 ca tử vong, chiếm gần 2/3 thế giới, trong đại dịch Covid-19.
Italy, nước bị ảnh hưởng nặng nhất châu Âu và thứ hai thế giới, đã ghi nhận 23.660 ca tử vong trong tổng số 178.972 ca nhiễm. Tây Ban Nha là nước đứng kế trong danh sách, với 20.453 ca tử vong và 195.944 ca nhiễm.
Pháp và Anh là các nước tiếp theo có số người chết nhiều nhất châu Âu. Đức có số ca nhiễm cao hơn Anh nhưng là một trong những nước có tỷ lệ tử vong thấp nhất, với khoảng 4.500 người chết trong hơn 145.000 ca nhiễm.
Hai thành viên một tổ chức phi lợi nhuận chèo thuyền đi phân phát thực phẩm cho các gia đình ở Venice, Italy. Ảnh: AFP. |
Dù vậy, các nước cũng đang chứng kiến sự sụt giảm về số ca nhiễm và ca tử vong mới hàng ngày, và một số chính phủ đã bắt đầu nới lỏng hạn chế từng bước.
Tây Ban Nha ghi nhận 410 ca tử vong hôm 19/4, mức thấp nhất trong gần một tháng qua. Chính phủ sẽ gia hạn phong tỏa toàn quốc nhưng cho biết sẽ tạo điều kiện để trẻ em có thêm thời gian ở bên ngoài.
Giới chức thậm chí đã bắt đầu tháo dỡ một số cơ sở dã chiến được thiết lập để giảm tải cho hệ thống y tế, bao gồm một nhà xác trong sân băng ở thủ đô Madrid.
Pháp cho biết một tháng phong tỏa toàn quốc đang bắt đầu cho kết quả với số người chết và số người nhập viện đều giảm, dù thủ tướng cảnh báo "vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng y tế".
Đức sẽ cho phép một số cửa hàng mở cửa trở lại từ ngày 20/4 sau khi tuyên bố virus đã được kiểm soát, trong khi Italy đang cân nhắc việc nới lỏng phong tỏa.
Thụy Sĩ, Đan Mạch và Phần Lan đều đã bắt đầu mở cửa lại trường học, cửa hàng.