Cụ thể, quy định mới được nêu tại Thông tư 47/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương. Theo đó, từ ngày 20/1/2015, tất cả các website thương mại điện tử (TMĐT), kể cả các mạng xã hội (MXH) có hoạt động kinh doanh như mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ... phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch điện tử; cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Những người bán hàng qua MXH, theo đó, cũng phải thực hiện đầy đủ các quy định của nghị định 52/2013. Cụ thể, người bán phải cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin tối thiểu về tên và địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân... khi đăng ký sử dụng dịch vụ.
Do Thông tư 47 có nội dung liên quan thiết thực tới hình thức kinh doanh đang phát triển nở rộ tại Việt Nam nên vừa được ban hành đã thu hút mạnh mẽ dư luận. Hầu khắp trên các diễn đàn, MXH, nhiều ý kiến cá nhân bày tỏ các quan điểm, thái độ khác nhau đồng thời dự đoán tính khả thi của quy định mới sẽ được áp dụng trong hơn 1 tháng nữa.
Nhiều người kinh doanh cho rằng, việc quản lý kê khai và thu thuế với cộng đồng người kinh doanh qua các mạng xã hội khó minh bạch thông tin tài khoản người dùng như Facebook là việc làm không khả thi. Ảnh minh họa: Diệp Sa. |
Anh Hoàng Mạnh Thắng (Hàng Bún, Hoàn Kiếm, Hà Nội), chủ một gian hàng thực phẩm online cho biết, đăng ký kinh doanh, kê khai và nộp thuế theo quy định mới nhìn theo hướng tích cực sẽ giúp các thương nhân hoặc doanh nghiệp định hướng kinh doanh chuyên nghiệp minh bạch thông tin về sản phẩm. Từ đó, chủ kinh doanh có thể tự tin mở rộng quy mô, xây dựng niềm tin nơi khách hàng và phát triển thương hiệu.
Tuy nhiên, theo anh, tính khả thi của quy định mới này không cao, nhất là khi áp dụng với các mạng xã hội có máy chủ đặt ở nước ngoài và không bắt buộc người dùng kê khai thông tin cá nhân chuẩn xác như Facebook. Khẳng định sẵn sàng kê khai, đóng thuế cho Nhà nước từ hoạt động kinh doanh qua MXH nhưng theo anh Mạnh Thắng, tính khả thi của quy định mới không cao và các cơ quan quản lý sẽ cần hơn nhiều thời gian 1 - 2 tháng nữa để quy định đi vào thực hành.
“Nếu quy định này áp dụng với cả dân buôn qua Facebook thì theo tôi nghĩ, thực hiện được hay không phụ thuộc chủ yếu vào tính tự giác của mỗi cá nhân. Nhưng cũng vì vậy sẽ tồn tại chuyện người đóng thuế, người không. Hơn nữa, nếu quy định chỉ hướng vào đối tượng là người kinh doanh trên Facebook mà không áp dụng được với cả cơ quan chủ quản Facebook thì xét một cách toàn diện là không công bằng”, chủ kinh doanh thẳng thắn.
Chị Hồng Ánh (Long Biên, Hà Nội) chuyên buôn mỹ phẩm xách tay qua mạng cho biết, nếu thật sự quy định được áp dụng đối với cả những người kinh doanh trên Facebook, chị sẽ nghỉ bán hàng.
“Người lấy kinh doanh làm kế sinh nhai, thu nhập cao từ buôn bán thì nộp thuế đã đành. Chứ dân buôn bán cò con lấy việc bán hàng thêm làm nghề tay trái, thu nhập mỗi tháng chỉ vài ba triệu như tôi thì tiền thu vào có khi không cõng nổi tiền thuế và nhiều thủ tục kê khai nhiêu khê, rườm rà khác. Nếu thu thuế kinh doanh trên cả FB, tôi sẽ đóng cửa shop luôn!”.
Vấn đề nóng từ Thông tư 47 không chỉ thu hút cộng đồng kinh doanh trong nước mà còn được nhiều người Việt kinh doanh tại nước ngoài quan tâm. Chị Hà Hương Ly, chuyên kinh doanh hàng xách tay Mỹ - Việt, đang sinh sống tại Mỹ chia sẻ: "Người Việt và người bản địa buôn bán qua Facebook phổ biến, sôi nổi không kém tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngay cả ở bên này, hoạt động kinh doanh qua Facebook không hề bị quản lý. Chỉ khi nào có thu nhập phát sinh qua tài khoản ngân hàng vượt ngưỡng, chúng tôi mới phải đóng thuế phát sinh cho Chính phủ".
Không quá bức xúc như một số dân buôn khác, thành viên Phạm Hưng (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) thuộc group (nhóm) Hội kinh doanh online Hà Nội tỏ ra bình tĩnh sau khi tìm hiểu luật thuế và TMĐT ở Việt Nam: “Theo tôi tìm hiểu, người kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm sẽ không phải đóng thuế.
Trong khi công tác kê khai và truy thu thuế thu nhập cá nhân dựa trên hoạt động kinh doanh qua MXH vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là không thể. TMĐT ở ta giờ vẫn nửa vời vì chỉ giao dịch thông tin qua mạng còn vận chuyển, thanh toán vẫn là giao hàng tận tay – nhận tiền mặt chứ không chuyển khoản qua ngân hàng. Vì vậy, căn cứ vào đâu để truy thu và đưa ra hạn mức thuế?”.
Chuyên gia CNTT Lê Quốc Việt (Học viện CNTT Bách Khoa) cho biết, xét về công nghệ, việc quản lý được các tài khoản kinh doanh qua Facebook ở Việt Nam hiện nay vô cùng khó khăn do máy chủ Facebook đặt tại nước ngoài, đây lại là mạng xã hội không bắt buộc người dùng kê khai đầy đủ và chính xác thông tin cá nhân.
Việc truy thu thuế dựa trên thông tin cá nhân của chủ Facebook, do vậy, gần như là bất khả thi. Ngay cả việc muốn chặn các tài khoản buôn bán online, vẫn phải có sự hợp tác từ quản trị viên Facebook. Tuy nhiên, đây là mạng xã hội quốc tế nên nếu áp dụng ở Việt Nam thì Facebook cũng phải làm tương tự tại các nước khác, điều này chưa từng có tiền lệ.
Trả lời phỏng vấn của Zing.vn, ông Nguyễn Thanh Hưng – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho biết, quy định mới được nêu trong Thông tư 47 của Bộ Công Thương là hợp lý, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan tới hoạt động thương mại, bao gồm TMĐT. Với các cá nhân là thương nhân theo Luật Thương mại, quy định này có thể thực hiện sớm.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, quy định này chỉ áp dụng đối với các mạng xã hội nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam và có một trong những hình thức hoạt động quy định tại Điều 35 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP. Với quy định như vậy, Facebook không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư 47.