Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cả nhà tôi chỉ còn 20 con gà đã chết nổi'

"Nước xối xả ập vào, cả nhà chả kịp thu dọn đồ đạc, cứ thế là chạy thoát thân, giờ quay lại nhà thì tất cả đã theo nước cuốn trôi đi mất hết cả rồi…", người dân Tĩnh Gia (Thanh Hóa) than thở.

Đó là tâm trạng chung của người dân vùng ngập lụt do vỡ đập ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) sau khi nước bắt đầu rút vào sáng nay (2/10). Họ trở về nhà từ nơi trú tránh trong tâm trạng thất thần, hoang mang cực độ khi chứng kiến toàn bộ tài sản từ cuốn vở, cặp sách đến những đồ đạc, gia súc, gia cầm đều bị nước cuốn trôi và hư hỏng hoàn toàn.

Nguy cơ đói khát và thất học

Xã Tân Trường (huyện Tĩnh Gia) là một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất sau khi nước rút. Anh Lê Văn Hà, một người dân thẫn thờ cầm những cuốn vở của 4 đứa con nhỏ còn sót lại tâm sự: “Thế là hết, quanh năm quần quật làm ăn, chắt góp từng đồng, giờ tất cả đã trôi hết, nhà tôi chả còn chi”.

Gia đình bà Nhắn đang rất khó khăn. “Cả nhà chỉ còn mớ gạo ướt ni sống qua ngày”, bà Nhắn nói.

Sau tiếng thở dài, anh Hà dẫn chúng tôi vào trong, chỉ tay ra vườn, nơi đó mấy ngày trước là khu nuôi gà, ngan ngỗng với số lượng gần 1000 con, tất cả đều đang đến giai đoạn xuất bán, có trọng lượng từ 2,5 – 4kg. Tuy nhiên, sau khi nước rút, vợ chồng anh Hà chỉ tìm lại được gần 20 con gà đã chết nổi. Anh Hà nói: “Nay tôi hơn 50 tuổi và là người địa phương, gặp đôi lần xuất hiện lũ nhưng chưa bao giờ mà nó khủng khiếp như lần ni, số gà vịt tôi bỏ ra hàng trăm triệu tiền giống nay coi như mất trắng”.

Cách nhà anh Hà vài ngõ, gia đình bà Lê Thị Liên (50 tuổi) còn bi đát hơn khi chồng vừa mất năm ngoái, bà Liên phải nuôi 3 đứa con nhỏ, đứa út mới học lớp 2, đứa lớn lên lớp 6, ngoài ra còn phải nuôi đứa con đầu đang học đại học nên cuộc sống bọn bề khó khăn.

Tủi thân, mẹ con bà Liên đứng trước ngôi nhà của mình vẫn bị ngập sâu trong nước đến bắp đùi, bà Liên buồn bã nói: “Nhà chả có chỉ ngoài bì gạo, củ khoai, vài cái xoong nồi…đều bị nước cuốn đi mất. Giờ mẹ con tôi chẳng mong chi hơn là được manh chiếu để nằm tạm…”.

Không chỉ đồ sinh hoạt bị nước lũ cuốn đi mất, nhiều sách vở của con em họ cũng bị mất, hư hỏng. “Sách vở bị cuốn trôi hết, chẳng biết mai kia các cháu đến trường răng được, mấy đứa con tôi thấy cảnh nhà như ri nên chúng nó đang bảo bỏ học, ở nhà giúp mẹ”.

Cháu Linh (con bà Liên) nói: “Sách vở mẹ mới vay tiền mua cho chị em cháu học, còn rất mới mà giờ chả còn quyển nào cả, mai bọn cháu phải đến trường rồi, quần áo đi học cũng chẳng còn”.

Toàn bộ sách vở của con em họ đã bị nước cuốn trôi và hư hỏng, nguy cơ thất học hiện hữu.
Những đứa trẻ sẽ rất khó trở lại trường lớp nếu không được hỗ trợ kịp thời.

“Cả năm sống nhờ vài sào ruộng, may nhờ Nhà nước quan tâm nên cũng cất được ngôi nhà nhỏ, vay mượn mua vài con gà nuôi, giờ mất hết, chả biết làm răng được”, bà Nhắn nói. Gia đình bà Nhắn chẳng có gì ngoài bộ bàn ghế cũ, vài manh chiếu, sau khi lũ tan, tất cả đồ đạc đều bị nước cuốn trôi hoặc bị hư hỏng do ngâm lâu trong nước.

“Nửa đêm, đang nằm thì thấy nước đâu đâu cứ ập vào qua cửa tràn vào nhà, tôi mở cửa ra thì thấy mênh mông là nước, nước dồn vào ngày một lớn. Tôi ú uớ kêu cứu khi nước đã dâng lên đến tận ngực, may mà có cái xuồng của mấy anh cán bộ đến kịp thời chứ nếu không chắc tôi chết mất, thoát thân được là may rồi, đồ đạc chả kịp đem theo thứ gì”, bà Nhắn nhớ lại. 

Dễ bùng phát dịch bệnh

Theo thống kê ban đầu, toàn xã Tân Trường có gần 300 ngôi nhà bị ngập lụt, gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân. Bên cạnh việc thiệt hại các đồ dùng sinh hoạt gia đình và dụng cụ học tập của các con em họ thì nguy cơ dịch bệnh bùng phát đang rất cao.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Ngọc Năm, Chủ tịch UBND xã Tân Trường cho biết, tính đến trưa ngày 2/10, công tác giúp dân khắc phục thiên tai ngập lụt cơ bản đã hoàn thành, một số hộ đang bị nước ngập vào sân. Tuy nhiên, ông Năm cho biết thêm, đời sống nhân dân hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ thiếu đói là rất cao khi mọi đồ dùng sinh hoạt gia đình đều bị nước cuốn trôi và hư hỏng nặng, diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng. “Ước tính thiệt hại ban đầu vào khoảng gần 60 tỷ đồng”, ông Nam cho biết.

Bên cạnh đó, nguy cơ bùng phát dịch bệnh đang ở mức rất cao. “Chúng tôi sẽ tiến hàng phun thuốc, khử trùng phòng dịch ngay khi khô ráo, trước mắt sẽ giúp đỡ dân thu dọn nhà cửa”, ông Năm nói.

Phạm Hòa

Bạn có thể quan tâm