Cá ngừ ở Mỹ nhiễm xạ từ thảm họa Nhật Bản
Các nhà khoa học vừa phát hiện ra loại cá ngừ vây xanh ở bờ biển San Diego nhiễm xạ từ thảm họa 11/3 của Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên loài cá to lớn này bị nhiễm phóng xạ.
>> Nước nhiễm xạ từ nhà máy Fukushima chảy ra Thái Bình Dương
>> Phóng xạ Fukushima tăng cao, đủ giết người trong vài phút
>> 'Quái vật hạt nhân' vẫn ám ảnh cuộc sống quanh Fukushima
Cá ngừ có thể dài tới gần 3 m và nặng khoảng 460 kg. |
Vượt qua Thái Bình Dương hơn 9.000 km, loài cá ngừ vây xanh mang trong mình chất phóng xạ rò rỉ từ nhà máy Fukushima đến bờ biển San Diego của Mỹ. Ông Nicholas Fisher, một trong những nhà nghiên cứu công kết quả phát hiện hôm 28/5, nói: "Chúng tôi giật mình vì kết quả vừa tìm thấy".
Mức chất phóng xạ cesium trong cá ngừ cao gấp 10 lần so với cá ngừ những năm trước dù vẫn nằm trong giới hạn an toàn thực phẩm của Mỹ và Nhật.
Trước đó, các nhà khoa học cũng phát hiện ra những loài cá nhỏ hơn có mức phóng xạ cao ở Nhật Bản sau trận động đất 9 độ richter và sóng thần hồi tháng 3 năm ngoái khiến nhà máy Fukushima hư hỏng, phóng xạ rò rỉ.
Tuy nhiên, các nhà khoa học không nghĩ rằng loài cá ngừ to lớn lại bị nhiễm xạ vì loài cá này có khả năng chuyển hóa và loại bỏ các chất phóng xạ.
Cá ngừ vây xanh là một trong những loài cá lớn nhất và có tốc độ di chuyển lớn nhất thế giới. Chúng đẻ trứng ở bờ biển Nhật Bản, sau đó bơi về phía Đông tới bờ biển California.
Năm tháng sau thảm họa ở Nhật Bản, các nhà khoa học quyết định kiểm tra mức phóng xạ ở cá ngừ xanh tại bờ biển San Diego. Kết quả là 15 con cá ngừ đều có mức phóng xạ cao hơn bình thường.
Để loại trừ khả năng chất phóng xạ nhiễm từ các dòng hải lưu hoặc từ không khí, nhóm các nhà khoa học phân tích loài cá ngừ vây vàng ở phía Đông Thái Bình Dương và loài cá ngừ xanh đến từ phía Nam California trước thảm họa Nhật Bản tháng 3 năm ngoái. Kết quả là không có chất cesium-134 mà chỉ có cesium-137 từ các vụ thử hạt nhân từ những năm 1960.
Các nhà khoa học kết luận rằng cá ngừ vây xanh nhiễm xạ từ Fukushima. Chúng hấp thụ chất phóng xạ khi bơi trong các vùng bị nhiễm xạ và ăn thức ăn nhiễm xạ. Trong quá trình di trú, chúng thải bớt chất phóng xạ trong cơ thể. Tuy nhiên, chúng không thể loại bỏ tất cả.
Các nhà nghiên cứu nhận định, Thái Bình Dương rất rộng lớn, vì vậy việc cá ngừ nhiễm xạ và vẫn sống sót khi đến bờ biển Mỹ là điều rất kỳ lạ.
Cá ngừ là loại thức ăn được người Nhật rất yêu thích. Giờ đây cá ngừ bị nhiễm xạ. Các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu trên các loài di trú như rùa biển, cá mập và chim biển.
đỗ quyên
Theo Infonet.vn