Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ca mổ giữa dịch Covid-19

Đúng lúc dịch bùng phát, mẹ tôi phải vào viện cấp cứu. Anh trai đang đi chống dịch ở tuyến đầu. Em gái lấy chồng xa, nghẹn ngào qua điện thoại. Chỉ còn mình tôi bên cạnh mẹ.

Bố mẹ tôi có 3 người con. Cô em út về nhà chồng ở Phú Thọ đã 7-8 năm. Một năm bố trí, sắp lên, xếp xuống đủ đường mới về thăm quê được một lần. Bố mẹ ở cùng anh trai. Còn tôi ra ở riêng, tất bật với công việc, đi công tác liên miên.

Cuộc sống bộn bề lo toan cứ thế cuốn tất cả trôi đi thật nhanh. Ngoảnh đi ngoảnh lại, bố mẹ tôi cũng đã đến tuổi 70.

Dịch Covid-19 bùng phát. Ban đầu, thấy dịch còn ở xa, rồi cứ ngày một đến gần hơn và cuối cùng đã ở trước mặt, ngay trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của ta.

Mỗi sáng thức dậy lại thêm những ca dương tính mới, hàng chục nghìn người phải thực hiện cách ly y tế tập trung và tự cách ly tại nhà.

Anh trai công tác ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đương nhiên là lực lượng lên tuyến đầu chống dịch. Em gái và các cháu tròn 2 năm không về thăm được ông bà ngoại và các bác. Lâu lâu là những cuộc gọi qua Zalo ngậm ngùi và những lời hy vọng, hứa hẹn hè này, Tết này hết dịch con, cháu lên với ông bà.

Đúng lúc dịch đang cao điểm nhất, mẹ vào viện cấp cứu, phải mổ gấp. Biết tin, anh cũng chỉ kịp nhắn: “Chú ở nhà lo cho bà”. Em ở Phú Thọ nghẹn ngào qua điện thoại: “Bác thay chúng em chăm sóc bà”. Chị dâu đi làm xa, cách nhà 200 km cũng chưa về kịp, vợ tôi đang mang bầu tháng cuối.

Chống dịch như chống giặc, bệnh viện ra quy định hạn chế người vào chăm sóc, thành thử chỉ có mình tôi bên mẹ.

Khi viết dòng chữ đồng ý trong phiếu cam kết phẫu thuật cho mẹ, tay tôi đã run lên. Trong đời mình, tôi đã viết hàng trăm, hàng nghìn dòng chữ nhưng chưa bao giờ thấy dòng chữ nào lại khó khăn, nặng nề đến như vậy.

Đứng một mình ngoài phòng mổ, tâm trạng tôi rối bời với trăm nghìn suy nghĩ ập về. Lúc thì tim thắt lại, lo lắng, bồn chồn. Lúc thì hy vọng, cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mẹ. Và có lúc lại thấy thật bình yên.

Ngoài kia, bầu trời cao vời vợi với những áng mây bay chậm rãi. Trong khuôn viên bệnh viện, một con chim sâu lặng lẽ, cần mẫn ngó nghiêng từng chiếc lá tìm mồi…

Thời gian ngưng đọng, ca mổ dài đằng đẵng cuối cùng cũng kết thúc, mẹ được đưa về phòng chăm sóc hậu phẫu. Mẹ tỉnh, đôi mắt phờ phạc, mệt mỏi vậy nhưng câu đầu tiên mẹ nói lại là hỏi tôi đã ăn gì chưa?

Đêm, nhìn giọt thuốc trong lọ truyền chậm rãi rơi xuống chảy vào lòng mạch nơi bàn tay gầy guộc, tôi có niềm tin mãnh liệt về sự hồi phục của mẹ. Bởi mẹ là người kiên cường. Bố mẹ đến với nhau, lập gia đình nơi đất khách quê người, một tấc đất cắm dùi không có.

Mấy chục năm, mẹ sẵn lòng làm bất cứ công việc gì chỉ cốt sao chăm lo được cho gia đình. Từ hai bàn tay trắng, bố mẹ mua đất, làm nhà, nuôi 3 anh em chúng tôi học hành, có công ăn việc làm và yên bề gia thất.

[…]

Anh trai nhắn tin hỏi thăm tình hình của mẹ. Tôi nhắn trả lời: “Mẹ mổ xong rồi, đã tỉnh và đang truyền thuốc. Bác yên tâm”.

Anh không nhắn gì thêm. Chắc anh cũng vừa đi truy vết, lấy mẫu về đến chỗ nghỉ. Đội y, bác sĩ tăng cường chống dịch ăn ở tập trung tại chỗ. Ngày ngày mặc đồ bảo hộ y tế kín mít tỏa đi truy vết bệnh nhân, phun khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm, vận chuyển bệnh nhân, người đi cách ly…

Đã hơn một tháng anh chưa được về nhà. Anh vốn lầm lì, ít nói. Hai anh em cũng ít khi tâm sự, chia sẻ. Ngồi nói chuyện cũng chỉ dăm câu, ba điều về xã hội, công việc. […]

Hơn một tuần sau mổ, mẹ xuất viện. Dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Điện Biên cơ bản được khống chế, anh cũng được về nhà sau một tháng rưỡi tăng cường chống dịch.

Bữa cơm gia đình sum họp rộn tiếng cười. Cô út rơm rớm nước mắt trên Zalo. Riêng tôi lại nhớ về bữa cơm gia đình 5 người ngồi mâm gỗ dưới mái nhà lợp gianh ngày xưa. Và bây giờ tôi thấy gia đình mình thật “đặc biệt”.

Với tôi giờ đây, mỗi ngày được ở bên gia đình, thấy mọi người sum vầy, mạnh khỏe, bình an đã là niềm hạnh phúc trân quý.

Chu Anh Linh/ Tri Thức Trẻ Books/ NXB Hội Nhà Văn

SÁCH HAY