Trao đổi với Zing.vn chiều 10/11, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, cho biết Chủ tịch UBND tỉnh vừa yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với công an tỉnh và các đơn vị có liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thu mua trái nhàu, lá nhàu và các nông sản khác trên địa bàn tỉnh. Từ đó kịp thời xử lý hoặc báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Tránh thông tin suy diễn
UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu tuyên truyền, cảnh báo người dân việc thương lái thu mua trái nhàu, lá nhàu và nông sản khác một cách bất thường, nhất là đối với thương lái người nước ngoài.
Việc thông tin tuyên truyền phải đúng sự thật, khách quan, không suy diễn, nhằm tránh tạo dư luận không tốt, tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, rà soát, nắm thông tin thương lái đang thu mua cá lìm kìm trên địa bàn tỉnh.
Một chủ vựa mua cá lìm kìm gai phơi khô bán với giá 3-4 triệu đồng/kg. Ảnh: Nhật Tân. |
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình (Cà Mau), thời gian gần đây nhiều thương lái tìm mua cá lìm kìm gai cho thấy có dấu hiệu bất thường. Cá này ít thịt nên nông dân cũng ít ăn. Có người phơi khô ngâm rượu nhưng nhiều người không rõ tác dụng.
Vài tuần trước, thương lái thông qua các mối đặt hàng thu mua trong dân với giá cá lìm kìm gai tươi khoảng 800.000 đồng/kg. Còn cá phơi khô dao động từ 2,7-3 triệu đồng/kg.
Tại một cơ sở thu mua cá lìm kìm gai ở xã Biển Bạch Đông, cán bộ phòng nông nghiệp ghi nhận khoảng 40-50 kg cá khô. Chủ cơ sở nói thu gom ở các huyện lân cận rồi giao về TP Cà Mau để tiêu thụ ở đâu không ai rõ. Đến ngày 10/11, giá cá lìm kìm gai tươi tăng lên khoảng 1,3 triệu đồng/kg, cá khô trên 4 triệu đồng/kg.
Lá nhàu giá 4.000 đồng/kg
Ông Đinh Đức Thiệu, chủ cơ sở thu mua trái nhàu tươi ở huyện Thới Bình, cho biết ông mua nhàu trái khoảng 10 năm nay, nhưng chưa mua lá nhàu. Vài tháng trước có người đặt hàng lá nhàu phơi khô để mang lên TP.HCM bán với giá 120.000-150.000 đồng/kg nhưng ông Thiệu không nhận lời vì thấy có điều bất thường.
"Nếu hái lá nhàu để bán thì sẽ ảnh hưởng rất lớn để sự sinh trưởng của cây, vì hái cả lá non. Nếu cứ hái lá bán thì bà con ở đây sẽ không còn trái nhàu để bán luôn hái hết lá thì cây mất sức không cho trái nữa", ông Thiệu nói.
Lá nhàu được thu mua ở huyện Thới Bình, Cà Mau. Ảnh: Nhật Tân. |
Theo ông Thiệu, trái nhàu tươi được cơ sở thu mua để bán cho thương lái xuất đi Hàn Quốc, Đài Loan dùng làm thuốc. Còn lá nhàu thì trước nay ông chưa nghe có thể làm thuốc trị bệnh.
Hiện, một số cơ sở thu mua trái nhàu ở huyện Thới Bình đã thuê nhân công phân loại và phơi lá nhàu tươi. Theo các nữ công nhân, họ được thuê với giá 10.000 đồng mỗi giờ và 10 kg lá nhàu tươi khi phơi khô sẽ còn 1 kg.
Còn một người tên Ly có hoạt động thu mua lá nhàu tươi giải thích rằng bà phơi khô lá nhàu để giúp một người thân với số lượng 100 kg để làm từ thiện cho chùa.
Tại Bạc Liêu, ông Nguyễn Văn Sử (65 tuổi) ở ấp Phước Thọ Hậu, xã Phước Long (huyện Phước Long, giáp ranh huyện Thới Bình) cho biết từ đầu năm 2018 đến nay, rất nhiều người vào vườn nông dân này để hái trái nhàu. Thương lái tự hái thì họ mua của nông dân với giá 5.000 đồng/kg, còn chủ vườn hái thì giá 10.000 đồng/kg.
"Trái nhàu đang được nhiều người săn mua, còn lá thì tôi chưa thấy ai mua", ông Sử nói với Zing.vn.
Người dân miền Tây thường dùng lá nhàu non để xào thịt, còn trái thì ngâm rượu. Ảnh: Việt Tường. |
Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Tân Lộc (Thới Bình), cho biết địa phương có 8 đại lý thu mua nhàu trái và xã đã phát hiện trường hợp thu mua lá nhàu. Đây là vấn đề nhạy cảm nên xã đã cho cán bộ chuyên môn kiểm tra thì trong 8 đại lý chỉ có 1 đại lý nhận đặt hàng để thu mua lá nhàu.
"Xã đã trao đổi với các đại lý đây là vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng đến kinh tế, khuyến cáo không nên thu mua lá nhàu. Bên cạnh đó, tình trạng bán lá nhàu không chỉ có người dân ở địa phương mà còn có người dân ở địa bàn lân cận, kể cả ngoài huyện, ngoài tỉnh", ông Toàn nói.
Hiện, UBND xã Tân Lộc đã tham mưu cho phòng nông nghiệp để định hướng tuyên truyền, khuyến cáo rộng rãi trong người dân, thấy được tác hại trước mắt và lâu dài về kinh tế. Cụ thể là việc hái lá nhàu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, dinh dưỡng của cây. Có người còn hái cả đọt, trong đó có nụ, trái nhàu non… Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, đặc biệt là những hộ trồng nhàu để lấy trái bán.
Theo UBND xã Tân Lộc, từ hoạt động thu mua trái nhàu khoảng 2 năm nay, cộng với việc gần đây xuất hiện tình trạng thu mua lá nhàu, nên đã có hộ ươm nhàu giống để bán giá 4.000-5000 đồng/cây. Hiện, người dân có xu hướng trồng nhàu thêm, tận dụng diện tích bờ bao quanh ao nuôi tôm, trong vườn tạp để có thu nhập thêm.
Cây nhàu hay còn gọi cây ngao, nhàu núi, giầu... Cây nhàu trưởng thành có chiều cao khoảng 6 m, thân nhẵn, thường mọc hoang ở những nơi ẩm thấp, dọc bờ sông, bờ suối, xuất hiện nhiều ở các tỉnh phía Nam. Theo dân gian, quả nhàu ngâm rượu uống chữa nhức mỏi, đau lưng.