Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Đậu mùa khỉ

Ca mắc tăng cao, các quận ở Hà Nội đẩy mạnh phòng dịch sốt xuất huyết

Trong đó, vệ sinh môi trường và tập huấn việc phòng tránh, điều trị bệnh sốt xuất huyết là vấn đề được quan tâm nhiều nhất.

Các quận tại Hà Nội tích cực vệ sinh môi trường phòng dịch sốt xuất huyết. Ảnh: SCMP.

Trong bối cảnh dịch chồng dịch hiện nay, sốt xuất huyết vẫn đang gây ra nhiều sự lo lắng hơn hết khi số ca mắc được ghi nhận chưa có dấu hiệu chững lại. Đặc biệt ở Hà Nội, báo cáo hàng tuần của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) thành phố cho thấy số ca mắc sốt xuất huyết năm nay cao gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước, một số trường hợp thậm chí đã tử vong.

Số ca mắc tăng gấp 3 lần tại một phường thuộc Tây Hồ

Theo báo cáo mới đây của Trung tâm Y tế quận Tây Hồ, hiện tại phường Xuân La là một trong 2 phường trọng điểm về sốt xuất huyết với số ca mắc và ổ dịch đứng thứ 2 trên toàn quận.

Cụ thể, đến nay, phường Xuân La ghi nhận 40 ca mắc với 4 ổ dịch, cao gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

dich benh sot xuat huyet anh 1

Diễu hành tuyên truyền và hưởng ứng công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại phường Xuân La. Ảnh: LH.

Bác sĩ Lê Thu Nga, Phó giám đốc Trung tâm Y tế quận Tây Hồ, nhận định phường Xuân La có đặc điểm mật độ dân cư cao, nhiều khu vực thuê trọ và công trường xây dựng, một số khu mộ gia đình nằm ngay trong khu dân cư, nhiều nơi có các bãi phế thải, phế liệu nhỏ tự phát, tồn đọng dụng cụ chứa nước có bọ gậy... tạo điều kiện thuận lợi để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết sinh sản, phát triển và gây dịch.

“Trong thời điểm hiện nay, phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn dịch bệnh. Do đó, các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết cần được tiếp tục một cách toàn diện với sự tham gia của cả đội ngũ cán bộ y tế cũng như các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể và chính mỗi người dân”, vị lãnh đạo nói.

Trong bối cảnh đó, Trung tâm Y tế quận Tây Hồ đã phối hợp với UBND phường Xuân La tổ chức phát động vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, diệt muỗi phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Ngay sau buổi lễ phát động, Trung tâm Y tế quận Tây Hồ và UBND phường Xuân La đã tổ chức diễu hành để tuyên truyền và hưởng ứng công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn. Hoạt động này nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, chủ động triển khai có hiệu quả chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, diệt muỗi tại các hộ gia đình nhằm giảm mật độ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Đồng thời, địa phương này đã tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại 3 trường học trên địa bàn phường Xuân La.

Quận Hai Bà Trưng ra quân tổng vệ sinh môi trường

Mới đây, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng cũng tổ chức lễ ra quân triển khai đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, phế thải, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng, chống sốt xuất huyết tại phường Bách Khoa, Đồng Tâm, Trương Định, Vĩnh Tuy, Bạch Mai và Thanh Nhàn.

Cụ thể, chiến dịch được triển khai tại các khu vực nguy cơ cao, công trường, nhà trọ, nhà vệ sinh công cộng, trường học, đình chùa, bãi đất trống, khu vực ổ dịch sốt xuất huyết cũ năm 2021, khu vực có nhiều ca mắc và ổ dịch năm 2022.

dich benh sot xuat huyet anh 2

Xe tuyên truyền người dân chủ động phòng, chống sốt xuất huyết của quận Hai Bà Trưng. Ảnh: TMT.

Sau chiến dịch, các phường Đồng Tâm, Vĩnh Tuy, Thanh Nhàn sẽ đánh giá chỉ số nguy cơ để phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các khu vực nguy cơ cao bằng máy phun ULV và máy mù nóng.

Trạm Y tế các phường này có nhiệm vụ huy động sự tham gia của các ban ngành đoàn thể địa phương, cảnh sát khu vực… để đảm bảo trên 90% số hộ gia đình hợp tác.

Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng cũng phối hợp với các đơn vị tăng cường truyền thông về phòng, chống sốt xuất huyết dưới nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp.

Theo đó, tại các phường, văn hóa thông tin phường tích cực tuyên truyền tới người dân qua hệ thống loa truyền thanh phường. Người dân cũng được tiếp cận với thông tin về bệnh sốt xuất huyết bằng tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu…

Đồng thời, người dân cũng được tuyên truyền trực tiếp qua cán bộ y tế, đội ngũ cộng tác viên phòng, chống sốt xuất huyết ở các tổ dân phố.

Cũng trong thời gian này, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng đã truyền thông lưu động bằng ôtô trên khắp các tuyến phố của quận.

Những hoạt động này đã cung cấp kiến thức cơ bản cho mọi tầng lớp nhân dân về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh cũng như đường lây truyền. Qua đó, người dân hiểu được bệnh có thể phòng tránh và có ý thức, trách nhiệm cộng đồng, chủ động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, diệt muỗi tại các hộ gia đình nhằm giảm mật độ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Đảm bảo 100% hộ gia đình, các cơ quan, công trình công cộng, công trường xây dựng trong khu vực tổ chức chiến dịch được diệt lăng quăng, bọ gậy và trên 90% hộ gia đình, địa điểm nguy cơ cao trong khu vực tổ chức chiến dịch được phun hóa chất diệt muỗi.

Tập huấn điều trị, phòng dịch

Mới đây, Sở Y tế Hà Nội cũng đã tổ chức tập huấn trực tuyến công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue và bệnh đậu mùa khỉ.

Đại diện Bệnh viện Đa khoa Đống Đa - cơ sở y tế chuyên khoa đầu ngành về truyền nhiễm của thành phố - đã chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue và bệnh đậu mùa khỉ.

dich benh sot xuat huyet anh 3

Điểm cầu tập huấn phòng dịch sốt xuất huyết tại Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: LD.

Đồng thời, bệnh viện này cũng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị; giải đáp các tình huống thường gặp trong chẩn đoán, điều trị tại cơ sở y tế tuyến dưới; kết hợp điều trị và hướng dẫn phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Từ đây, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị ngay sau buổi tập huấn cần tập huấn lại, hướng dẫn chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ, cán bộ dịch tễ, thành viên các đội đáp ứng nhanh tại đơn vị về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và bệnh đậu mùa khỉ.

Các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức tốt việc phân tuyến, tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân.

Song song với đó, các cơ sở y tế phải liên tục theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh cũng như các hướng dẫn, biện pháp phòng, chống dịch của Bộ Y tế.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những con người vượt qua bệnh tật và những trang sách yêu mến cuộc sống ở tuyển tập sách của Zing.

> Xem thêm: Hành trình chiến thắng bệnh tật

Những người lặng lẽ giúp bệnh nhân không quen giữa dịch sốt xuất huyết

Tuy không mặc áo blouse, hàng trăm người đến từ nhiều nơi khác nhau vẫn từng ngày dùng chính giọt máu của mình để cứu các bệnh nhân sốt xuất huyết thiếu tiểu cầu.

Sốt xuất huyết ở trẻ em, những dấu hiệu nặng cần nhập viện gấp

Dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết ở trẻ em vào giai đoạn nguy hiểm thường từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, trẻ có xu hướng giảm sốt nhưng xuất hiện bị đau bụng hay chảy máu.

Dịch Đậu mùa khỉ

Ngày 23/7/2022, Tổng giám đốc WHO công bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đáp ứng các tiêu chí đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế theo Điều lệ Y tế quốc tế do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng. Nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực châu Âu là ở mức nguy cơ cao. Nhiều thông tin về bệnh cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm, đặc biệt là về phương thức lây truyền của virus. Độc giả xem toàn cảnh các bài viết về dịch đậu mùa khỉ dưới đây:

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm