Trưa 18/9, một con cá Koi Nhật Bản được phát hiện đã chết sau hai ngày thả xuống bể xử lý nước thải tại khu vực sông Tô Lịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội). |
Anh Lê Minh Toán (nhân viên bảo vệ được tăng cường để trông coi đàn cá) sử dụng sào dài vớt con cá chết đưa vào thùng nhựa có chứa nước máy. |
Anh Toán cho biết từ hôm được thả đàn cá không có biểu hiện gì bất thường, tuy nhiên khoảng 12h trưa nay có người dân xuống xem thì phát hiện một con cá chép Nhật bơi yếu dần rồi chết ngửa bụng. |
Cũng theo anh Toán, hàng ngày nơi đây có người của công ty đến cho cá ăn vào hai buổi trưa và chiều. Thậm chí họ còn lắp đặt máy sục khí và mái che nắng nóng để đảm bảo sức khỏe cho đàn cá. |
Trước đó, sáng 16/9, Công ty JVE - đơn vị trực tiếp thí điểm làm sạch sông Tô Lịch đã thả 50 con cá chép Nhật Bản và 50 con cá vàng Việt Nam xuống bể số 4 (bể sau xử lý) trong hệ thống xử lý nước sông 4 bước của công ty trên sông Tô Lịch. |
Việc lần đầu tiên thả giống cá chép được coi là quý hiếm và đắt tiền xuống dòng sông ô nhiễm nhất Thủ đô khiến người dân sống xung quanh khu vực khá tò mò. Nhiều người đã xuống tận sông để chiêm ngưỡng đàn cá này. |
Người dân dùng điện thoại tranh thủ ghi lại hình ảnh về đàn cá đắt tiền. |
Ghi nhận sau hai ngày, nước trong bể xử lý có màu nâu đục, xuất hiện nhiền bọt sủi. Đàn cá Koi bơi khá chậm chạp và thường tập trung tại một phía góc bể. Trong khi đó, bể thả cá vàng, cá rô Việt Nam... chưa có biểu hiện gì bất thường. |
Loại cá Koi được thả ở sông Tô Lịch có giá từ vài triệu đến cả chục triệu đồng/con. Chính vì vậy, phía công ty JVE đã phải tăng cường thêm hai bảo vệ làm nhiệm vụ giám sát đàn cá 24/24h. |
Ông Thi (bảo vệ của công ty JVE) ngủ bù sau 2 đêm thức trắng trông coi đàn cá. |
Hệ thống camera giám sát được lắp đặt thêm để tránh kẻ xấu đứng trên cầu ném đá hoặc câu trộm cá. |