Chiều ngày 23/7, Garena Việt Nam phát đi thông báo: Cấm ông Nguyễn Đồng Phương (Phương Top) tham gia mọi hoạt động, dù dưới tư cách cá nhân hay tổ chức có liên quan đến ông Phương dưới bất kỳ hình thức nào bao gồm, nhưng không giới hạn sở hữu, cổ phần, góp vốn, cộng tác hoặc các hình thức hợp tác khác trong tất cả hoạt động của bộ môn Liên Quân Mobile.
Cũng theo Garena Việt Nam, vi phạm này xảy ra khi ông Nguyễn Đồng Phương vẫn đang là Giám đốc và Đại diện pháp luật của Công ty cổ phần đầu tư Team Flash Việt Nam.
Ông Nguyễn Đồng Phương tham gia cá độ một trận đấu Liên Quân ngay trong thời gian nắm giữ cương vị Giám đốc Team Flash. Ảnh: FBNV. |
Câu chuyện không hồi kết?
Vụ việc của ông Phương càng làm chồng chất thêm những tồn đọng của eSports. Nếu chỉ tính riêng tại Việt Nam, hoạt động cá độ trong thể thao điện tử cũng đã có "thâm niên" nhất định.
Đầu năm nay, ngày 12/2, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết đã khởi tố Phí Văn Huấn (39 tuổi, trú quận Cầu Giấy) và 55 bị can liên quan đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng. Huấn thành lập Công ty cổ phần EGOLD Việt Nam nhưng không kinh doanh mà để che giấu cho việc điều hành đường dây đánh bạc trên trang web Powgs...
Cơ quan điều tra xác định thông qua trang web trên, nhóm của Huấn tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá cược online qua tựa game Đế chế (AOE). Từ tháng 7 đến tháng 9/2019, đường dây của ông trùm sinh năm 1981 đã giao dịch phi pháp khoảng 1.158 tỷ đồng.
"Nhiều con bạc ham mê đỏ đen sau khi mất tiền thì chửi rủa, thậm chí đòi giết game thủ. Câu chuyện này không mới và đang diễn ra rất thường xuyên ở khắp các diễn đàn AOE", Trọng Duy, một người chơi AOE lâu năm ngụ tại quận 7, thành phố Hồ Chí Minh cho hay.
Bấu Huấn cùng 55 bị can liên quan đến đường dây cá cược trong tựa game Đế chế. Ảnh: N.H. |
Năm 2015, cộng đồng Dota 2 Việt Nam dậy sóng sau khi ba cựu thành viên Aces Gaming: Kua, Misa, SPH rời khỏi đội do bán độ trong trận đấu Aces - Gguard. Tổng số tiền cược lên đến 60 triệu đồng. Sự việc này thậm chí còn ảnh hưởng đến tầm khu vực, nhiều trang tin eSports nước ngoài đưa tin.
Valve sau đó đưa lệnh cấm tham gia mọi giải đấu đối với các gamer tham gia vào đường dây. Động thái này gián tiếp mở ra thời kỳ thoái trào của Dota 2 tại Việt Nam.
Xa hơn, vào giữa năm 2014, làng CS:GO Việt Nam rúng động vì nghi vấn bán độ của Legends.GO, team CS:GO được coi là mạnh nhất Việt Nam bấy giờ. Đội tuyển này bán độ không chỉ một, mà tới hai lần trong trận đấu với TyLoo (Trung Quốc).
Sự việc đáng xấu hổ này khiến 4 tuyển thủ của Legends.GO bị nhiều đơn vị tổ chức giải đấu cấm vĩnh viễn.
Chi phối cả eSports thế giới
Trên bình diện thế giới, các scandal bán độ trong thể thao điện tử thậm chí chớm nở từ những năm 2010. Khi đó game thủ Starcraft người Hàn Quốc Ma Jae-Yoon với nick name sAviOr đã nhận lệnh cấm vĩnh viễn vì gian lận một chuỗi các trận đấu. Từ đó, các vụ nhúng chàm còn xuất hiện ở các game như Counter-Strike: Global Offensive, League of Legends, Dota 2...
Ngày 13/3/2014, “Promise” Cheon Min Ki, vận động viên League of Legends nổi tiếng của Hàn Quốc quyết định kết thúc cuộc đời sau cú nhảy từ lầu 12. Trước đó, anh này để lại bức thư tuyệt mệnh thừa nhận hành vi dàn xếp tỷ số trong một đấu. “Promise” sau đó đã được cứu sống một cách đầy may mắn.
Tại Peru, Sina - game thủ Dota 2 nổi tiếng bậc nhất nước này là một trong 5 game thủ Peru bị cấm tham gia các cuộc thi do Valve tổ chức sau khi có kết luận đội của anh cố tình thua một trận đấu tại ProDota Cup.
“Promise” Cheon Min Ki (thứ 2 từ phải sang) nhảy lầu vì hành vi đàn xếp tỷ số một trận đấu LOL. Ảnh: Red Bull. |
Ban đầu, cá cược trong game chỉ đơn giản diễn ra giữa người chơi, trao đổi vật phẩm và skin nhân vật trong game. Tuy vậy, hình thức này đầy rủi ro, vì khi server đóng cửa, mọi "công sức" coi như mất trắng.
Ian Smith, Ủy viên Liên minh toàn vẹn eSports (ESIC) cho biết các trận thi đấu thể thao điện tử sẽ dần đủ lớn để bán độ xuất hiện, đem lại lợi ích cho những người thậm chí không cần quan tâm tới eSport là gì.
Theo Smith, các trận đấu được dàn xếp dựa trên hai hình thức, một ở cấp độ thấp bởi những cá nhân nhìn thấy cơ hội sinh lợi và tự xoay tài chính. Hoạt động thứ hai cao cấp hơn, tổ chức đánh bạc và mua chuộc người chơi. Trong đó, Counter-Strike chiếm khoảng 40%, Dota 2 đứng nhì với 20%.
Những trung tâm thể thao điện tử gồm Đông Nam Á, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ, vốn là những tụ điểm đánh bạc bất hợp pháp lớn nhất trên thế giới. Tại Trung Quốc, cá cược có mặt đầy rẫy khắp nơi”.
"Bán độ, cá cược là mối đe dọa lớn nhất mà ngành eSports này phải xử lý", ông Ian Smith nhận định.