GS Phạm Gia Khải. |
Thể theo nguyện vọng của nhân dân khắp nơi muốn bày tỏ lòng tôn kính của mình dành cho vị đại tướng của cả dân tộc Việt Nam, gia đình đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mở cửa tư gia từ 14h30 ngày 6/10 để nhân dân khắp nơi được đến viếng Người.
Từ 12h trưa, rất nhiều người đã đứng sẵn ở cổng, tay cầm hoa, mặc đồ tang đen chờ đợi được vào trong nhà để chia sẻ nỗi tiếc thương vô hạn của mình đối với vị đại tướng mà họ nhất mực yêu quý.
Anh Nguyễn Trọng Phúc, đến từ Hưng Yên, một tay bồng theo con trai nhỏ 3 tuổi, một tay cầm balo nhỏ mang một số quần áo, sữa và đồ dùng của cháu kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi được vào viếng đại tướng. Phải mất hàng giờ đồng hồ xếp hàng anh mới đưa con vào được nơi thắp hương cho đại tướng.
Anh Phúc cho biết, được biết gia đình đã mở cửa cho bà con vào viếng đại tướng nên anh không thể không đi, cũng không thể không mang theo con trai vì: “Tôi đã kể cho cháu nghe câu chuyện về đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lãnh đạo quân đội chiến thắng kẻ thù như thế nào. Tôi đưa cháu đến đây để cháu có thể thấy người dân đã yêu quý ông ra sao. Điều này quan trọng hơn những điều tôi đã kể”.
Cố lau đi những giọt nước mắt chảy tràn trên mí mắt, người phụ nữ mặc đồ màu đen rưng rức khóc khi nắm lấy bàn tay của những người thân đại tướng trước bàn thờ giản dị mà trang nghiêm của Người. Và nhiều người khác đã khóc thành tiếng khi viết những dòng cảm xúc của mình về vị tướng mà nhân dân nhất mực yêu quý.
Là người khá gần gũi với gia đình đại tướng Võ Nguyên Giáp, giáo sư Phạm Gia Khải đã rất xúc động khi nhìn những hình ảnh về người dân Việt Nam đến viếng đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiều ngày 6/10.
Ông Khải xúc động nói: “Chúng ta đã mất đi một vị tướng, mất đi một người anh hùng và một nhà văn hóa, nhưng tôi cũng thấy, người dân Việt Nam không phân biệt sang hèn, không phân biệt vùng miền đều đến viếng cụ và vô cùng tiếc thương cụ. Cả dân tộc đang xích lại gần nhau hơn”.
Ông Khải cũng cho biết, bản thân ông rất xúc động khi biết gia đình đại tướng đã thống nhất đưa Đại tướng về an nghỉ tại quê nhà. Bởi “Đây không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn của ông, là ước nguyện của ông, nơi ông đã ra đi theo Đảng, theo Bác Hồ mà còn là một nơi ông luôn luôn gắn bó. Và mảnh đất Quảng Bình nơi ông đã sinh ra ông, và giờ đây mảnh đất ấy lại đón ông trở về trong vòng tay yêu thương của hàng ngàn người dân quê ông cũng như hàng triệu người dân của cả nước đã quý trọng và tôn kính ông như một biểu tượng của lòng quả cảm, của trí tuệ kiên cường và lòng tin đối với dân, với nước”. Ông Khải nói.