Cá chết dạt vào bờ biển tỉnh Chumphon. Ảnh: Reuters. |
Ông Thon Thamrongnawasawat, Phó khoa Ngư nghiệp tại Đại học Kasetsart (Thái Lan), cho rằng nguyên nhân cá chết là sự phát triển quá nhanh của các loài sinh vật phù du. Tình trạng này khiến nồng độ oxy trong nước biển sụt giảm và khiến cá bị chết ngạt.
“Các hiện tượng tự nhiên - như tẩy trắng san hô hay sự phát triển quá mức của sinh vật phù du - đã xảy ra trong hàng nghìn, hàng vạn năm nay. Tuy vậy, hiện tượng nóng lên toàn cầu đã làm trầm trọng thêm tình hình và khiến các hiện tượng trên tăng tần suất xảy ra”, vị chuyên gia nói.
Giới chức địa phương cho biết hiện tượng số lượng sinh vật phù du tăng vọt thường xảy ra 1-2 lần mỗi năm và thường kéo dài 2-3 ngày. Cơ quan chức năng đã thu thập mẫu nước biển để phân tích thêm.
Nước biển nóng lên đang là mối quan ngại với nhiều quốc gia trong năm nay. Nhiệt độ bề mặt biển toàn cầu vào tháng 4 và tháng 5 đã ghi nhận mức cao kỷ lục so với cùng kỳ các năm, cơ quan khí tượng Anh cho biết.
Cơ quan trên chỉ ra nguyên nhân vừa đến từ hiện tượng El Niño, vừa đến từ tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Thái Lan không phải nơi duy nhất ghi nhận hiện tượng cá chết hàng loạt. Cũng trong tháng 6 này, hàng nghìn xác cá chết cũng đã dạt vào bờ biển bang Texas (Mỹ).
Tại miền Nam bang California (Mỹ), hàng trăm cá thể cá voi và sư tử biển cũng bị đánh dạt lên bờ. Một số cá thể đã chết trong khi một số ốm nặng do sự bùng phát của một loài tảo biển gây hại, CNN cho biết.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Zing giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.