Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cả châu Âu chờ 'rút tiền' Premier League

Nếu so sánh các đội bóng Premier League giống "chiếc máy rút tiền" thì phần còn lại châu Âu đang làm mọi cách để rút lấy những tờ giấy bạc, dù có mệnh giá nhỏ nhất.

10 triệu USD không phải con số quá lớn với những đội bóng như Arsenal, Manchester United, Chelsea... Song, đó là cả một gia tài khi trao nó cho Le Havre A.C. Đội bóng Pháp không thể "hóa rồng" nhờ 10 triệu USD, tuy nhiên, đủ giúp họ hướng tới những mục tiêu cao hơn.

Hè này, Le Havre bỗng nhiên "trúng số". Việc MU kích hoạt bom tấn Paul Pogba từ Juventus đồng nghĩa ngân sách CLB tự động có thêm 3 triệu USD. Theo luật FIFA, tất cả đội bóng có công đào tạo các cầu thủ trẻ đều nhận được một phần nhỏ trong các phi vụ chuyển nhượng, dù cầu thủ đó không còn thuộc biên chế của họ.

Ca chau Au cho 'rut tien' Premier League anh 1
Việc MU mua Paul Pogba giúp CLB Le Havre có 3 triệu USD nhờ luật của FIFA.

 

Trong quá khứ Le Havre  từng nuôi dưỡng Pogba. Nếu Dimitri Payet và Riyad Mahrez cùng nhiều cầu thủ nữa chuyển sang CLB khác với bất kỳ mức giá nào, CLB tý hon nước Pháp lại tiếp tục có thêm tiền từ trên trời rớt xuống. Song, trường hợp của Lys Mousset mới đáng bàn. Bournemouth chi tới 7 triệu USD để sở hữu tiền đạo 20 tuổi chưa có nhiều tiếng tăm ở giải Ligue 2.

Từ văn phòng, Tanguy tặc lưỡi. Ông không muốn để Mousset ra đi. Song, Tanguy không phải tên khờ. Ông biết sự khác biệt của 10 triệu USD có thể mang đến cho Le Havre  điều gì. Những công trình mới, như văn phòng video, nâng cấp cơ sở hạ tầng sân tập, và nhiều thứ nữa. Sự hào phóng của Bournemouth đang giúp Le Havre thay đổi diện mạo.

Câu chuyện của Le Havre là điển hình cho thấy cả châu Âu giờ đang bắt tay "rút tiền" từ giải Premier League. Gói bản quyền truyền hình 6,8 tỷ USD cho phép các CLB tại đây thoải mái chi tiêu. MU, Man City, Arsenal thích bom tấn vì ngân sách dồi dào, còn Bournemouth tìm những đội bóng hạng thấp, đơn cử như Le Havre  rồi "hút máu".

Ca chau Au cho 'rut tien' Premier League anh 2
Lys Mousset, chân sút không được nhiều CLB biết đến, vẫn có giá 7 triệu USD.

 

Nhìn từ thị trường chuyển nhượng hè 2016, HLV Arsene Wenger của Arsenal và Chủ tịch Crystal Palace, ông Steve Parish mô tả những tháng gần đây như "mùa hè kỳ lạ nhất" vì thường phải chứng kiến các CLB châu Âu thi nhau hét giá các mục tiêu được những đội bóng Premier League hướng tới.

"Ai cũng nghĩ hầu bao của các CLB tại Premier League là vô tận, vì vậy, tất cả đều có thể tìm được một khoản béo bở", Chủ tịch Parish nói với The Times of London. Còn chủ tịch Peter Coates của Stoke City đúc kết đầy thâm thúy, "cả châu Âu đang bắt tay" để chờ tiếng gọi từ các đội bóng thi đấu ở giải cao nhất nước Anh.

Các CLB châu Âu đa phần chờ giới chủ xứ sương mù gõ cửa. Người Anh hào phóng nhưng không khờ khạo. Đồng tiền chuyển nhượng trong hè 2016 chỉ luân chuyển khắp nước Anh. Đội bóng hạng trên sẽ "rút ruột" đội hạng thấp. Thống kê cho thấy có 435 triệu bảng (578 triệu USD) được thực hiện giữa những CLB tại Premier League và giải hạng thấp.

Ca chau Au cho 'rut tien' Premier League anh 3
Premier League giờ như cỗ máy rút tiền thu hút phần còn lại của châu Âu.

Trong khi đó, số còn lại về các vụ "nhập khẩu" cầu thủ từ các giải Bundesliga (214 triệu USD), La Liga (119 triệu USD), Ligue 1 (161 triệu USD), Serie A (182 triệu USD)... Chiêu mộ các bản hợp đồng nội đảm bảo cho chất lượng và tính rủi ro giảm xuống mức thấp nhất. Mặc cho điều đó, phần còn lại của châu Âu vẫn tỏ ra kiên nhẫn.

Càng về cuối của kỳ chuyển nhượng, canh bạc trở nên nóng dần. Nhiều đội bóng lớn chịu sức ép mua cầu thủ để tăng cường lực lượng. Bên bán nhân cơ hội này kỳ kèo thêm vài triệu USD. Như Le Havre, 10 triệu USD trở thành con số khổng lồ. Còn nhiều CLB khác, việc bán một cầu thủ cho nước Anh thậm chí có thể giúp họ tồn tại trong vài ba năm.

Nhiều người cho rằng có một nghệ thuật phóng đại ở đây. Tuy nhiên, điều đó nói lên thực tại rõ ràng. Bóng đá Anh rất giàu và trở thành nguồn trợ cấp dồi dào cho những CLB khác. Theo năm tháng, một hiệu ứng domino xuất hiện, kiểu giống như cá lớn luôn nuốt cá bé. Hàng năm, luôn có những đội đào tạo cầu thủ trẻ chỉ để “ông lớn” hỏi mua.

Đơn cử như đội bóng Gent của Bỉ, họ từ chối bán hai tài năng trẻ Leon Bailey và Wilfried Ndidi vì chưa tới thời điểm chín mùi. Những mặt hàng này càng để lâu, giá trị sẽ tăng vọt. Giống như rượu vang để lâu thêm phần đậm đà.

Nguyên Trí (theo New York Times)

Ảnh: Getty Images

Bạn có thể quan tâm