Ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài, người nuôi cá lồng bè tại huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Hai loại cá nuôi bè ngoài biển là cá bớp và cá mú đều có giá trị cao.
Trước khi dịch bệnh xảy ra, thị trường của 2 loại cá này là xuất khẩu. Ngoài ra, thương nhân thu mua để bán lên TP.HCM, đưa vào các nhà hàng trong khu vực và khoảng 30% khách du lịch tiêu thụ 2 loại cá đặc sản.
Nuôi cá lồng bè tại huyện đảo Kiên Hải, Kiên Giang. Ảnh: Phương Vũ. |
Nói với Zing, ông Đặng Tùng Long, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiên Hải, cho biết địa phương có trên 200 hộ nuôi khoảng 1.120 lồng cá. Huyện này đang tồn đọng rất nhiều thủy, hải sản, trong đó trên 180 tấn cá bớp và cá mú nuôi trong lồng bè.
“Đầu ra cho cá bớp và cá mú bây giờ không có. Các thị trường tiêu thụ đã ngưng hết, trong đó thị trường chính là TP.HCM và xuất khẩu. Trước đây cá bớp giá sỉ 160.000-180.000 đồng/kg, cá mú 220.000-230.000 đồng/kg. Hiện nay giá giảm trung bình khoảng 30% nên cá bớp còn khoảng 130.000-140.000 đồng/kg, cá mú cũng giảm tương tự”, ông Long chia sẻ.
Không tìm được đầu ra, các hộ nuôi cá lồng bè phải tốn chi phí cho cá ăn để cầm cự. Có hộ mỗi ngày tốn vài triệu đồng cho chi phí này nhưng nguồn thức ăn của cá cũng khan hiếm.
“Tôi còn trên chục tấn cá không có đầu ra. Mỗi ngày tốn 400-500 kg thức ăn nên khó khăn ngày càng chồng chất thêm”, bà Võ Thị Thắm ở xã Hòn Tre nói.
Theo người dân, cá nuôi đạt trọng lượng 4,5 kg/con là xuất bán. Tuy nhiên, đa số cá bớp tại Kiên Hải có trọng lượng 6,5-7,5 kg/con.
Một người nuôi cá lồng bè khác ở xã Hòn Tre là ông Nguyễn Chiến Thắng cho rằng mỗi con cá bây giờ khoảng một triệu đồng nên ít người mua. Không bán được, cá lớn thêm lại càng khó bán.
“Thức ăn cho cá cũng khan hiếm, khó mua. Chúng tôi mong cơ quan có thẩm quyền sớm tìm được nơi tiêu thụ cá giúp người dân”, ông Thắng chia sẻ.