Chiều 23/4, tại Hà Tĩnh, Bộ Nông nghiệp đã có buổi làm việc với các địa phương xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt.
Buổi làm việc bắt đầu từ 13h30, do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Vũ Văn Tám chủ trì. Tham dự có lãnh đạo các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng nhiều cơ quan chuyên môn.
Tại buổi làm việc, đại diện 4 tỉnh miền Trung lần lượt báo cáo về tình hình. Theo đó, cá chết được ghi nhận dọc từ Kỳ Anh vào Huế, đến vùng xoáy vịnh Lăng Cô thì hết.
Video: Minh Tuấn.
Trước đó, đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lần lượt đi lấy mẫu phân tích tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Đoàn cũng ghi nhận tình hình thực tế cá chết tại các địa phương này. Ngày 23/4, đoàn kiểm tra kết thúc làm việc tại Hà Tĩnh.
Độc chất mạnh nhưng chưa xác định nơi khởi phát
Theo báo cáo của Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc, ngay sau khi Hà Tĩnh xuất hiện cá chết, Trung tâm đã thu thập mẫu, phân tích và có kết quả cá chết không phải do dịch bệnh. Các chỉ số môi trường nước ở các vùng nuôi trồng, ven biển cũng ở trong mức bình thường.
Ông Nguyễn Viết Nghĩa, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu hải sản. Ảnh: Phạm Hòa. |
Còn ông Nguyễn Viết Nghĩa, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu hải sản cho biết, qua nhận định ban đầu, nguyên nhân độc chất mạnh gần như là chắc chắn, song chưa biết nơi nào phát tán.
"Tôi đề nghị các địa phương tạm dừng khai thác ven bờ. Còn các tàu cá khai thác xa bờ cần phân nhóm ra", ông Nghĩa nói.
Theo vị này, việc tác động độc chất đối với cá ở tầng nổi là ít hơn so với tầng đáy. Các địa phương nên khuyến cáo bà con khi khai thác cá ở mặt đáy cần đánh bắt xa hơn khu vực ảnh hưởng của độc tố.
Đại diện Phòng Thú y thủy sản (Cục Thú y) tán đồng với kết luận sơ bộ và cho biết đang phân tích mẫu cụ thể từ bùn, nước, cá chết… Kết luận cụ thể sẽ có trong ít ngày tới.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp) cho hay, chưa bao giờ ghi nhận tình trạng tương tự. "Sự việc rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sức khỏe của người dân cũng như việc nuôi trồng, kinh doanh thủy hản sản", vị này nói.
Trong khi đó, chia sẻ về tình hình tại Hà Tĩnh sau khi kiểm tra thực địa sáng 23/4, Phó chủ tịch UBND Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho hay, mực ống, tôm hùm nuôi ở lồng vẫn sống bình thường.
"Mực là loài rất nhạy cảm nhưng vẫn sống, vì thế, chúng tôi mong muốn thông tin chính xác để không ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán hải sản của bà con", ông nói.
Đại diện tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, 2 ngày nay không còn ghi nhận tình trạng cá chết, điều đó có nghĩa là độc tố trong nước không còn.
Sở Nông nghiệp các tỉnh cũng đề nghị sớm công bố kết quả phân tích và kiểm định để không ảnh hưởng đến kinh doanh, sản xuất hải sản. Bởi, nếu chậm trễ sẽ gây ảnh hưởng đến mùa du lịch các tỉnh ven biển, trực tiếp ảnh hưởng đến bà con.
Formosa được cấp phép xả thải xuống biển
Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Bộ đang phối hợp với nhiều bộ ngành kiểm tra, xác định nguyên nhân cá chết. Còn việc trước mắt là tập trung xử lý cá chết và xử lý môi trường
"Sau đó, mới xác định nguyên nhân nguồn độc chất ở đâu ra. Đơn vị nào xả thải gây ô nhiễm sẽ bị xử lý nghiêm", ông Nhân nói.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các địa phương có cá chết hàng loạt. Ảnh: Phạm Hòa. |
Ông Nhân cho hay, hiện chưa dữ liệu đủ để kết luận nguyên nhân. Việc công bố vì thế không thể vội vàng.
Về đường ống xã thải ở khu công nghiệp Formosa, ông Nhân cho hay, đây là đường ống công khai và được cho phép, nước thải xử lý theo chuẩn mới được xả ra biển.
"Việc làm đường ống ngầm xả nước thải đã qua xử lý là hết sức bình thường. Quy trình xử lý này đã có máy giám sát tự động", ông nói.
Tuy nhiên, vị Thứ trưởng không loại trừ nguyên nhân độc chất được phát tán từ đất liền. Việc này sẽ được điều tra làm rõ.
Thông tin kịp thời để bà con yên tâm
Chốt lại buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhìn nhận, đây là vấn đề mới và phức tạp. Ban đầu cơ quan chức năng có sự lúng túng nhưng khi vào cuộc đã "rất quyết liệt".
"Rất tiếc là đến nay chưa tìm được nguyên nhân nhưng các giải pháp xử lý cũng đã có chỉ đạo cụ thể”, ông Tám cho hay.
Theo ông Tám, tới đây, lực lượng chức năng cần thông tin kịp thời để bà con yên tâm. Các bộ, ngành sẽ sớm có kết luận và tiếp tục tìm ra tác nhân gây cá chết hàng loạt.
Vị Thứ trường yêu cầu các địa phương nhanh chóng xử lý số đảm bảo vệ sinh môi trường; khuyến cáo cho bà con không sử dụng cá chết. Khi cá không chết nữa thì tuyên truyền cho người dân tiếp tục tiêu thụ và phải giám sát chất lượng sản phẩm.
Diễn biến vụ việc
Tình trạng cá chết được ngư dân phát hiện tại vùng biển một số xã thuộc Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vào ngày 6/4. Bốn ngày sau, hiện tượng tiếp diễn tại vùng biển xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình).
Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) kết luận, cá chết ở Hà Tĩnh do “môi trường nước bị ô nhiễm, có yếu tố gây độc trong môi trường”. Những ngày sau đó, liên tiếp các vùng biển Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), Quang Phú và Bảo Ninh (TP Đồng Hới), xã Hải Ninh ghi nhận tình trạng cá chết đồng loạt dạt vào bờ biển.
Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ghi nhận các loài cá chết dạt vào bờ đều sống ở tầng đáy, vùng biển gần bờ. Sau khi có kết quả ban đầu, Sở Nông nghiệp Quảng Bình thống nhất ý kiến với cơ quan cùng cấp Hà Tĩnh xác nhận, nguyên nhân gây cá chết là nguồn nước biển ô nhiễm (có yếu tố gây độc) từ khu công nghiệp Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lây lan vào Quảng Bình theo dòng hải lưu Bắc Cực – Xích đạo.
Đến ngày 19/4, tình trạng được ghi nhận ở vùng biển Quảng Trị và tiếp tục lan rộng vào Thừa Thiên – Huế. Ngày 22/4, Đoàn công tác liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đã trực tiếp vào làm việc, kiểm tra, lấy mẫu để phân tích nhằm tìm ra nguyên nhân.
Cùng ngày, 2 phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân. Bộ Công an, Bộ Công thương cũng vào cuộc.