Khai thác tuyến có mật độ dân cao, buýt nhanh BRT đông khách vào giờ cao điểm sáng. Cùng lúc, buýt truyền thống bắt đầu xuất hiện tình trạng vắng vẻ lúc tan tầm lẫn giữa trưa.
Sau gần nửa năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT ở Hà Nội chủ yếu đưa đón những người mua nhà ở khu vực quận Hà Đông, vắng bóng sinh viên.
Theo khảo sát của Zing.vn, vào giờ cao điểm hầu hết xe buýt tuyến này đều đông khách. (Ảnh chụp 7h30 sáng 23/5).
Một trong những chuyến buýt BRT hướng từ Hà Đông tới Kim Mã vào lúc 7h30 sáng. Bên trong xe chật ních người, chủ yếu là nhân viên công sở.
Nhiều chỗ đứng không còn tay cầm, hành khách buộc phải bám vào cột trên xe.
Khi xe dừng đón trả khách tại nhà chờ Vũ Ngọc Phan, nhiều người muốn lên nhanh cũng khó khăn vì hết chỗ trống.
Bên trong một chuyến xe khác, tuy không chật cứng nhưng ghế ngồi cũng không còn, một số hành khách phải đứng.
Ở chiều ngược lại hướng từ Giảng Võ về Lê Văn Lương, lần lượt các chuyến xe đầy ắp người. Đây cũng là trục đường có nhiều tòa nhà chung cư nhất Hà Nội trải dài từ ngã tư Lê Văn Lương - Láng tới nút giao Tố Hữu - Vạn Phúc (quận Hà Đông).
Vào buổi gần trưa ngày thứ 7 (ngày 20/5), do là ngày nghỉ của nhân viên công sở xe BRT vắng hơn. Hình ảnh một chuyến xe hướng từ Hà Đông tới Kim Mã, lúc này chỉ có 3 hành khách bên trong.
Các nhà chờ BRT thường khá vắng khách, nhất là vào ngày nghỉ thứ 7 hoặc chủ nhật.
Tuyến BRT không đi qua các trường đại học nên hầu như vắng bóng sinh viên.
Tại một chuyến xe buýt thường tuyến số 32 (tuyến đông nhất từ bến xe Giáp Bát đến Nhổn) vào giờ tan tầm 16h30 chiều 24/5.
Đây là tuyến đi qua nhiều trường đại học như Đại học Xây dựng, Bách Khoa, ĐH GTVT, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, Đại học Quốc gia Hà Nội, ĐH Sư phạm, ĐH Thương mại...
Do đó có nhiều sinh viên sử dụng tuyến Giáp Bát - Nhổn này. (Ảnh chụp giờ cao điểm 17h).
Xe buýt tuyến số 32 đông đúc nhìn từ bên ngoài.
Các tuyến xe buýt thường còn lại không quá đông, thậm chí rất vắng vào buổi trưa. Tuyến xe buýt số 51 (chặng Trần Khánh Dư - Công viên Cầu Giấy), hành khách không phải chen chúc khi lên xe. (Ảnh chụp lúc 11h ngày 23/5 trên phố Trung Kính).
Chuyến xe buýt số 39 (chặng Công viên Nghĩa Đô - Tứ Hiệp lúc 11h30 ngày 23/5) chạy một chặng dài không có khách bên trong.
Ông Hà Cầu, nhân viên soát vé xe buýt chặng Trần Khánh Dư - Công viên Cầu Giấy có thâm niên làm nghề cho rằng vào giờ cao điểm một số chuyến xuyên tâm không đông như ngày xưa do hiện có nhiều xe cá nhân và loại hình phương tiện công cộng.
Hành khách đi xe buýt thường không còn phải chen chúc như những năm trước. (Ảnh chụp trên tuyến số 05 từ KĐT Linh Đàm tới Trại Gà).
Một tài xế xe buýt thông thường thừa nhận khoảng hơn một năm trở lại đây tình trạng vắng khách diễn ra phổ biến hơn. "Trước đây sinh viên đại học phần lớn sử dụng xe buýt đi lại nhưng gần đây các em được phụ huynh sắm cho xe máy tiện đi lại, giá xe máy cũng rẻ hơn trước nên xe buýt không còn là phương tiện lựa chọn chính cho việc đi lại của họ", người lái xe bày tỏ quan điểm.
TS Nguyễn Ngọc Quang (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) khẳng định buýt nhanh Hà Nội lãng phí 50% thời gian di chuyển vì thiếu hệ thống tín hiệu đèn ưu tiên.
Hội kiến Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định Việt Nam luôn ưu tiên cao cho việc củng cố, tăng cường quan hệ Việt Nam - Campuchia.