Sở Giao thông Vận tải (GTVT) vừa báo cáo UBND TP.HCM về tình hình đầu tư, vận hành 2 tuyến buýt đường sông theo hình thức đối tác công tư.
Dù ký hợp đồng đầu tư 2 tuyến đến nay, Công ty TNHH Thường Nhật mới vận hành tuyến số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông). Tuyến số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm) chưa vận hành do vướng dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 và công trình cống kiểm soát triều Bến Nghé thuộc dự án chống ngập do triều cường.
TP.HCM sắp xây dựng thêm khu bến trung tâm làm nơi neo đậu tàu thuyền vào ban đêm. Ảnh: Lê Quân. |
Theo Sở GTVT TP.HCM, tuyến số 1 dài 10,8 km vận hành từ cuối năm 2017 đã giúp người dân có thêm lựa chọn đi lại và góp phần làm đa dạng hoạt động du lịch đường thủy. Trong 9 tháng đầu năm 2019, buýt đường sông vận chuyển 245.000 lượt khách, trung bình mỗi ngày có 907 khách. Dù giá vé đắt hơn xe buýt (15.000 đồng/lượt), lượng khách vẫn tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018.
Công ty Thường Nhật đang sử dụng 4 phương tiện có sức chứa 75 khách để đưa đón người dân có nhu cầu qua 5 bến gồm: Bạch Đằng, Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh và Linh Đông.
Tuyến số 1 vẫn còn 4 bến chưa thi công do vướng mặt bằng. Đáng chú ý là khu bến trung tâm ở phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) cũng chưa được xây dựng. Khu này rộng 3,14 ha gồm các hạng mục như bến đón trả khách, khu bảo dưỡng tàu thuyền, neo đậu tàu thuyền về đêm và khu nhà điều hành.
Sở GTVT đánh giá khu bến trung tâm là đầu mối giao thông kết nối thuận lợi với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác như sân bay Tân Sơn Nhất và ga đường sắt Bình Triệu. Do đó, đơn vị này kiến nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án giao thuê đất và hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch.
Nhà đầu tư có trách nhiệm hoàn thành xác định ranh giới, vị trí khu đất, cắm mốc và đo đạc hiện trạng vị trí bến của 2 tuyến buýt đường sông trong tháng 11, trước khi hoàn tất việc xây dựng bến vào giữa năm sau.
Sơ đồ tuyến buýt đường sông số 1. Đồ họa: Minh Trí. |