Ảnh minh họa: Austin Guevara/Pexels. |
Có thể nói, nỗi buồn là một trong những khổ não của con người, theo nhà Phật thì có thất tình, nghĩa là bảy sắc thái: buồn, giận, hờn, tủi… nó có khi dễ làm cho ta mất đi lý trí, mất kiểm soát bản thân. Dù rằng biết rõ cảm xúc ấy có tiêu cực nhưng quả thật khó có ai bình thản trước sự việc không như ý hay biến cố bất ngờ. Và trạng thái hiếm hoi, mong cầu nhất là vui vẻ, ngược lại, thường nhật nhất là buồn.
Như một câu hỏi mở, quyển sách Buồn mãi có làm gì được không? sinh ra từ tập hợp các nhà văn có tên tuổi và nhiều cây bút trẻ đang trên hành trình hoàn thiện bản thân; trong đó, với sự nhiệt huyết của mình, các tác giả nói lên những góc nhìn, chia sẻ về nỗi buồn mà mình trải qua hoặc trông thấy.
Từ trong cuộc sống và hồi ức…
Để biết nỗi buồn xuất phát từ đâu, có lẽ, chính bản thân chúng ta là người rõ nhất. Đó có thể là tháng ngày lao động mệt mỏi, lo cơm ăn áo mặc rồi hậu quả là những sự quẫn trí dại khờ trong Buồn buồn nói chuyện buồn chơi của Nguyễn Ngọc Tư khiến người đọc thấy hậu quả của nỗi buồn ghê gớm thế nào.
"Mọi người vật ra, ngơ ngác, món nợ chưa đầy hai mươi triệu + bà mẹ chồng khó tính + những mùa tôm cứ thất bát nối đuôi nhau + buồn = chết. Đơn giản như một bài toán trẻ con".
Có thật sự đơn giản như thế không? Liệu còn những ai sẽ chết như bài toán ấy trên cõi đời này? Chắc vì “đơn giản” nên ai cũng quyết định “đáp án” ngay mà không suy nghĩ quá lâu và từ quyết định ấy, ta mông lung biết chừng nào cho người ở lại.
Sách Buồn mãi có làm gì được không?. Ảnh: NXB Thanh niên. |
Hay là những kỷ niệm bi thương từ gia đình trong Con sóng giữa dòng của Thảo Vi, người chị đã bao phen “bảy nổi ba chìm” với phận đời, phận người, những tưởng có tấm chồng êm ấm trong “giấc mơ gả con về chốn thị thành để an nhàn tấm thân”. Thế nhưng biến cố ập đến bất ngờ; “Bên này sông, một sớm cuối hạ, ba vùng vẫy thét gào khi hay tin chị đã quyên sinh vì một nỗi ức oan”.
Lại một sự quẫn trí bi thương. Khi con người luôn cất giữ trong mình nỗi buồn không san sẻ, đó là sự thống khổ tột cùng nhất. Nếu vậy, ta ước mình mãi không trưởng thành cứ trẻ con vậy có sướng hơn không, như bài viết Dòng cảm xúc không tên của Nguyễn Lê Vĩnh Phúc: “Càng lớn nỗi đau càng nhiều. Càng trưởng thành nỗi đau càng lớn” nó được lý giải rằng “Tiền thân của sự đau đớn chính là nỗi buồn vẫn cứ bám víu trong mỗi chúng ta”.
Nỗi buồn thậm chí còn len lỏi vào trong dòng suy nghĩ bâng quơ, hoài niệm về một cuộc tình dang dở ở Bỏ lại sau cơn mưa của Trần Nguyễn Trúc Đào.
“Tôi nghĩ tình yêu đó không đủ làm mình day dứt và nhớ mãi trong lòng nhiều năm như thế / Tôi từng sợ, từng rất sợ, từng chẳng muốn tiếp tục bất cứ điều gì nữa…”.
Cũng như vậy, sự trói buộc của tình cảm như ngọn lửa tưới thêm dầu, khiến ngay cả một trái tim cứng cỏi cũng mềm lòng, đau xót “Là một đứa con trai, tôi không cho phép mình yếu đuối, không cho phép mình buồn. Nhưng thật sự tôi chẳng đau làm chi nếu như tình cảm lúc đầu dành cho người ta không quá lớn!” trong Như loài hoa sa mạc của Lê Văn Nhân.
…đến niềm tin và mở lòng
Ta đi qua nhiều dư vị của cuộc đời mới học được công thức của cuộc sống, là sự dồn ép, nén đè. Nhiều tâm tư giấu kín “Đến khi nào mới hết khổ… ai mà dám trả lời” trích Nếu đời không có mẹ của Trần Quốc Giàu. Qua đó nỗi buồn tăng trưởng như nấm mọc sau cơn mưa, mịt mờ trong dĩ vãng. Nhưng niềm tin một tương lai, ánh sáng hy vọng vẫn còn thắp sáng soi đường dẫn lối cho ta quay về đúng tuyến đường ban đầu.
“Khi vượt qua nhiều thử thách mới thấy được bản thân mình đã tài giỏi như thế nào. Bầu trời có tăm tối như thế nào thì ngày mai ánh mặt trời cũng lại lên, khi ấy nó sẽ soi sáng khắp mọi nơi!”, trích Ngày mai Mặt trời lại lên của Huỳnh Thanh.
Hay điều mong muốn cuối cùng của con người dù ở độ tuổi nào cũng khát vọng trong Một đời gió bụi của Thanh Thảo thì đó là sự tĩnh lặng, bình thản:
“Năm tháng để lại sự yên tĩnh cuối đoạn đường. Xế chiều trở lại khoảng an nhiên. Một đời gió bụi, mong những điều cuối cùng còn sót lại, sẽ là bình an”.
Và đạt đến sự thong thả, thư thái nhất có lẽ là… buông bỏ, là tha thứ. Trong Con sóng giữa dòng, Thảo Vi đã khái quát lên tất cả:
“Nhưng tôi tin dù là hoàn cảnh nào, với tình yêu thương, lòng vị tha và biết chọn thái độ sống tích cực, chị tôi đã thực sự tìm được niềm vui an lạc”.
Hãy luôn sống với thái độ biết ơn mọi thứ, vũ trụ chắc chắn hồi đáp cho những niềm tin yêu ấy như tác giả Chế Thị Ngọc Hân viết trong Làm thế nào để vui mỗi ngày?: “Mỗi ngày mình đều có thói quen ghi chép mọi việc, đặc biệt là những điều mình được ưu ái, nhỏ thôi, nhưng đó là tất cả những nguồn năng lượng tích cực giúp mình cảm thấy được yêu thương mỗi ngày”.
Sau khi đọc xong quyển sách Buồn mãi có làm gì được không?, các bạn hẳn có trong lòng một câu trả lời cho mình. Còn nhiều hơn thế nữa, hãy niềm tin vào tương lai, cuộc sống ở phía trước đến một lúc nào đó khi ta lật từng trang sách, đọc từng dòng chữ và rồi tự ngẫm một câu hỏi như lời tựa sách đề ra buồn mãi… có làm gì được không?
Bài viết của bạn Huỳnh Chí Thiện, sinh viên Sư phạm Ngữ văn, Đại học An Giang.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.