Nhớ về ngày lịch sử trọng đại của đất nước cách đây 40 năm, bà Hồ Mỹ Hạnh – xướng ngôn viên đầu tiên trên đài truyền hình sau ngày giải phóng hồ hởi: “Giờ tuổi già bệnh tật, lúc nhớ lúc quên nhưng câu nói ‘Đây là Đài Phát thanh Giải phóng – Tiếng nói của Mặt trận giải phóng Dân tộc miền Nam Việt Nam’ mãi vang vọng trong tôi”.
17 tuổi, nữ sinh Hồ Mỹ Hạnh chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước do chiến tranh. Cô gái của vùng đất thép Củ Chi nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, tham gia cách mạng, hoạt động năng nổ trong phong trào học sinh – sinh viên.
Bà Hồ Mỹ Hạnh, nữ xướng ngôn viên đầu tiên của Đài truyền hình Sài Gòn Giải phóng. Ảnh: Trường Nguyên. |
Năm 1962, phong trào cách mạng của sinh viên học sinh ở Sài Gòn phải tạm lắng vì cơ sở bị lộ. Cô nữ sinh chuyển từ trường trung học Minh Tân – Bắc Hà (Củ Chi) lên trường Đạt Đức (Phú Nhuận) tiếp tục theo học và hoạt động cách mạng.
“Trong năm này, Đài Phát thanh Giải phóng được thành lập. Chú Năm Quang (Trần Bạch Đằng, Phó ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam) và chú Bảy Kinh (giám đốc đài khi vừa thành lập) qua Thành đoàn xin tôi về làm phát thanh viên. Thế là người con gái độc nhất, được cha mẹ cưng chiều… bỏ nhà vào chiến khu, vào Đài”.
Cuộc sống ở chiến khu kham khổ, thiếu thốn mọi thứ, nằm hầm ngủ bụi, hứng chịu những trận càn ác liệt của địch. “Năm 1966, trong một lần tôi đi rẫy gần về tới thì địch cho thả bom phải núp vào giao thông hào. Khi về tới căn cứ thì hay tin soạn giả Trần Hữu Trang (Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng) đã hy sinh khiến ai cũng đau lòng, có người khóc nức nở rất lâu”, bà Hạnh nhớ lại.
Tháng 4/1975, tình hình chiến trường miền Nam chuyển biến nhanh chóng, quân giải phóng tấn công như vũ bão, đang tiến về Sài Gòn. Mỹ Hạnh được gọi vào đoàn chuẩn bị đi tiếp quản Đài truyền hình vô tuyến của chính quyền Sài Gòn cũ.
Nữ xướng ngôn viên của 40 năm trước nhớ lại: “Lúc được giao làm xướng ngôn viên đài truyền hình vô tuyến, tôi vui mừng không kể xiết vì biết rằng thời khắc giải phóng Sài Gòn sắp đến, đất nước rất gần ngày thống nhất rồi. Mọi người luyện giọng ngày đêm chuẩn bị cho bản tin đầu tiên ngày giải phóng. Tôi nhiều đêm mất ngủ vì nghĩ đến lúc làm xướng ngôn viên truyền hình trong ngày trọng đại”.
Ngày 29/4, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam tập kết tại rừng cao su Dầu Tiếng, Bình Dương, lên kế hoạch tiến về Sài Gòn. Đài phát thanh Giải phóng có ba xướng ngôn viên Hồ Mỹ Hạnh, Vương Thanh Liêm, Nguyễn Hữu Phước cùng các lãnh đạo, đội ngũ kỹ thuật, máy móc phát thanh.
Theo chỉ thị của lãnh đạo, sau khi tiếp quản Đài Sài Gòn, phải lập tức phát bản tin của Đài Giải phóng. Nếu chính quyền cũ cố tình phá đài trước khi đoàn tiếp quản đến thì cán bộ phải sản xuất và phát luôn bản tin bằng máy móc mang theo trên xe.
Đúng 3h, đoàn xe tiếp quản tiến về Sài Gòn xe theo lộ trình quốc lộ 1 qua Tây Ninh đến Củ Chi và tiến vào trung tâm thành phố.
Hình ảnh dinh Độc Lập ngập tràn cờ hoa mừng ngày thống nhất 30/4/1975. Ảnh tư liệu. |
Lúc 11h30 ngày 30/4, qua làn sóng phát thanh của chính quyền Sài Gòn, đoàn tập kết nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. “Không ai bảo ai, mọi người cùng reo to 'Giải phóng Sài Gòn, thống nhất rồi các đồng chí ơi'”, người nữ xướng ngôn viên kể.
Bà Hạnh nhớ lại: “Trên đường Củ Chi về la liệt quân phục, tư trang của lính vứt bỏ để tháo chạy. Có lúc xe phải tránh một số thi thể giữa đường, mất lái lật nhào khiến vài người bị thương, phải băng bó để đi tiếp. Đến tối, đoàn mới vào được trung tâm, tiếp quản Đài Sài Gòn, khuỷu tay của mọi người đều mỏi rã rời vì vẫy chào người dân đổ ra đường chào đón quân giải phóng”.
Đến ngã tư Hồng Thập Tự - Công Lý (nay là Nguyễn Thị Minh Khai – Nam Kỳ Khởi Nghĩa), đường bị ùn tắc do người dân đổ ra đường mừng ngày thống nhất. Mất hơn một giờ, xe của đài phát thanh mới qua khỏi khu vực này.
19h ngày 30/4, đoàn tiếp quản đài phát thanh của chính quyền cũ. Không kịp nghỉ ngơi, cả ekip lao vào công việc để phát bản tin đầu tiên trong ngày thống nhất.
Bà Hạnh kể: “Mọi người làm việc cấp tốc như không hề có sự mệt mỏi vì cả ngày di chuyển trên xe. Đúng 20h ngày 30/4, anh Hữu Phước và chị Hai Liêm phát tin phát thanh đầu tiên. Chị Hai Liêm đọc lời xướng: 'Đây là Đài phát thanh Sài Gòn Giải phóng - Tiếng nói của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam'.
Tiếp đó, anh Phước đọc ‘Thông báo số 1 của Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định’, với nội dung Chính phủ Cách mạng đã nắm quyền kiểm soát, đồng thời kêu gọi đồng bào yên tâm ổn định cuộc sống và nêu một số chính sách đối với vùng mới giải phóng”.
Nghe bản tin ấy, cảm xúc với tôi đến bây giờ vẫn không thể quên. Từ đây, đất nước đã bước qua chiến tranh đau khổ, xây dựng cuộc sống mới”.
Sau bản tin phát thanh, Hữu Phước cùng Mỹ Hạnh di chuyển qua đài truyền hình Sài Gòn ngay trong đêm 30/4 để làm bản tin truyền hình giải phóng cho ngày 1/5.
Anh Hữu Phước và cô gái Mỹ Hạnh chuẩn bị cho bản tin truyền hình ngày 1/5/1975. Ảnh tư liệu. |
Người xướng ngôn viên truyền hình bồi hồi: “Đêm Sài Gòn của 30/4/1975 ngập tràn cờ hoa. Nhiều người vẫn còn ra đường để hưởng niềm hạnh phúc của ngày thống nhất. Đó là đêm đầu tiên sau rất nhiều năm tôi không còn phải nghe tiếng bom rền đạn nổ. Không còn cảm giác lo lắng khi đối mặt với những trận càn. Đêm giải phóng đầu tiên thật mát mẻ”,
Từ sáng đến tối 1/5, cả ekip làm việc cực lực cho bản tin truyền hình giải phóng đầu tiên, quên cả ăn uống. Đúng 19h ngày 1/5/1975, ông Lê Minh Hiền – phó giám đốc đài bấm nút phát sóng nhưng… hình ảnh không lên. Ai cũng hồi hộp, nhưng không hiểu sự cố gì xảy ra.
“Tôi và anh Phước rất lo lắng bởi đây là chương trình vô cùng quan trọng. Ngay sau đó, lý do sự cố là đồng chí Hiền quá xúc động nên bấm nút không sâu. Tiếp tục bấm lần 2, hình ảnh cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng bay phấp phới trên nền nhạc bài giải phóng miền Nam. Ai cũng rạng rỡ hạnh phúc. Và tôi xướng lời: ‘Đây là đài truyền hình giải phóng’…”.
Sau nhật lệnh, xướng ngôn viên Mỹ Hạnh đọc thông báo của Ủy ban Quân quản Sài Gòn – Gia Định: Đất nước đã chấm dứt chiến tranh, tất cả tầng lớp nhân dân mau chóng ổn định cuộc sống. Nhân dân ta bắt đầu ngày mới – Ngày thống nhất, hòa bình của đất nước, cùng xây dựng Việt Nam độc lập, tự do và giàu mạnh.
Bản tin hôm ấy thông báo cho toàn quốc và cả thế giới: Cuộc kháng chiến kéo dài 21 năm ở Việt Nam đã chấm dứt, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Đất nước từ đây thống nhất.
Giây phút đó là kết thúc cho đài truyền hình vô tuyến của chính quyền cũ, mở ra thời kỳ mới, khai sinh Đài truyền hình Sài Gòn Giải phóng mà sau này là Đài truyền hình TP HCM.
“Đã 40 năm trôi qua sau giờ phút lịch sử mà tôi vẫn ngỡ như mới đây thôi bởi cảm xúc vì câu xướng ‘Đây là đài Truyền hình Sài Gòn Giải phóng’ vẫn còn vang vọng bên mình…”, nữ xướng ngôn viên truyền hình đầu tiên của ngày thống nhất xúc động.