Những ngày giáp Tết Nguyên đán, biển Ninh Thuận trở nên lạnh giá. Vậy mà mới sớm tinh mơ, Đội đặc công người nhái thuộc Lữ đoàn 5 (Binh chủng Đặc công) đã xé nước trở về sau một đêm luyện tập ngâm mình dưới lòng đại dương.
Bước lên bờ trong cái lạnh se se, chiến sĩ đặc công nước vẫn nhoẻn miệng cười đầy lạc quan, phấn khởi. Đại úy Nguyễn Tiến Dũng, Đội trưởng Đội đặc công người nhái, chia sẻ: "Những đêm huấn luyện như thế này với chúng tôi chỉ là chuyện nhỏ, bởi anh em đã qua rèn luyện gian khổ hơn nhiều, đặc biệt là công đoạn ép nhái".
Từ lâu tôi đã biết bộ đội đặc công nước vô cùng vất vả nhưng vẫn chưa hiểu ép nhái là gì. Dẫn tôi tới khu vực luyện tập của đơn vị, Trung tá Lê Trung Hiên, Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn, giới thiệu: "Để có thể hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện cả chục giờ dưới nước, ngoài việc tuyển chọn các chiến sĩ có sức khỏe tốt, thần kinh vững, tiền đình ổn định, chúng tôi còn tiến hành kiểm tra chiến sĩ bằng cách đưa vào một buồng tăng, giảm áp, điều chỉnh áp suất bằng với áp suất nước biển ở độ sâu tương ứng. Quy trình này được tuân thủ nghiêm ngặt để rèn luyện sức chịu đựng của bộ đội khi lặn ở từng độ sâu khác nhau, bảo đảm an toàn không xảy ra sự cố đáng tiếc. Đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất để có thể lựa chọn được những người nhái đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ".
Mũi đặc công người nhái Lữ đoàn 5 đang luyện tập tiếp cận mục tiêu. |
Trong buồng tăng, giảm áp, sức ép sẽ làm cho lồng ngực có cảm giác như sắp vỡ tung ra, gây khó thở, khó chịu vô cùng. Nhưng đã là người nhái thì nhất thiết phải trải qua công đoạn này mới có thể lặn được ở độ sâu hàng chục mét, nếu không sẽ hy sinh bất cứ lúc nào khi thực hiện nhiệm vụ trên biển.
Theo Thượng tá Lê Quang Anh, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn, một trong những khâu quan trọng để nâng cao chất lượng huấn luyện và trình độ nghiệp vụ của bộ đội đặc công nước là phải làm tốt ngay từ khâu huấn luyện chiến sĩ mới, phân loại cụ thể, chính xác từng đối tượng; tập trung rèn luyện khả năng chịu đựng sóng, gió thông qua việc luyện tập đi trên cầu sóng, đu quay, vòng lăn… đến khi đạt yêu cầu mới thực hành các kỹ năng bơi, lặn trên biển.
Tiếp đó, giai đoạn huấn luyện chuyên ngành sẽ được bắt đầu từ huấn luyện ven bờ, nơi lặng sóng, độ sâu ít đến huấn luyện xa bờ, tăng độ sâu, nơi sóng lớn, bám đuổi tàu thuyền… Cứ thế các chiến sĩ sẽ tích lũy trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm bơi, lặn ở nhiều độ sâu khác nhau.
Chứng kiến một buổi luyện tập của đặc công nước, tôi mới cảm nhận hết sự khổ luyện và nghị lực vượt khó của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 5. Từng tổ, mũi xuất phát theo đội hình chiến đấu. Chỉ vài phút sau, những chiến sĩ ấy đã lẫn vào đại dương mênh mông.
Trung tá Lê Khánh Thành, Liên đội trưởng Liên đội 1 cho biết: "Để bộ đội có thể bơi liên tục từ 12-15km trên biển, chúng tôi phải mất rất nhiều công sức huấn luyện cả thể chất lẫn tinh thần. Cán bộ các cấp thường xuyên theo sát, cùng tập, cùng lặn, cùng bơi với chiến sĩ; tổ chức huấn luyện thực hành ngày đêm, kỹ thuật vượt qua dòng chảy, lách tránh sinh vật biển và rèn cả phương pháp xử trí khi bị trầy xước không để chảy máu thu hút những loài vật nguy hiểm bám theo. Tất cả những kỹ năng đó người chiến sĩ đặc công nước phải thuần thục, độc lập xử trí để bảo đảm an toàn, hoàn thành nhiệm vụ một cách chính xác, hiệu quả, trong thời gian ngắn nhất".
Chiến sĩ đặc công nước luyện tập trên vòng quay để làm quen với sóng. |
Với nhiệm vụ cơ động tác chiến trên hướng biển, đảo và làm nhiệm vụ chống khủng bố, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn… trên địa bàn 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, Lữ đoàn Đặc công 5 đã xây dựng kế hoạch huấn luyện sát với thực tiễn biển, đảo; dự kiến các tình huống, phương án chống khủng bố trên biển và tổ chức luyện tập thường xuyên, chặt chẽ. Chính những tình huống giả định đa dạng, sát thực, được huấn luyện thành thạo đã giúp cho lữ đoàn luôn chủ động, nhanh nhạy xử lý mọi bất trắc trên tuyến biển dài hàng trăm cây số; phối hợp bảo vệ an toàn biển, đảo trong phạm vi đảm nhiệm.
Đại tá Hoàng Văn Kiên, Chính ủy Lữ đoàn khẳng định: "Cùng với quy trình huấn luyện nghiêm ngặt, bền bỉ, cường độ cao thì môi trường công tác khắc nghiệt đã tạo nên bản lĩnh của bộ đội đặc công nước. Cuối năm vừa qua, đơn vị chúng tôi được Binh chủng Đặc công đề nghị Chính phủ tặng Cờ thi đua. Đây là tiền đề quan trọng để lữ đoàn tiếp tục phấn đấu vươn lên ngay từ những ngày đầu xuân mới".