Tại TP.HCM, ông John Kerry vừa có bài phát biểu về hợp tác Mỹ - Việt, mối quan hệ mà ông đã góp phần xây dựng trong nhiều thập niên qua. Trước đó, sáng 13/1, ông John Kerry đã gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Thanh Tùng. |
Hội trường trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM được chọn là địa điểm cho bài phát biểu cuối cùng của Kerry trên cương vị ngoại trưởng vì đây là món quà viện trợ của chính phủ Mỹ cho Việt Nam vào trước năm 1975. "Một nơi tuyệt vời để chúng ta suy nghĩ về tương lai", Ngoại trưởng Mỹ cho biết. Ảnh: Thanh Tùng. |
Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, là người giới thiệu Ngoại trưởng John Kerry. Ảnh: Thanh Tùng. |
Phông nền cho bài phát biểu của ông Kerry là khung cảnh TP.HCM, nơi ông từng đặt chân đến từ 50 năm trước và hiện được ông miêu tả là một nơi "tràn ngập năng lượng và bầu không khí gấp gáp". Ảnh: Thanh Tùng. |
Ngoại trưởng Mỹ chia sẻ rằng trong rất nhiều lần đến Việt Nam, gặp gỡ rất nhiều tầng lớp người của xã hội Việt Nam, ấn tượng không đổi trong ông về Việt Nam là khát khao thay đổi của đất nước này. Ảnh: Thanh Tùng. |
Chuyến đi Việt Nam lần này là lần cuối cùng trên cương vị ngoại trưởng trước khi tổng thống mới của Mỹ nhậm chức vào tuần tới. Ảnh: Thanh Tùng. |
"Tôi đứng đây ngày hôm nay, trước mặt tôi hầu hết là các bạn trẻ, những người sinh ra rất lâu sau cuộc chiến tranh. Chúng ta đã đi rất xa kể từ ngày đó, nhưng thành quả ngày hôm nay không phải tự nhiên mà có mà thông qua công sức và tầm nhìn của rất nhiều người", Ngoại trưởng Kerry cho biết. Ảnh: Thanh Tùng. |
Trước những lo ngại chính quyền mới của Mỹ sẽ không ưu tiên châu Á - Thái Bình Dương và có xu hướng phản đối tự do thương mại, Ngoại trưởng Kerry trấn an rằng quan hệ Mỹ - Việt không phụ thuộc vào cá nhân một tổng thống nào mà phụ thuộc vào những giá trị chúng ta chia sẻ. Ảnh: Reuters. |
Trong buổi chiều làm việc tại TP.HCM, Ngoại trưởng Kerry cũng đã trao ý định thư về tài trợ của Tổ chức Đầu tư Tư nhân Hải ngoại (OPIC) cho Đại học Fulbright, dự án được tài trợ bởi Quốc hội Mỹ. Ý định thư của OPIC bày tỏ mong muốn tài trợ cho việc thiết kế và xây dựng khuôn viên chính của Đại học Fulbright tại TP.HCM. Dự án sẽ hỗ trợ các chương trình đào tạo học thuật của trường với quy mô đào tạo lên tới 7.000 sinh viên. Ảnh: Thanh Tuấn. |
Rời Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Ngoại trưởng Kerry đến Hội trường Thống nhất để gặp Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng. Ông Kerry có mặt tại Dinh Thống Nhất lúc 18h30 với sự tháp tùng của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius và Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Mary Tarnowka. Ảnh: Thanh Tùng. |
Bí thư TP.HCM Đinh La Thăng đích thân chào đón cựu thượng nghị sĩ, nhà ngoại giao từng nhiều lần đến Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Bí thư TP.HCM và ngoại trưởng Mỹ từng gặp nhau hồi tháng 5 trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama. Chuyến thăm lần này có thể là lần cuối cùng ông đến Việt Nam với tư cách ngoại trưởng Mỹ. Ảnh: Reuters. |
"Chào tạm biệt", Ngoại trưởng Mỹ đã kết thúc bài phát biểu về quan hệ Việt - Mỹ bằng tiếng Việt. Ông hứa sau nhiệm kỳ ngoại trưởng, ông sẽ trở lại Việt Nam với tư cách một công dân bình thường. Theo lịch trình dự kiến, ngoại trưởng Mỹ sẽ đến thăm một số địa điểm tại Cà Mau, nơi ông đóng quân trong thời gian chiến tranh Việt Nam, trước khi kết thúc chuyến đi vào ngày 14/1. Tuy nhiên, báo chí không được đi cùng vì ông Kerry chỉ muốn đây là chuyến đi riêng tư. Ảnh: Thanh Tùng. |