Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bước tiến trong phong trào đòi xóa bỏ án tử ở Malaysia

Các chiến dịch đòi bãi bỏ án tử hình ở Malaysia diễn ra ngày càng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của dư luận trong khi chính phủ đang xem xét việc sửa đổi quy định luật về tử hình.

Tại Malaysia, án tử hình là hình thức trừng phạt bắt buộc với tội giết người, buôn bán ma túy, phản quốc, tiến hành chiến tranh chống lại Nhà vua Malaysia, khủng bố và tài trợ khủng bố, hiếp dâm trẻ em và hiếp dâm gây chết người. Những kẻ bắt cóc cũng có thể lĩnh án chung thân hoặc án tử hình.

Từ năm 1970 đến 2001, Malaysia đã xử tử 359 người. Tính đến tháng 5/2016, 1.041 tội phạm ở nước này đang chờ xem có phải chịu án tử hình hay không. Theo Cục Trại giam Malaysia, những tử tù này đang kháng cáo với tòa án hoặc với ban ân xá của Malaysia.

Tuy nhiên, trong khi số phận của họ vẫn chưa được định đoạt, án tử hình đang bị nhiều người dân Malaysia cũng như Tổ chức Ân xá Quốc tế phản đối. 

Tranh cãi xung quanh án tử hình

Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) đang nỗ lực kêu gọi Malaysia gia nhập hàng ngũ ngày càng đông đảo các quốc gia bãi bỏ án tử. Theo AI, cách Malaysia áp dụng hình phạt này chưa phù hợp với Quy ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), vì tòa án không cân nhắc hoàn cảnh riêng của bị cáo hay hoàn cảnh dẫn đến tội ác trong lúc xét xử.

Chẳng hạn với một số án giết người bị tuyên tử hình, tòa sẽ không xét việc bị cáo có ý định giết nạn nhân thật sự hay chỉ vô ý, trong khi theo quy ước ICCPR, vô ý giết người không được định nghĩa là “tội ác nghiêm trọng”.

Tổng thư ký của tổ chức này, ông Salil Shetty, kêu gọi chính phủ Malaysia ban lệnh hoãn tất cả các án tử hình khi việc bãi bỏ án tử hình đang được xem xét.

Theo ông Salil, thật "thiếu thực tế" khi cho rằng hình phạt này có thể ngăn chặn tội phạm. “Hiện chưa có bằng chứng nào trên thế giới cho thấy tử hình là một biện pháp răn đe hiệu quả”. Tổng thư ký AI nói rằng hầu hết nghiên cứu đều cho thấy điều này.

"Phần lớn các hình phạt nhằm mục đích cho thấy sự cứng rắn của chính phủ, nhưng án tử hình không tạo ra được khác biệt nào”, Star dẫn lời ông cho biết.

an tu o Malaysia anh 1
Ông Salil Shetty, tổng thư ký Tổ chức Ân xá Quốc tế. Ảnh: Star.

Nhà hoạt động 55 tuổi nói thêm rằng tỷ lệ phạm tội ở Canada thậm chí đã giảm sau khi án tử hình được bãi bỏ. Ông Salil giải thích AI chống lại án tử hình là do bản án này về cơ bản đã ngăn cản quyền được sống của con người. “Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nước có hệ thống tư pháp thiên lệch gây bất lợi cho những người nghèo không đủ tiền thuê luật sư”.

Ông cho rằng án tử hình là không hợp lý ngay cả với mục đích ngăn chặn mối đe dọa ngày càng tăng của các nhóm khủng bố Hồi giáo. "Tôi vừa trở về từ Iraq, đó là một trong những nơi mà án tử hình được thực thi rất nhiều. Liệu khủng bố có giảm tại khu vực này không?”, ông đặt câu hỏi, nói thêm rằng tù chung thân có lẽ là một lựa chọn khả thi hơn.

Phong trào đòi xóa bỏ án tử

Các chiến dịch đòi xóa bỏ án tử hình đang hoạt động ngày càng mạnh mẽ và thu hút được sự quan tâm ở Malaysia. Chính phủ nước này bắt đầu xem xét những biện pháp có tình người hơn để “duy trì công lý cho người dân”. 

Số người ủng hộ áp dụng án tử ngày càng giảm khi họ được giải thích về những hình phạt có mức độ tương đương trong những điều luật có liên quan.

Theo một nghiên cứu được công bố cuối năm 2013 do Ipsos Malaysia tiến hành, người dân Malaysia không muốn án tử hình được áp dụng ngay cả với những tội nghiêm trọng nhất. Số tội phạm bị xử tử ở Malaysia trên thực tế đã giảm đáng kể trong 10 năm trở lại đây mặc dù các điều luật về án tử hình vẫn chưa thay đổi. 

an tu o Malaysia anh 2
Bức ảnh trong đơn kiến nghị trực tuyến của Văn phòng Phát triển con người (AOHD) của Tổng giám mục Kuala Lumpur năm 2013, nhằm kêu gọi chính phủ Malaysia xóa bỏ án phạt tử hình. Ảnh: Change.org.

 

Vào ngày Thế giới chống lại án tử hình (10/10) năm 2016, "Người Malaysia Phản đối Án tử hình và Tra tấn" (MADPET), một trong những chiến dịch nổi bật nhất, đã ra tuyên bố kêu gọi chính quyền Kuala Lumpur bãi bỏ án tử và ban lệnh hoãn xử tử tất cả những tội phạm đang chịu án này. MADPET bày tỏ hy vọng tới ngày 10/10 năm nay, án tử hình ở Malaysia sẽ chính thức được xóa bỏ. 

Những năm qua, một số quan chức trong chính phủ cũng từng có ý kiến về việc bỏ án tử hình đối với tội phạm buôn bán ma túy. Năm 2012, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Datuk Seri Mohamed Nazri Aziz từng đề xuất chính phủ Malaysia thay thế án tử hình bằng phạt tù.

Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Malaysia Nancy Shukri cho biết chính phủ đã thực hiện một nghiên cứu sâu về án tử hình để cân nhắc có nên bãi bỏ hình phạt này hay không.

MADPET cho biết nghiên cứu được hoàn thành vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5/2016. Đây là bước cần thiết để Văn phòng Tổng chưởng lý trình dự thảo sửa đổi bổ sung luật về án tử hình lên Quốc hội. 

Bà Nancy Shukri xác nhận rằng chính phủ đang xem xét vấn đề này song không nêu cụ thể khi nào bản dự thảo sẽ được trình lên cơ quan lập pháp Malaysia.



Ngụy An (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm