Bắt đầu từ ngày 19/2/2021, những người có mong muốn tị nạn tại Mỹ nhưng vẫn đang mắc kẹt tại Mexico được xem xét cho nhập cảnh, theo AP News. Tòa án Mỹ sẽ đưa ra quyết định đối với từng trường hợp.
Chấm dứt chính sách hạn chế nhập cư thời Trump
Động thái này của chính quyền Tổng thống Joe Biden đánh dấu sự chấm dứt của một trong những chính sách nhập cư then chốt do ông Trump ban hành.
Trong thời gian đầu, số lượng người được cho phép nhập cảnh tị nạn sẽ bị hạn chế. Cửa khẩu ở San Diego được mở đầu tiên vào ngày 19/2, tiếp đến là cửa khẩu ở Brownsville, Texas mở vào ngày 22/2, và cửa khẩu El Paso, Texas mở vào ngày 26/2.
Người xin tị nạn xếp hàng nhận thực phẩm tại một khu trại ở Mexico vào năm 2018. Rất nhiều người trong số họ nằm trong chương trình "Ở lại Mexico" của ông Trump. Ảnh: AP. |
Ước tính 25.000 người xin tị nạn vẫn đang nằm trong chương trình “Ở lại Mexico” (Remain in Mexico) của ông Trump, trong khi hàng trăm người khác đang chờ quyết định của chính quyền Mỹ.
Các quan chức Mỹ cho biết Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn sẽ ra mắt một trang web vào 22/2. Nước này khuyến cáo mọi người không nên đổ về biên giới Mỹ - Mexico, mà thay vào đó hãy đăng ký xét duyệt trên trang web vừa nêu.
Cơ quan phụ trách về vấn đề di cư của Liên Hợp Quốc - Tổ chức Di cư Quốc tế có kế hoạch xét nghiệm Covid-19 cho những người xin tị nạn. Các trường hợp dương tính sẽ phải cách ly trong vòng 10 ngày trước khi họ nhập cảnh vào Mỹ.
Chưa rõ ràng trong việc thi hành
Động thái này của Mỹ vào ngày 19/2 đánh dấu một mốc quan trọng trong việc dỡ bỏ một trong những chính sách nền tảng của cựu Tổng thống Donald Trump hạn chế người tị nạn nhập cư vào Mỹ. Đây cũng là động thái đưa hệ thống chính sách về người tị nạn của Mỹ trở lại cách hoạt động bình thường của nó trong suốt nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, việc dỡ bỏ chính sách của ông Trump vẫn chưa thực sự rõ ràng khi nhiều câu hỏi đặt ra chưa có lời giải đáp, chẳng hạn như những người xin tị nạn đã trở về nước sẽ trở lại biên giới Mỹ - Mexico bằng cách nào.
Mỹ cho biết họ sẽ ưu tiên các trường hợp có thời gian chờ đợi lâu nhất, nhưng không đưa ra hạn định cụ thể để giải quyết toàn bộ 25.000 trường hợp.
Các quan chức tiết lộ hai trong số các cửa khẩu nêu trên có thể tiếp nhận khoảng 300 người mỗi ngày, và cửa khẩu còn lại có thể tiếp nhận số lượng nhỏ hơn. Tuy nhiên, thời gian đầu họ sẽ chỉ giải quyết ít trường hợp và không nêu rõ cửa khẩu nào.
Một khu trại dành cho người xin tị nạn ở Tijuana, Mexico. Ảnh: AP. |
Hiện tại, Tổng thống Biden đang cố gắng nhanh chóng thực hiện lời hứa chấm dứt chính sách “Giao thức Bảo vệ Người di cư” (Migrant Protection Protocols - MPP) mà cựu Tổng thống Trump đề ra nhằm ngăn chặn làn sóng người xin tị nạn lên đến đỉnh điểm vào năm 2019.
Chương trình đã gây ra nhiều vụ bạo lực tại các thành phố biên giới Mexico, gây khó khăn cho người tị nạn trong việc tìm kiếm luật sư và trình đơn lên tòa án về trường hợp của mình.
Kể từ khi MPP bắt đầu vào tháng 1/2019, có khoảng 70.000 người xin tị nạn nằm trong chương trình. Các trường hợp bị bác bỏ hoặc bị từ chối thường không có đủ điều kiện để trở về nước, song chính phủ Mỹ sắp tới có thể sẽ áp dụng một số hình thức cứu trợ.
Trong những ngày đầu tại nhiệm, Tổng thống Biden đã ngừng tiếp nhận các trường hợp xin tị nạn mới. Đến tuần trước, chính quyền ông Biden mới tuyên bố xem xét các trường hợp còn hiệu lực. Thông báo về các trường hợp được nhập cảnh vào Mỹ sẽ được gửi đến tòa án di trú gần điểm đến của người xin tị nạn nhất.
Trấn thủ ở biên giới vì sợ mất cơ hội
Bất chấp các thông báo và khuyến cáo của chính phủ Mỹ, hàng trăm người đã chờ hàng giờ đồng hồ tại một cửa khẩu với San Diego ở Tijuana, Mexico từ ngày 17/2.
Edwin Gomez, có vợ và con trai bị các băng đảng ở El Salvador sát hại vì không thể trả phí “bảo kê”, bày tỏ mong muốn đoàn tụ với con gái ở Mỹ. Con gái anh đã xin tị nạn thành công và đang sống tại Austin, Texas.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng ngày này sẽ đến”, anh nói.
Từ thung lũng Rio Grande, Texas nhìn sang bên kia biên giới, Enda Marisol Rivera và cậu con trai 10 tuổi của cô trấn thủ cửa khẩu trong căn lều bạt tạm bợ của họ, theo dõi sát sao tin tức bất chấp cái rét âm độ và gió lạnh từ Bắc Cực tràn về. Rivera và con trai là hai trong số khoảng 1.000 người di cư sống trong khu lều trại ở một công viên thuộc thành phố Matamoros, Mexico, phía nam thung lũng Rio Grande.
Hàng trăm người trấn thủ tại các cửa khẩu vì lo sợ sẽ mất đi cơ hội nhập cảnh vào Mỹ. Ảnh: AP. |
Khoảng 850 người trong số họ đã nộp đơn xin tị nạn và được yêu cầu chờ ở Mexico cho đến khi tòa án đưa ra quyết định. Nhiều người trong trại đã từ chối di chuyển đến nơi trú ẩn trong thành phố, lo sợ rằng họ sẽ mất cơ hội nhập cảnh vào Mỹ nếu không trấn thủ ở biên giới. Phần lớn họ đều là những người chạy trốn khỏi bạo lực và bất ổn chính trị tại quê hương. Nhiều người đã chờ đợi trong suốt hai năm.
Rivera hy vọng hồ sơ của cô sẽ được tòa án di trú ở Mỹ thông qua để cô có thể đến sống cùng chị gái ở Los Angeles.
“Chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ được phép vào Mỹ. Chúng tôi đã chờ đợi ở đây đủ nhiều”, cô nói.
Nhiều tổ chức phi chính phủ, bao gồm Jewish Family Service of San Diego và Global Response Management, sẽ phụ trách việc thu xếp nơi ở tạm thời và vấn đề di chuyển cho những người tị nạn được phép nhập cảnh vào Mỹ.
Andrea Leiner, phát ngôn viên của Global Response Management, người cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tại trại tị nạn ở Matamoros cho biết: “Vấn đề này đã được thực hiện nhiều năm và họ đang cố gắng tìm ra giải pháp. Các tác nhân liên quan đã chuẩn bị sẵn kế hoạch để bắt đầu thực hiện việc này một cách an toàn và hiệu quả. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải kiên nhẫn và đầu tư chút thời gian để giải quyết vấn đề này”.
Cô cũng nhận định rằng mọi người tại đây đều đang trong tình cảnh khó khăn, đặc biệt là những người xin tị nạn.
“Mọi người hy vọng rằng đây là cơ hội để đi qua bên kia biên giới. Tuy nhiên, họ cũng rất lo lắng và sợ hãi rằng nếu họ làm sai điều gì đó hoặc ở sai thời điểm và địa điểm, họ có thể bỏ lỡ cơ hội này”.