Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bước ngoặt của Trung Quốc ở châu Phi

Khi quan hệ với Mỹ và châu Âu chạm mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc bắt đầu một làn sóng ngoại giao mới tại châu Phi.

Trung Quoc anh 1

Chiến dịch lôi kéo “lòng trung thành”, sự ủng hộ từ các quốc gia châu Phi là một phần trong cuộc cạnh tranh địa chính trị của Trung Quốc, vốn đã gia tăng mạnh mẽ kể từ khi cuộc xung đột nổ ra ở Ukraine.

Theo New York Times, tại châu Phi, Trung Quốc đang điều chỉnh cách tiếp cận, kết hợp chặt chẽ hơn các chính sách tài chính và ngoại giao. Giờ đây, Bắc Kinh hiểu rằng chỉ xây dựng đường cao tốc, đập thủy điện và các tòa nhà chọc trời - như họ đã cố gắng làm với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường - là không đủ để đảm bảo mối quan hệ.

Trên thực tế, trong khi chính sách ​​này làm giảm sức ảnh hưởng của Mỹ ở nhiều nơi, các dự án cũng làm gia tăng căng thẳng và thúc đẩy cuộc khủng hoảng vỡ nợ.

Vì vậy, để bổ sung, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra Sáng kiến ​​An ninh Toàn cầu mới vào mùa xuân - một nỗ lực được cho là đưa các nước đang phát triển gần lại với nhau.

Bắc Kinh cũng đề nghị làm trung gian hòa giải trong các cuộc xung đột dân sự tại khu vực. Và hơn hết, họ đang báo hiệu một chiến lược mới để tận dụng lợi thế từ các khoản vay quá hạn trị giá hàng tỷ USD.

Trung Quoc anh 2

Ông Tập Cận Bình phát biểu qua video tại một diễn đàn Trung Quốc - châu Phi. Ảnh: AP.

Thay đổi thông điệp ngoại giao

Chủ nợ lớn của châu Phi - Trung Quốc - đang tìm cách gia tăng sức ảnh hưởng tại miền đất hứa, nơi chứa mỏ khoáng sản khổng lồ. Bắc Kinh cũng muốn căn cứ hải quân đầu tiên ở nước ngoài tại Djibout, lối vào biển Đỏ, hoạt động trơn tru để đảm bảo các chuyến hàng chở dầu.

Với mục tiêu đó, Trung Quốc đang tiếp cận từ Ethiopia, khu vực trên vùng Sừng châu Phi, đến Zambia, quốc gia với các mỏ đồng lớn, xa hơn về phía nam.

“Trung Quốc đã là đối tác kinh tế chính trong khu vực này", Murithi Mutiga, Giám đốc dự án vùng Sừng châu Phi tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, cho biết. "Và bây giờ họ tạo ảnh hưởng trên cả lĩnh vực địa chính trị".

Chiến lược của Bắc Kinh dựa trên tài chính. Thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đạt mức 250 tỷ USD vào năm 2021, so với 64,33 tỷ USD của Mỹ.

Henry Sanderson, chuyên gia của cơ quan Benchmark Mineral Intelligence, cho biết các công ty Trung Quốc hoạt động ở châu Phi đang đầu tư rất nhiều vào việc khai thác lithium - phần lớn được sử dụng trong xe điện. Đến năm 2030, Trung Quốc dự kiến ​kiểm soát 75% lượng khoáng sản này.

Trung Quốc cũng thay đổi thông điệp ngoại giao của mình. Thay vì giữ khoảng cách, tránh can thiệp vào các vấn đề hóc búa, nước này đang trực tiếp tham gia, ngay cả khi không phải lúc nào cũng được hoan nghênh.

Đầu năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm ba nước châu Phi. Thông điệp của ông là Bắc Kinh muốn giúp giải quyết các xung đột của họ, trong đó có nhiều xung đột nội bộ.

Vào tháng 2, Trung Quốc bổ nhiệm Xue Bing làm đặc phái viên tại khu vực Sừng châu Phi. Ông Xue sau đó đã bay đến một số quốc gia, bao gồm Kenya, Ethiopia, Eritrea, Sudan và Nam Sudan.

Vào tháng 6, ông triệu tập các ngoại trưởng và thứ trưởng ngoại giao từ 5 quốc gia tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, khoe rằng Trung Quốc có cách tiếp cận đồng đều đối với các cuộc xung đột dân sự.

“Tôi luôn sẵn sàng cung cấp các giải pháp hòa giải”, ông Xue nhấn mạnh trong cuộc gặp.

Tuy nhiên, Ethiopia - nơi mà cuộc giao tranh giữa chính phủ cùng Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray khiến hai triệu người phải rời bỏ nhà cửa và đối mặt nạn đói - không chấp nhận lời đề nghị này.

Trung Quoc anh 3

Trung Quốc đã bổ nhiệm ông Xue Bing (giữa) làm đặc phái viên của vùng Sừng châu Phi. Ảnh: AP.

Trung Quốc cũng thúc đẩy hệ tư tưởng ra bên ngoài. Mới đây, được đặt theo tên tổng thống đầu tiên của Tanzania Julius Nyerere, một ngôi trường đã bắt đầu khai giảng khóa học hồi giữa tháng 6, dành cho các nhà lãnh đạo của 6 nước miền Nam châu Phi.

Điểm đặc biệt của ngôi trường này là Bắc Kinh đã đầu tư 40 triệu USD và nó giống với hệ thống trường đào tạo các thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc.

Tìm giải pháp cho vấn đề vỡ nợ

Tuy nhiên, thấp thoáng trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường ngoại giao là vấn đề nợ nần. Một số quốc gia châu Phi tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường không thể thanh toán kịp, dẫn đến cuộc khủng hoảng kéo theo lạm phát cao và đồng tiền mất giá.

Một minh chứng tiêu biểu là Zambia. Trung Quốc đã cho nước này vay để phát triển các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, sân bay trong những năm qua.

Kết quả là lợi ích chưa thấy nhưng Zambia đã phải gấp rút tái cấu trúc khoản nợ 6 tỷ USD. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết trừ khi vấn đề nợ với Trung Quốc được giải quyết, họ sẽ không cung cấp gói cứu trợ 1,3 tỷ USD cho Zambia.

Trong bối cảnh đó, ngay khi lên nhậm chức, Tổng thống Zambia Hakainde Hichilema đã hủy bỏ một số dự án của Trung Quốc. Ngay sau đó, vào tháng 5, ông Tập đã nói chuyện qua điện thoại với ông Hichilema.

“Cuộc gọi nhằm trấn an tổng thống mới của Zambia rằng Trung Quốc sẽ thông qua đề nghị xóa nợ”, Deborah Brautigam, Giám đốc Sáng kiến ​​Nghiên cứu Trung Quốc - châu Phi SAIS tại Trường Johns Hopkins, cho biết.

Theo New York Times, trong quá khứ, Trung Quốc cũng từng làm việc riêng và bí mật với các nước về việc xóa nợ.

Trung Quoc anh 4

Cựu tổng thống Zambia Edgar Lungu gặp gỡ công nhân Trung Quốc tại một dự án xây dựng đường vào năm 2018. Ảnh: AFP.

Những lời chỉ trích của phương Tây đối với hoạt động cho vay của Trung Quốc thường xuyên bị các quan chức Bắc Kinh bác bỏ là không công bằng và thiếu hiểu biết.

Zhao Yongsheng, chuyên gia tài chính tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh đã hoãn thanh toán cho Zambia các khoản vay nợ khoảng một tỷ USD trong hai năm qua, khi cân nhắc ảnh hưởng từ đại dịch.

“Trung Quốc hiểu được những khó khăn và vấn đề mà các nước châu Phi như Zambia phải đối mặt hơn các nước châu Âu và Mỹ", ông nói.

Tháng trước, trước sức ép từ các tổ chức tài chính đa phương, lần đầu tiên Trung Quốc tham gia cuộc họp với Câu lạc bộ Paris (nhóm không chính thức của 22 quốc gia chủ nợ) để bắt đầu giải quyết vấn đề vỡ nợ của Zambia.

Giải pháp được cho là kéo dài thời gian thanh toán cho Zambia hoặc giảm giá trị khoản vay Trung Quốc.

Trong một động thái khác nhằm hòa giải cuộc tranh cãi giữa các bên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tham gia vào quá trình này. Bà Brautigam cho biết một đại sứ mới của Trung Quốc tại Zambia, Du Xiaohui, đang thúc đẩy giải pháp.

Gyude Moore, nhà phân tích tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở Washington (Mỹ), cho biết nếu cuộc khủng hoảng nợ tại Zambia được xử lý tốt, Trung Quốc có thể đánh bóng hình ảnh của mình và các nước châu Phi với các khoản vay khổng lồ có thể được hưởng lợi.

Nó có thể "mở ra một thời kỳ bình thường hóa nợ", ông nói thêm.

Mùa hè khắc nghiệt bất thường ở Trung Quốc

Trung Quốc đang phải đối mặt một mùa hè khắc nghiệt với các đợt nắng nóng và mưa lớn thay nhau tàn phá khắp đất nước.

Minh An

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm