Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bước ngoặt của ngành sách thế giới

Đại dịch Covid-19 kéo theo nhiều hệ lụy như các hiệu sách phải đóng cửa, sụt giảm doanh thu... Tuy vậy, thời gian qua cũng là bước ngoặt thúc đẩy nhiều đột phá trong ngành sách.

Xu huong xuat ban the gioi anh 1

Mới đây, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới đã ủy quyền thực hiện một báo cáo về ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo, trong đó có ngành sách.

Đánh giá toàn diện về thị trường sách trong đại dịch

Đại dịch COVID-19 đã kéo theo nhiều thiệt hại cho ngành xuất bản toàn cầu. Sau khi nhiều hội chợ sách và các sự kiện trong ngành bị hủy bỏ, các biện pháp phong tỏa được thực hiện và chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, doanh số xuất bản toàn cầu đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo báo cáo, thị trường xuất bản sách toàn cầu đã thiệt hại tới 7 tỷ USD vào năm 2020.

Khi đại dịch xảy ra, ngành sách đã có sự chuyển dịch sang các nền tảng số, chẳng hạn như sách điện tử, cơ chế phân phối trực tuyến liên tục gia tăng. Dù vậy, chúng chưa thể bù đắp được hoàn toàn các khoản lỗ trong doanh thu.

Các sự kiện lớn của ngành xuất bản là mạch máu của hoạt động kinh doanh sách. Khi những sự kiện này bị hủy bỏ hoặc hoãn, việc phát hành sách mới bị chậm lại và doanh thu của tác giả và nhà xuất bản cũng bị sụt giảm.

Thêm vào đó, tình trạng thiếu giấy, nguyên liệu thô và sự gia tăng chi phí vận chuyển, một phần do tác động của dịch Covid-19 và các yếu tố bất ổn khác, cũng đang ảnh hưởng đến các nhà xuất bản trên khắp thế giới, đặc biệt là những nhà xuất bản chỉ dựa vào việc bán sách bản cứng, chưa gia nhập thị trường số.

Xu huong xuat ban the gioi anh 2

Hình ảnh tại hội sách ở Quảng trường Đỏ, Nga vào tháng 6/2020. Ảnh: Chesnokova/dpa.

Một cuộc khảo sát của Hội đồng Nhà văn Châu Âu (EWC) cho thấy việc hủy bỏ các sự kiện trực tiếp, chẳng hạn như hội sách, buổi đọc sách và các bài giảng, là nguyên nhân chính dẫn đến việc sụt giảm doanh thu.

77% các tác giả tham gia khảo sát thừa nhận rằng đã gặp khó khăn khi các sự kiện trực tiếp bị hủy. Năm 2020, chỉ 1 trong số 13 hội chợ sách quốc tế được lên kế hoạch đã diễn ra như dự tính ban đầu. Hơn 50% các hội chợ sách đã bị hoãn lại.

Số lượng đầu sách xuất bản đã giảm mạnh. Dựa trên dữ liệu của EWC từ năm 2020, số lượng sách xuất bản mới ở châu Âu đã giảm gần một phần ba (giảm khoảng 150.000 đầu sách), do đó giảm sự đa dạng trong các tác phẩm văn học.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt đáng kể giữa các nước đóng cửa hoàn toàn và các nước chỉ hạn chế một phần. Sự khác biệt này ảnh hưởng đến thời gian phục hồi của thị trường sách. Ở các quốc gia như Đức, Italy và Tây Ban Nha, nơi các cửa hàng sách phải đóng cửa trong thời gian phong tỏa, doanh số bán hàng tại các cửa hàng sách giảm từ 75% đến 95%. Trong khi ở các quốc gia như Phần Lan, Thụy Điển, và Na Uy, nơi các hiệu sách vẫn được phép mở, doanh số bán sách chỉ giảm từ 30% đến 50% trong những tháng đầu tiên của đại dịch.

Tại châu Á, dịch Covid-19 cũng kéo theo nhiều hệ lụy quan trọng, đặc biệt là ở Trung Quốc. Ngành xuất bản nước này có mức tăng trưởng âm đầu tiên trong 20 năm. Trong đó, 20% các công ty sách quy mô vừa và nhỏ không xuất bản cuốn sách nào trong nửa đầu năm 2020 và hơn 60% các công ty gặp khó khăn về dòng tiền.

Một cuộc khảo sát do Beijing OpenBook thực hiện nhấn mạnh dù đã có sự tăng trưởng tích cực về doanh số bán hàng trong nửa đầu năm 2021 so với năm 2020, doanh thu vẫn còn chậm so với kết quả hoạt động của năm 2019.

Các dịch giả cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch. Trước đại dịch, các dịch giả đã làm việc trong những hoàn cảnh bấp bênh, hầu hết đều phải bỏ công sức ra trước và đợi khi tác phẩm được chính thức in ấn, ra mắt thì mới được trả tiền.

Trong bối cảnh đại dịch, tình hình của các dịch giả còn khó khăn hơn nữa. Họ đã phải tìm những công việc phụ khác để tồn tại. Một cuộc khảo sát của EWC cho thấy 66% các tổ chức dịch giả tham gia khảo sát đã báo cáo sụt giảm doanh thu và dự kiến còn tiếp tục gặp khó khăn vì có ít hợp đồng hơn.

Xu huong xuat ban the gioi anh 3

Sách điện tử phát triển mạnh, nhất là sách nói. Ảnh: Storytel.

Bắt nhịp với xu hướng số hóa và ứng dụng công nghệ

Để đối phó tình trạng đóng cửa phòng chống dịch bệnh, ngành xuất bản đã có những bước đi thích ứng với các nền tảng kỹ thuật số và thương mại trực tuyến.

Trên toàn cầu, ngành xuất bản đã phản ứng với các xu hướng kỹ thuật số bằng cách đa dạng hóa sản phẩm của họ bao gồm sách điện tử, sách nói và tăng cường hình thức tương tác. Việc đổi mới các mô hình kinh doanh xuất bản trong đại dịch dẫn đến những thay đổi tích cực trong trung và dài hạn.

Tại Vương quốc Anh và Mỹ, nền tảng trực tuyến Bookshop đã được ra mắt với mục đích bảo vệ các hiệu sách độc lập. Những tiệm sách này có thể xây dựng gian hàng trực tuyến của riêng mình trên Bookshop và nền tảng này sẽ hỗ trợ dịch vụ khách hàng và vận chuyển. Các hiệu sách sẽ nhận được toàn bộ tỷ suất lợi nhuận (30% của giá bìa) từ mỗi lần bán hàng. Tại thị trường Mỹ, các hiệu sách độc lập đã thu về hơn 11,5 triệu USD nhờ nền tảng này.

Các thư viện cũng đang được tích hợp các công nghệ mới. Tại Nairobi, một công ty có tên là Book Bunk đang thực hiện dự án khôi phục các thư viện công cộng trong thành phố, vừa kết hợp triển khai công nghệ để quản lý bộ sưu tập sách và xây dựng danh mục trực tuyến, vừa cung cấp đào tạo kỹ năng kỹ thuật số cho thủ thư và người sử dụng thư viện.

Tại Paris, hiệu sách Shakespeare and Company đã giới thiệu chương trình ưu đãi cho các thành viên, chẳng hạn như được ưu tiên chọn sách và tham gia vào các câu lạc bộ sách. Những người ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới đã đăng ký chương trình này và các hiệu sách độc lập khác cũng đã nối gót sự thành công này.

Bên cạnh đó, các thành viên của Hiệp hội xuất bản quốc tế (IPA) cũng đã tiến hành nhiều biện pháp khác nhau để ứng phó với dịch Covid-19, từ vận động các chính phủ thực hiện những chương trình hỗ trợ, cung cấp các gói đào tạo trực tuyến, hỗ trợ kinh doanh, nâng cao năng lực và hỗ trợ các đối tác. Ví dụ, Hiệp hội Nhà xuất bản Indonesia đã cung cấp khóa đào tạo trực tuyến về phát triển và bán sách điện tử, tiếp thị trực tuyến và hợp tác với một số đối tác số như Tokopeida, Bukulapak, Google.

Ở Ai Cập, sau khi hai hội chợ sách lớn của Ai Cập phải hủy bỏ, Hiệp hội Nhà xuất bản Ai Cập đã nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Văn hóa và cơ quan quản lý văn hóa để tiêu thụ sách hỗ trợ các nhà xuất bản thành viên.

Xu huong xuat ban the gioi anh 4

Dù công nghệ phát triển, sách in vẫn giữ vững vị trí của mình. Ảnh: iStock.

Sách in truyền thống vẫn giữ vị thế

Trong khi xu hướng số hóa đang diễn ra rộng khắp trên toàn cầu thì ở một số thị trường xuất bản có thu nhập thấp và trung bình, sự hấp dẫn của các định dạng kỹ thuật số này bị hạn chế từ việc công chúng không có đủ thiết bị di động để kết nối, để thanh toán và để sử dụng dịch vụ.

Bên cạnh đó, việc đóng cửa các nhà sách đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện ở Canada, khoảng 8 trong số 10 người Canada tin rằng xã hội cần có các hiệu sách để mọi người đến thăm thú, ngay cả khi số lượng khách sụt giảm do hạn chế của đại dịch Covid-19. Trong nửa đầu năm 2021, 24% số người được hỏi đã nói rằng lý do chính mà họ ghé thăm các hiệu sách là để tìm kiếm sách và nạp thêm tri thức trong thời gian rảnh rỗi của họ.

Một hệ lụy khác là khi sự phụ thuộc vào các nền tảng số gia tăng thì vi phạm bản quyền kỹ thuật số cũng gia tăng. Ở Tây Ban Nha, Trung tâm Quyền sao chép (CEDRO) ghi nhận mức độ vi phạm bản quyền sách điện tử đã tăng gấp ba lần.

Thêm vào đó, hơn 100 kênh truyền thông xã hội trên các nhóm Telegram, WhatsApp hoặc Facebook đã bị chặn vì trao đổi nội dung từ sách, tạp chí, các tác phẩm khi chưa có sự cho phép và chưa trả tiền bản quyền.

Hiệp hội Nhà xuất bản Quốc tế (IPA) thông tin rằng các nhà xuất bản và tác giả ở Mỹ Latinh, châu Phi đang trì hoãn việc chuyển sang sách điện tử do lo ngại việc vi phạm bản quyền sẽ khiến doanh thu và đầu tư sụt giảm.

Cụ thể, ở Kenya và Nigeria, mặc dù đã có sự can thiệp của các cơ quan bản quyền quốc gia, doanh thu của các nhà xuất bản và tác giả đang bị đánh cắp một cách có hệ thống trên các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội - nơi sách vi phạm bản quyền, bao gồm cả bản in, đang được tự do rao bán.

Mức tiêu thụ sách tăng ở nhiều quốc gia

Trải qua thời gian dài chống chọi những ảnh hưởng của đại dịch, các đơn vị xuất bản lớn trên thế giới đã có những tín hiệu lạc quan, đánh dấu sự hồi phục.

Xuất bản thế giới đối mặt tình trạng thiếu giấy

Giá giấy ở Italy, Mỹ tăng, trong khi Nga thiếu giấy. Tình trạng này đe dọa lợi nhuận của các nhà xuất bản, dẫn tới giá sách tăng, sách mới chậm ra mắt.  

Minh Hoa

Bạn có thể quan tâm