Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bước khởi đầu của sinh viên năm thứ nhất trường Y

Tự học tối trên giảng đường, chơi thể thao ở sân bóng hay những tiết học thực tập lâm sàng là ký ức về năm tháng sinh viên theo học ngành Y của tôi.

Khởi đầu năm học Y1 (năm thứ nhất sinh viên Y), nhà trường tổ chức gặp mặt tân sinh viên. Thầy hiệu trưởng ngày đó dặn dò gửi gắm rất nhiều, ý thầy là tân sinh viên vào Y1 có nhiều bạn học rất giỏi, là những người đạt giải vàng quốc tế, thủ khoa quốc gia, điểm thi đại học tuyệt đối…

Tuy nhiên, thầy yêu cầu các bạn cần để tất cả vinh quang đó ở lại phía sau và bắt đầu một hành trình mới. Và ở hành trình mới này, điểm xuất phát của mọi người là như nhau, đều là số 0 tròn trĩnh.

Chính câu nói đó của thầy hiệu trưởng đã làm tôi tự tin lên hẳn, tôi không thấy mình bị “cóng” trước giải thưởng của các bạn và quan trọng hơn, tôi cảm nhận cơ hội của tôi ngang bằng các bạn trong 6 năm học tới.

Sau buổi gặp gỡ đó, tôi ít lo lắng suy nghĩ hơn và bắt đầu chuyên tâm vào học. Những tháng ngày mài đũng quần trên ghế giảng đường của tôi cũng bắt đầu từ đây.

Tôi là sinh viên hiếm hoi được miễn hoàn toàn học phí cả 6 năm học vì hộ khẩu thuộc diện “vùng núi rẻo cao” nên cha mẹ cũng đỡ vất vả nặng gánh tiền học cho tôi. Để tiết kiệm thêm, tôi đăng ký ở suốt 6 năm học trong ký túc xá nhà trường mà không thuê trọ ở ngoài.

Sau này nhìn lại, tôi thấy quyết định của mình đúng đắn, ở ký túc xá vừa an toàn, vừa không buồn, kinh phí rất thấp, lại được lên giảng đường học buổi tối.

Đặc biệt hơn, khi ở ký túc xá, tôi gần như hạn chế được nguy cơ đi chơi lung tung và nghiện chơi điện tử. Sân trường có sân bóng đá, bóng rổ nên cứ chiều về tôi tha hồ chơi với các bạn và thể thao chính là “cứu cánh” giúp tôi lấy lại được cân bằng lẫn sức khỏe suốt 6 năm học hành trường Y căng thẳng.

Là sinh viên Y, một ngày của tôi cũng như bao bạn khác: Buổi sáng cắp sách lên giảng đường học lý thuyết hoặc đi học lâm sàng ở bệnh viện. Buổi chiều lại lên giảng đường học tiếp hoặc thực tập trên xác người, trên chó hoặc ếch. Buổi tối hoặc là đi trực cấp cứu bệnh viện hoặc là lại lên giảng đường và tự học.

Tôi thích cảm giác buổi tối ăn xong mang cặp sách lên giảng đường. Một vì lượng kiến thức trong trường rất nhiều kèm theo hầu hết sinh viên Y chăm học nên trời chưa kịp tối nhưng các giảng đường đã lác đác sinh viên lên tự học, đến tầm 7h tối thì hầu hết giảng đường kín chỗ, bạn nào lên muộn chỉ còn nước quay về ôn tại phòng ký túc xá.

Biết tình trạng đó, vào mùa ôn thi tôi thường kết thúc sớm buổi chơi thể thao rồi về ăn tối rất nhanh để còn lên giảng đường cho kịp. Tôi thường chọn cho mình những hàng bàn ghế đầu tiên, cơ bản là vì tôi muốn mình ngồi ở vị trí luôn lọt vào “tầm ngắm” của những người ngồi sau, như vậy mình sẽ luôn cần tập trung vào việc học và tránh làm những việc không cần thiết. […]

Những ngày ấy, tôi cũng thường là một trong những nhóm sinh viên ra về cuối cùng. Lý do cơ bản là vì tôi muốn học xong trên giảng đường để sau đó về ký túc xá không phải học nữa, thay vào đó tôi ôm quả bóng rổ rủ một số bạn ra sân chơi. Chơi thể thao buổi tối có những thú vị riêng: Không ồn ào, đông đúc, không ai soi ngắm, lại có được không khí trong lành.

[…]

Có nhiều đêm mùa đông lạnh buốt, tôi thường rời giảng đường rất muộn, cả con đường về vắng tanh. Tôi ngước nhìn lên bầu trời đêm và mơ ước, những ước mơ không quá rõ ràng nhưng rất khát khao và tràn đầy sức trẻ, cảm giác ôm trọn cả bầu trời trong vòng tay.

Tôi đã nuôi dưỡng những ước mơ đó hàng đêm và lấy nó làm niềm vui, động lực cho riêng mình. Sau này nghĩ lại tôi vẫn luôn thầm cảm ơn những năm tháng đó, chính khó khăn, vất vả đã giúp tôi thấy được giá trị của ước mơ, vì bất cứ ai biết nuôi dưỡng và theo đuổi những giấc mơ thì không ai gọi là nghèo cả.

Trần Quốc Khánh/ Thái Hà Books và NXB Công thương

SÁCH HAY