Đóng cửa Guantanamo là một trong các lời hứa khi ông Biden tranh cử năm 2020. Sau một năm im ắng để tránh những tranh cãi chính trị, giờ là lúc ông chủ Nhà Trắng tiến gần tới việc hoàn thành cam kết nói trên, sau khi bổ nhiệm một quan chức giám sát quá trình di chuyển tù nhân khỏi Guantanamo, theo Wall Street Journal.
Những tù nhân còn lại
Guatanamo nằm ở một căn cứ hải quân của Mỹ tại Cuba. Cơ sở này được xây dựng tháng 1/2002, trở thành nơi giam giữ những nghi phạm khủng bố bị Mỹ bắt giữ tại nước ngoài.
Từ khi thành lập tới nay, Guantanamo đã giam giữ gần 800 người. Hiện nay, chỉ còn 36 tù nhân ở nhà tù khét tiếng, sau khi hàng trăm người khác đã được đưa về quê nhà, hoặc được chuyển tới nhà tù ở một nước thứ ba.
Tù nhân cuối cùng được chuyển tới Guantanamo vào năm 2008. Trong những người còn ở lại nhà tù này, một số đã bị giam gần 20 năm. 9 trong số các tù nhân hiện bị giam ở Guantanamo có liên quan vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
Một trong các tù nhân là Khalid Sheikh Mohammed, được coi là kiến trúc sư của vụ khủng bố 11/9. Tháng 3 vừa qua, nhà chức trách Mỹ và Mohammed bắt đầu đàm phán thỏa thuận nhận tội, đổi lại người này sẽ không bị xử tử.
Ngoài Mohammed, Guantanamo đang giam giữ 4 đồng phạm khác của ông ta.
Người đầu tiên là Abd al-Rahim al-Nashiri, bị truy tố tội giết người vi phạm luật chiến tranh, khủng bố, âm mưu khủng bố, cướp tàu biển. Al-Nashiri cũng liên quan vụ đánh bom chiến hạm USS Cole năm 2000 khiến 17 người thiệt mạng.
Guantanamo là nơi giam giữ các phần tử khủng bố nguy hiểm nhất. Ảnh: Getty. |
3 tù nhân khác bị kết án thông qua thỏa thuận nhận tội. Một là Abd al-Hadi al Iraqi, người này nhận tội âm mưu khủng bố và vi phạm luật chiến tranh, hiện chờ kết án.
Người thứ hai là Ali Hamza al-Bahlul bị kết án tù chung thân vì hỗ trợ khủng bố, lôi kéo và âm mưu khủng bố. Một người khác là Majid Khan, người này đã thỏa thuận nhận tội và sau đó hợp tác với chính phủ Mỹ.
4 tù nhân đang bị giam giữ vô thời hạn mà chưa bị xét xử bởi nhà chức trách coi họ là "rủi ro an ninh". 20 tù nhân khác đã được đưa vào danh sách chuyển giao tới cơ sở khác, tuy nhiên việc di chuyển số tù nhân này khó khăn hơn những gì chính quyền ông Biden tưởng tượng.
Cả trong và ngoài chính phủ đều xuất hiện những tiếng nói chỉ trích quyết định đóng cửa Guantanamo của ông Biden. Không ít người cho rằng những cuộc khủng hoảng mới đang nổi lên, bất cứ quyết định nào bị xem là nhẹ tay với khủng bố sẽ chỉ phản tác dụng.
Nhà Trắng đang tìm cách tránh những phản ứng như điều chính quyền Tổng thống Obama gặp phải khi tìm cách đóng cửa nhà tù Guantanamo năm 2010. Khi đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cấm chuyển giao tù nhân ở Guantanamo tới các cơ sở ở Mỹ, khiến việc đóng cửa nhà tù này bất khả thi.
"Chính quyền Biden không muốn bị xem là nhẹ tay với khủng bố và đang tìm kiếm đồng thuận về chính trị", Harvey Rishikof, cựu lãnh đạo một ủy ban quân sự từng soạn báo cáo về việc đóng cửa Guantanamo, nhận định.
Tina Kaidanow, đại diện đặc biệt của Nhà Trắng giám sát quá trình chuyển giao tù nhân khỏi Guantanamo, bị coi là thiếu quyền lực so với vị trí tương tự mà chính quyền Obama từng lập ra trong quá khứ.
Dưới thời cựu Tổng thống Trump, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phê duyệt dự án xây dựng thêm một phòng xét xử tại Guantanamo trị giá 4 triệu USD, dù rằng chưa có thêm bất cứ phiên tòa nào dự kiến diễn ra ở căn cứ này. Lầu Năm Góc đang triển khai dự án nói trên.
Một quan chức quốc phòng cho biết việc mở rộng cơ sở xét xử ở Guantanamo sẽ cho phép các thẩm phán quân sự tổ chức các phiên tòa với đồng thời nhiều bị cáo, kéo dài nhiều giờ.
Sức ép đóng cửa Guantanamo
Đã 21 năm kể từ sau vụ khủng bố 11/9, và 12 tháng sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, những người chỉ trích đang gây ngày càng nhiều sức ép hơn đòi hỏi Washington đóng cửa Guantanamo.
"Giam giữ người mà không xét xử trong nhiều năm không phù hợp với những giá trị tạo nên đất nước chúng ta, tước đi công lý cũng như cơ hội khép lại quá khứ của các nhạn nhân và gia đình nạn nhân vụ 11/9", Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Dick Durbin nói.
Tuy nhiên, một số nghị sĩ Cộng hòa phản đối mọi kế hoạch di chuyển tù nhân rời khỏi Guantanamo.
"Chính quyền Biden muốn phóng thích thêm những tội phạm khủng bố, và chúng tôi biết chắc chắn kết quả là sẽ có thêm người Mỹ bị sát hại", Thượng nghị sĩ Ted Cruz phát biểu trong một buổi điều trần tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện tháng 12/2021.
Hôm 12/9, Đại học Pennsylvania công bố báo cáo dài 197 trang về lộ trình đóng cửa nhà tù Guantanamo, đồng thời đề xuất những cách tiếp cận khác để bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ. Báo cáo này được soạn thảo bởi nhóm chuyên gia an ninh quốc gia, trong đó có các cựu công tố viên quân sự làm việc tại Guantanamo.
Báo cáo này đề xuất hủy bỏ các ủy ban quân sự, vốn lập ra để xét xử những đối tượng bị coi là kẻ thù mà không trao cho họ các quyền theo hiến pháp Mỹ. Báo cáo cũng đề xuất giải quyết dứt điểm 10 phiên tòa đang chờ xét xử thông qua các thỏa thuận nhận tội.
Báo cáo ủng hộ việc hồi hương hoặc chuyển các tù nhân ra nước ngoài, xóa bỏ các hạn chế của chính phủ về việc di chuyển những người đang thụ án ở Guantanamo tới các cơ sở giam giữ trên lãnh thổ Mỹ.
Người Mỹ biểu tình yêu cầu đóng cửa Guantanamo. Ảnh: AFP. |
Theo báo cáo, chi phí vận hành nhà tù Guantanamo là 540 triệu USD mỗi năm, bao gồm 100 triệu USD cho các ủy ban quân sự. Như vậy, Mỹ phải chi 15 triệu USD để giam giữ mỗi tù nhân ở Guantanamo, so với con số 78.000 USD cho một tù nhân tại trại giam U.S. Penitentiary ở Colorado - cơ sở giam giữ các phần tử khủng bố và tù nhân được xếp hạng an ninh cao.
Dưới thời cựu Tổng thống Bush, hơn 500 tù nhân đã được đưa khỏi Guantanano. Thêm gần 200 người khác được di chuyển khỏi cơ sở này dưới chính quyền cựu Tổng thống Obama.
Trong suốt nhiệm kỳ ông Trump, chỉ có 1 tù nhân được đưa khỏi Guantanamo. Khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, còn 40 người vẫn bị giam giữ tại căn cứ hải quân ở Cuba.
Ông Biden từ lâu đã kêu gọi đóng cửa Guantanamo. Tuy vậy, đương kim tổng thống vẫn chưa thể động đến sắc lệnh hành pháp của ông Trump năm 2018 đảo ngược một sắc lệnh khác của cựu Tổng thống Obama về việc đóng cửa Guantanamo.
Việc truy tố các nghi phạm liên quan vụ 11/9 bị giam ở Guantanamo rơi vào bế tắc suốt nhiều năm do CIA sử dụng các biện pháp tra tấn tàn bạo lên các nghi phạm trước khi đưa ra xét xử.
Năm 2017, Harvey Rishikof - khi đó là chủ tịch các ủy ban quân sự - bắt đầu thỏa thuận với các nghi phạm vụ 11/9, theo đó họ sẽ không bị xử tử nếu đồng ý nhận tội.
Chính quyền cựu Tổng thống Trump sau đó cách chức ông Rishikof. Mãi tới đầu năm 2022, đàm phán với các nghi phạm ở Guantanamo mới được nối lại.