Wilmar International Ltd. của Singapore sẽ mua 45% hoạt động chiết xuất dầu thực vật của Bunge Ltd. Bên mua là công ty thuộc một phần sở hữu của Archer Daniels Midland Co. - đối thủ của bên bán. Quang Dũng, một nhà phân phối bột đậu nành tại Việt Nam, sẽ giữ 10% cổ phần, tạo ra một liên doanh gồm 3 bên, Reuters đưa tin.
Thoả thuận kết nối Bunge, nhà sản xuất dầu đậu nành lớn nhất của Việt Nam, với người mua chính tại đây.
Wilmar là "một đối tác thực sự biết những gì họ đang làm trong việc tiếp thị dầu", John Baize, chủ tịch công ty tư vấn chính sách mậu dịch và nông nghiệp quốc tế John Baize and Associates, nói.
Người đàn ông nhận đinh: "Điều này có ý nghĩa với Bunge bởi họ cần rút vốn, thứ giúp họ quay về mảng kinh doanh cốt lõi tại một vài khu vực khác".
Thỏa thuận giúp các nhà sản xuất tiết kiệm chi phí và tận dụng được mọi thành phần từ đậu nành để kiếm lời. Ảnh: Reuters |
Trong khi Bunge chế biến đậu nành thành dầu và bột cùng các sản phẩm nông nghiệp khác trên toàn thế giới, Wilmar tinh chế dầu cho hoạt động tiêu thụ của họ và có thể sử dụng phần bột để làm nguyên liệu thức ăn cho gia súc, gia cầm tại Việt Nam.
Theo Reuters, nhiều yếu tố như nhu cầu của Trung Quốc chậm lại và Mỹ xuất khẩu yếu hơn làm ảnh hưởng đến giá nguyên liệu trong mùa vụ. Thực trạng này khiến những doanh nghiệp như Bunge và ADM buộc phải điều chỉnh hoạt động.
Họ cũng tìm cách kinh doanh các thành phần và thức ăn nhằm tăng lợi nhuận và giảm tình trạng thu nhập phụ thuộc vào giao dịch liên quan đến cây trồng. Do đó, họ muốn trở thành một doanh nghiệp có thể xoay xở nếu thời tiết xấu ảnh hưởng tới thu hoạch.
Liên doanh sẽ "tăng cường hiệp lực về hậu cần, tiếp thị và hoạt động" cho Bunge tại Việt Nam, Giám đốc điều hành Soren Schroder nói trong một tuyên bố. Điều này giúp công ty “vẫn là một nhà điều hành với chi phí thấp và đạt hiệu quả cao nhất có thể".
Thỏa thuận cũng "tạo ra các hoạt động tích hợp gồm nguồn cung cấp và cơ sở tiêu thụ" dầu tại Việt Nam.
Hiện tại, phát ngôn viên của Bunge tại Mỹ chưa bình luận thêm.
Việt Nam là một thị trường tiềm năng với mức tăng trưởng tốt do nhu cầu cao về thịt cũng như sản xuất chăn nuôi - hoạt động tiêu thụ nhiều bột đậu nành làm thức ăn.
Các chuyên gia kinh tế cũng dự báo, nhập khẩu bột vào năm 2016 của Việt Nam đạt 5,2 triệu tấn, tăng từ con số 2,291 triệu tấn cách đây một thập kỷ.