Rutger Bruining, nhà sáng lập công ty viết hồi ký StoryTerrace. Ảnh: The Guardian. |
Anh Brian Lewis lớn lên trong một hoàn cảnh khó khăn sau khi gia đình nhập cư tới Anh từ thế kỷ trước. Ở tuổi lên tám, anh bắt đầu quan tâm đến cờ vua và tham gia cùng nhiều đứa trẻ có xuất thân tương tự mình trong các giải vô địch.
Việc thi đấu cũng là một cách để thể hiện năng lực trước những đứa trẻ có xuất thân đặc quyền hơn. Năm 12 tuổi, anh đã đánh bại một đại kiện tướng quốc tế.
Xu hướng tăng mạnh sau đại dịch
Độc giả có thể chưa bao giờ nghe nói về Lewis nhưng anh là một trong số hàng nghìn người khác đang tham gia vào một xu hướng hiện phát triển nhanh chóng. Đó là lưu giữ những câu chuyện cuộc đời của họ cho hậu thế bằng việc thuê người viết lại câu chuyện của họ. Và nhu cầu này đang tăng mạnh sau đại dịch Covid-19.
Giải thích về xu hướng này, Rutger Bruining, người sáng lập kiêm CEO StoryTerrace, một trong những công ty cung cấp dịch vụ này và đang phát triển rất nhanh ở Anh, cho biết: “Tôi nghĩ rằng trong thời gian phong tỏa, mọi người có lẽ bắt đầu nghĩ về sự ra đi của chính họ và của những người thân yêu. Mọi người không được gặp cha mẹ của họ, trẻ em không thể nhìn thấy ông bà của chúng và mọi người không biết điều đó sẽ kéo dài bao lâu".
Công ty này có một đội ngũ khoảng 750 người, nhiều người trong số họ là nhà báo hoặc cựu nhà báo, sẽ liên hệ với khách hàng và đặt ra các câu hỏi gợi mở để khách hàng chia sẻ câu chuyện của mình. Giá thay đổi từ 1.800 euro đến 5.850 euro, tùy thuộc vào gói dịch vụ.
Bức hình Brian Lewis hồi 10 tuổi trong cuốn hồi ký được StoryTerrace ra mắt. Ảnh: The Guardian. |
Bà Desiree Home là người đã sử dụng dịch vụ của StoryTerrace và đã có được cuốn hồi ký And Then về cuộc đời mình.
Bà Desiree Home, sống gần khu Maidstone ở hạt Kent, nước Anh luôn có tâm nguyện được kể về cuộc đời mình và bà đã tình cờ thấy tên StoryTerrace được đề cập trong một bài báo. Bà Home đã liên hệ và sau đó nhận được các biểu mẫu về nội dung sẽ được triển khai. Sau khi được tư vấn qua điện thoại, bà đã chọn được mẫu chia sẻ ưng ý.
Bà Home bày tỏ: “Một trong những lý do tôi làm điều này là vì tôi thường kể cho các con nghe những câu chuyện mà người bảo mẫu đã kể cho tôi hồi nhỏ. Nhưng tôi nhận ra rằng không ai còn truyền miệng những câu chuyện đó nữa. Và tôi muốn thay đổi điều này bằng cách lưu lại trong một cuốn sách vì giờ tôi đã có cháu”.
“Ngoài ra, chia sẻ về câu chuyện của chính mình cũng là một điều rất thú vị đối với tôi. Và cuốn sách cũng nhắc nhở bản thân tôi về những gì đã xảy ra”, bà Home giãi bày.
Nhu cầu lưu giữ và chia sẻ về cuộc đời
Và cũng có những người khác muốn ghi lại một sự thay đổi đáng kể trong cuộc sống của họ theo một kiểu khác. Noshad Qayyum là một trong số đó.
Là một con chiên ngoan đạo của đạo Hồi, anh kết hôn với một người phụ nữ mà gia đình anh chấp thuận, nhưng vào ngày cưới của anh, tai họa ập đến. Trong khi phát biểu tại lễ cưới, cha của anh đã chết ngay lập tức vì một cơn đau tim. Bản thân Qayyum sau đó mắc chứng trầm cảm và rối loạn căng thẳng, anh từng có ý định tự tử và phải tìm kiếm mọi sự giúp đỡ. Sau khi vực dậy khỏi cuộc khủng hoảng, anh đang dành cả cuộc đời của mình để giúp những người đàn ông đối mặt với các vấn đề sức khỏe tinh thần.
Và việc muốn truyền cảm hứng cho những người khác là một lý do khiến anh tìm đến dịch vụ viết hồi ký. “Bản thân quá trình viết tiểu sử giống như một hình thức trị liệu. Sau khi trải qua quá trình phỏng vấn với người viết truyện, tôi đã rút ra nhiều kinh nghiệm tuyệt vời. Quá trình này cho phép tôi sắp xếp các suy nghĩ của mình, hài hòa những gì đã xảy ra và sắp đặt các chi tiết một cách phù hợp để mọi người dễ hiểu. Khi đọc nó, mọi người sẽ biết rằng không ai đơn độc, đặc biệt là những bệnh nhân nam trầm cảm đang có xu hướng tự tử".
Bà Home cùng cuốn hồi ký And Then của mình. Ảnh: The Guardian. |
Về phần mình, ông Bruining chia sẻ rằng mọi người có nhiều lý do khác nhau khi muốn ghi lại cuộc sống của họ. “Đôi khi động lực để họ viết tiểu sử có thể là kết quả của một khoảnh khắc trọng đại trong đời, như một thành tựu hoặc một bước ngoặt dù là tốt hay xấu. Tuy nhiên, phần lớn động lực chỉ đơn giản đến từ việc họ muốn kể lại những câu chuyện của mình để truyền lại cho gia đình, hoặc gia đình họ muốn ghi lại những câu chuyện từ cha mẹ hoặc ông bà”.
Với bản thân ông Bruining, động lực để ông thành lập công ty viết hồi ký cũng đến từ khi ông còn là một đứa trẻ, khi ông thường dành kỳ nghỉ với ông bà của mình.
“Ông tôi là một người kể chuyện tuyệt vời và ông ấy đã thành lập một nhóm kháng chiến trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Khi mọi thứ yên ổn, ông cùng bà tôi chuyển đến Caribe, nơi họ bắt đầu hành nghề viết lách hộ mọi người. Ông bà đã kể rất nhiều câu chuyện và dường như luôn có những câu chuyện mới mẻ, hấp dẫn. Nhưng khi họ qua đời, những câu chuyện mờ nhạt nhanh hơn tôi tưởng rất nhiều và tôi hối hận vì mình đã không bao giờ hỏi những câu mà lẽ ra mình đã phải hỏi”, ông Bruining nói.