Khi tôi đến, ông Nguyễn Mạnh Hùng (thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) vừa đi bắn chim về. Nghe câu hỏi của tôi về “chuyện ốc iếc hồi này thế nào?”, ông gieo mình xuống ghế, làm một điếu thuốc lào tụt nõ rồi mới trả lời:
- Em ngừng mấy hôm nay rồi, bác ạ.
- Thương lái Trung Quốc không mua hàng nữa hay sao?
- Không phải. Có bao nhiêu họ cũng cân hết. Nhưng mà mùa này hanh khô, nguồn ốc đã cạn. Phải chờ đến tháng 3 sang năm, hàng mới dồi dào.
- Tôi vẫn thấy hằng ngày có người ở đây chở ốc ra Hà Nội. Và hai bên đường gom đại lộ Thăng Long, vẫn có rất nhiều người bày những chậu ốc bán. Hỏi, bà con thề sống thề chết rằng đó là ốc bươu ta. Mang về ăn, nếu là ốc bươu vàng thì cứ mang đây, chúng em đền tiền gấp mười.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (áo kẻ), sau một mùa kinh doanh ốc bươu vàng. |
- Bỏ mẹ, món ốc bươu tần thuốc bắc của những quán ốc ven Hồ Tây, có khi cũng là ốc bươu vàng.
- Không, những hàng đó em cam đoan với bác là ốc bươu ta thật. Vì họ tần cả con ốc còn nguyên vỏ, ốc sống. Con ốc bươu vàng chỉ khác với ốc bươu ta ở chỗ, giữa cái mồm của nó có một cái nhân màu vàng. Đó chính là cái dạ dày con ốc, ăn rất độc.
Không thể xẻ mồm ốc bươu vàng ra lấy cái dạ dầy vứt đi rồi lại cho cả con còn nguyên vỏ vào tần được. Làm thế khách biết ngay. Bọn bún ốc thì khác. Chúng nó nhể ruột ốc bươu vàng ra, xẻ mồm lấy dạ dầy vứt đi, thái đôi mồm con ốc, ướp gia vị xào chín rồi cho vào bát bún, thế mới lừa được khách
Con ốc bươu vàng được đưa về Việt Nam vào khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, và được nuôi ở khá nhiều địa phương để làm thức ăn. Dạo ấy, có lần đi viết bài về một trại giam của ngành Công an ở một tỉnh miền núi. Nói đến chuyện tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn cho phạm nhân, ông Phó giám thị trại hồ hởi đưa tôi ra để “mục sở thị” khu nuôi ốc bươu vàng của trại.
Một trạm thu mua ốc bươu vàng ở Cấn Hữu. |
Đó là một cái ao rộng chừng non mẫu ta, được quây lưới xung quanh cẩn thận, lòng ao xâm xấp nước. Mấy phạm nhân từ chỗ trồng sắn của trại về, người nào trên lưng cũng cõng một bó lá sắn lù lù. Họ rải lá sắn xuống ao. Chỉ chốc lát, hàng vạn con ốc bươu vàng bò lên bám lúc lỉu trên những cành lá sắn đó, ăn rào rào.
Ông Phó khoe: Ốc bươu vàng dễ nuôi, lớn nhanh, sinh sản cực khoẻ. Bữa trưa, tôi được trại đãi một bữa rượu ốc bươu vàng bí tỷ. Chủ khách cứ say sưa dùng tăm vót nhọn nhể ruột ốc mà xơi, chẳng hề biết đến chuyện con ốc có cái dạ dầy rất độc trong mồm.
Hồi ấy, chính tôi cũng tin rằng con ốc bươu vàng là loài có ích. Chỉ đến khi nông dân cả nước kêu dậy trời về đại hoạ ốc bươu vàng trên đồng ruộng, và người ta phát hiện ra cái dạ dầy rất độc hại của nó, thì mới tỉnh ra. Mấy năm nay, không hiểu sao thương lái Trung Quốc lại chú ý, lại “ăn” con ốc bươu vàng ghê thế...
Ông Hùng kể, đầu năm 2012, “bắt” được mối bán ốc bươu vàng cho thương lái Trung Quốc, ông tổ chức thu mua. Đến nay là 2 năm rồi. Vụ thu mua ốc bươu vàng bắt đầu từ tháng 2, tháng 3 âm lịch, cho đến cuối tháng 9 âm lịch thì ngừng. Giá ông mua vào lúc cao nhất là 23.000 đồng/kg, thấp nhất là 18.000 đồng/kg, với tiêu chuẩn là ốc ruột, làm sạch, luộc chín, nhể sạch cái nhân ở mồm ốc vứt đi.
Ngày nhiều nhất ông mua được 11 tấn, thường thường là năm, sáu tấn. Sau khi cân, ốc ấy được cấp đông trong các thùng xốp, thuê xe tải chở lên Móng Cái (Quảng Ninh) bán cho thương lái Trung Quốc. Hai ba ngày thu mua đủ cho một xe trên dưới 20 tấn.
Trong xã Cấn Hữu, ông Hùng là chủ đại lý thu mua ốc lớn nhất. Ngoài ra còn mấy anh nữa nhưng chưa đến tầm của ông. Người bán, ngoài những bà con trong xã đến bán trực tiếp, còn những người các địa phương khác đi gom ốc của dân trong vùng đi bắt, sơ chế rồi nhập cho ông, người dăm ba tạ, người một tấn, có người đến vài ba tấn.
Nhờ mấy đại lý thu mua ốc bươu vàng như ông Hùng, nên chỉ một thời gian ngắn, không chỉ đồng ruộng Cấn Hữu mà đồng ruộng của cả chục xã ở Quốc Oai sạch bách ốc bươu vàng, và mang lại nguồn thu nhập khá cao cho hàng chục hộ nông dân.
Anh Nguyễn Văn Hạnh, một người dân ở Cấn Hữu, kể: Hết ốc bươu vàng ở đồng nhà, vợ chồng anh phóng xe máy đi đồng xa, sang tận Bắc Ninh bắt. Đi đến đâu vợ chồng anh cũng được bà con ở đó hoan nghênh. Có người còn kéo vợ chồng anh lên quán giải khát đãi, sau khi vợ chồng anh “quét” sạch ốc bươu vàng ở thửa ruộng nhà họ.
Ngày cao nhất vợ chồng anh bắt được 70 kg ốc ruột, nhập cho đại lý với giá 23.000 đồng/kg, nhận ngay một triệu sáu trăm mười nghìn tiền tươi, còn bán với gia thấp nhất 18.000 đồng mỗi cân, cũng bỏ túi một triệu hai trăm sáu chục ngàn, một thứ thu nhập “siêu khủng” với người nông dân không có nghề nghiệp gì như vợ chồng anh.
Thế nên dù rét độc rét hại hay mưa bão, anh cũng bất chấp, cứ nhào đi bắt. Ngày thấp nhất cũng được trên ba chục kg. Sau mỗi mùa bắt ốc, vợ chồng anh có cả trăm triệu đồng, nâng cấp được nhà. Dân bắt ốc như anh, người thấp nhất mỗi vụ cũng được dăm chục triệu, bằng mấy làm ruộng. Tôi hỏi ông Hùng:
- Mỗi vụ ốc từ tháng 3 đến tháng 9, ông kiếm bao nhiêu?
- Cũng chỉ được vài ba chục triệu thôi bác ạ.
- Nói phét. Dân bắt ốc còn được dăm chục, một trăm triệu mỗi mùa. Thế là “trùm kinh doanh ốc” lại chịu chỉ có chừng ấy ?
- Chẳng giấu gì bác. Mỗi cân ốc đến tay thương lái Trung Quốc, em được mấy giá. Thì nào thuê xe, nào mua đá ướp, nào công xá cho từ người cân đến người bốc xếp, và trăm thứ tiền dọc đường từ đây ra đến Móng Cái, nào hao hụt, nào lãi vay ngân hàng... chứ có được cả đâu.
Tôi nhẩm tính, với mỗi xe ốc hai chục tấn, chỉ cần có lãi mỗi cân bốn, năm giá, tức là bốn năm trăm đồng thôi, thì trừ chi phí đi, ông cũng có lãi cả chục triệu rồi. Cứ hai ba ngày một xe, có dạo cao điểm mỗi ngày một xe. Một mùa thu mua ốc sáu tháng, tính ra có tới hàng trăm xe, lãi tiền tỷ là cái chắc. Nhưng thôi, ông trùm đã không muốn tiết lộ, thì cũng chẳng cần đi sâu làm gì.