Dù luôn tự hào là có truyền thống văn hóa “người Tràng An thanh lịch”, nhưng Hà Nội đã phải xây dựng “Khung hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp cộng đồng dân cư, nơi công cộng” để khuyến khích những hành vi văn minh, lịch sự, đồng thời tạo ra một “khung” để những hành vi lệch chuẩn - tức là không đúng với khung quy tắc - sẽ phải chịu chế tài trong tương lai.
Ngày 30/6, Sở VHTTDL Hà Nội đã tiến hành một hội thảo quanh khung quy tắc trên.
Hà Nội có vội được không?
Theo đúng như tên gọi, “Khung hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp cộng đồng dân cư, nơi công cộng” (gọi tắt là “Khung hệ thống quy tắc ứng xử”) được xây dựng nhằm vào 6 đối tượng chính tại Hà Nội gồm: Cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư và nơi công cộng.
Để có được bộ khung này nhóm đề án đã thực hiện cuộc khảo sát, lấy ý kiến 6.000 người tại 10 quận, huyện ở Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Khắc Lợi - PGĐ Sở VHTTDL Hà Nội: “Một số hiện tượng văn hóa ứng xử tại các cơ quan hành chính, bệnh viện, nơi công cộng... đã xuống cấp và đó là một nguy cơ. Bởi vậy, việc nhanh chóng ban hành “Khung hệ thống quy tắc ứng xử” càng nhanh càng tôt. Tôi tin với phẩm chất thanh lịch, người Hà Nội sẽ dễ tiếp thu bộ quy tắc này...”.
Hà Nội cần làm nhiều việc để văn minh, lịch sự hơn. |
Theo lộ trình khởi động từ năm 2012, năm 2013 là giai đoạn nghiên cứu thực trạng ứng xử của người Hà Nội. Năm 2014 sẽ hoàn thiện bộ khung các quy tắc ứng xử. Năm 2015 sẽ triển khai diện rộng, sau một năm sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm, bổ sung và chính thức áp dụng những chế tài quanh bộ quy tắc này.
“Xây dựng ra bộ quy tắc không khó, nhưng sử dụng thế nào và phát huy được hiệu quả mới khó" - PGS-TS Trần Thu Hương (Khoa tâm lý - Trường ĐH QG Hà Nội) nói. Bà Hương cho biết thêm: “Dự thảo khung tiêu chí cần chỉnh sửa nhiều vì có sự trùng lặp giữa các đối tượng. Đặc biệt nhiều khái niệm rất rộng. Chẳng hạn, chuẩn mực ứng xử tối thiểu đối với cơ quan hành chính là trách nhiệm, chuẩn mực trong trường học là nhân văn, là những khái niệm quá rộng...”.
Còn đại diện Sở GDĐT Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Đàm Xuân Quang kể một câu chuyện: “Khi sang Nhật, tôi ấn tượng với một “quy tắc của các học sinh Nhật” rất gần gũi, dễ hiểu. Đó là: “Chịu thiệt một chút cho bạn mình vui”. Trong khi khung quy tắc ở ta đưa ra có phần hơi sách vở, vậy nên cần tìm ra những quy tắc có “chất riêng” của Hà Nội.
Lãnh đạo không “lắng nghe”, “bún mắng”, “cháo chửi”… đều sẽ bị phạt
Các đại biểu tham gia hội thảo đều thống nhất việc ban hành “Khung hệ thống quy tắc ứng xử” là điều cần làm, nhưng cần sát với thực tế, tránh hô hào sáo rỗng.
Một số ý kiến cho rằng, một số quy tắc có phần tối nghĩa. Ví dụ, quy tắc ứng xử với lãnh đạo cơ quan, tổ chức gồm: “Gương mẫu, đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch; lắng nghe; tận tâm với công việc; thực hành tiết kiệm; xây dựng tập thể đoàn kết”. Trong đó quy tắc “lắng nghe” gây nhiều băn khoăn. Chẳng nhẽ “lãnh đạo không... lắng nghe” sẽ bị phạt?
Hoặc một quy tắc với học sinh, sinh viên được cho là không phù hợp với hiện nay là “giản dị, khiêm tốn”. Một số ý kiến cho rằng, đời sống hiện nay khuyến khích học sinh ăn mặc đẹp, lịch sự, vì vậy cần đổi là trang phục phù hợp, đúng mực.
Khách hàng cần thái độ phục vụ tận tình, lịch sự từ người bán hàng, cho dù chỉ ở quán ăn vỉa hè. |
Các đại biểu cũng thống nhất “Khung hệ thống quy tắc ứng xử” sẽ góp phần tác động tích cực tới ý thức người dân, để người Hà Nội hiểu về các chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử, để từ đó loại dần những hiện tượng như “bún mắng”, “cháo chửi”, “hách dịch”, “cửa quyền”... nơi công sở.