Bùn đỏ nhấn chìm thành phố sau sự cố vỡ đập ở Brazil
Thứ bảy, 26/1/2019 07:55 (GMT+7)
07:55 26/1/2019
Chất thải và bùn đất trào ra sau vụ vỡ đập tại khu mỏ quặng sắt Feijao đã nhấn chìm một phần thành phố Brumadinho với nhiều khu dân cư, gây lo ngại về ô nhiễm môi trường nặng nề.
Vụ vỡ đập xảy ra hôm 25/1 tại khu khai thác mỏ Feijao ở bang Minas Gerais, phía đông nam Brazil. Trong ảnh, dòng nước thải và bùn đỏ tấn công một khu vực dân cư. Ảnh: AP.
Công ty Vale SA, chủ sở hữu mỏ Feijao, xác nhận một phần con đập ngăn nước thải đã vỡ, khiến chất thải trong khai thác quặng sắt và bùn đất tràn ra ngoài. Một phần thành phố Brumadinho gần khu mỏ đã bị dòng nước thải nhấn chìm. Ảnh: AP.
Tới nay, 7 người được xác nhận đã thiệt mạng và khoảng 200 người mất tích. Hầu hết nạn nhân trong vụ vỡ đập là công nhân của công ty Vale SA. Họ đang nghỉ trưa khi dòng chất thải và bùn đất ập đến. Ảnh: AFP.
Không ảnh chụp hiện trường cho thấy nhiều hệ thống đường giao thông đã bị cắt đứt do dòng nước và bùn đất trào ra sau vụ vỡ đập. Ảnh: AP.
"Tôi cầu xin sự tha thứ từ tất cả nạn nhân bị ảnh hưởng và toàn bộ nhân dân Brazil", ông Fabio Schvartsman, CEO của Vale SA, lên tiếng sau khi vụ việc xảy ra. Lãnh đạo công ty Vale SA cho biết vụ vỡ đập là "một thảm họa to lớn" đối với công ty, do hầu hết nạn nhân đều là người của công ty này. Ảnh: Reuters.
Vale SA hiện chưa xác định được nguyên nhân của vụ vỡ đập. Ông Schvartsman cho biết công trình đập bị vỡ đã không được sử dụng trong gần ba năm qua. Trong ảnh, dòng nước thải thoát ra sau vụ vỡ đập cắt ngang một con đường gần thành phố Brumadinho. Ảnh: AFP.
Thành phố Brumadinho gần mỏ Feijao đã chìm trong bùn đỏ. Nhiều căn nhà bị phá hủy. Lệnh di tản khẩn cấp đã được ban bố với cư dân một phần thành phố. Lực lượng cứu hỏa phải sử dụng trực thăng để tìm kiếm người sống sót và đưa đến nơi an toàn. Ảnh: AFP.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và bộ trưởng quốc phòng dự kiến bay đến hiện trường ngày 26/1. Bộ trưởng môi trường Brazil trước đó đã có mặt tại hiện trường từ khuya 25/1. "Chúng tôi sẽ tiến hành mọi bước đi cần thiết để giảm thiểu thiệt hại mà các nạn nhân và gia đình phải gánh chịu", Tổng thống Bolsonaro đăng tải trên Twitter. Ảnh: AFP.
Năm 2015, đập Samarco cũng tại bang Minas Gerais do Vale SA sở hữu bị vỡ, khiến 17 người thiệt mạng. Các nhà hoạt động môi trường cáo buộc những vụ vỡ đập xảy ra liên tiếp là hệ quả của những quy định lỏng lẻo trong ngành khai mỏ. "Lịch sử đang lặp lại. Thật không thể chấp nhận được khi chính phủ và các công ty không học được bài học nào", cựu bộ trưởng môi trường Marina Silva phê phán. Ảnh: AP.
Trên website của Vale SA, công ty này tuyên bố chất thải trào ra từ vụ vỡ đập chủ yếu là đất, cát và không độc hại. Tuy nhiên, một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết chất thải trào ra sau vụ vỡ đập năm 2015 "chứa lượng lớn thành phần kim loại nặng độc hại". Ảnh: AFP.
Ít nhất 9 người chết và khoảng 300 người mất tích sau vụ vỡ đập tại một mỏ quặng sắt ở phía đông nam Brazil, gây ra dòng lũ bùn đỏ nhấn chìm một phần thành phố lân cận.
Nước tràn qua đập Swar ở miền Trung Myanmar khiến nhiều khu vực chìm trong nước lũ, làm tê liệt tuyến đường cao tốc nối ba thành phố quan trọng nhất của nước này.