Bún đậu mắm tôm nở rộ tại Sài Gòn
Món ăn truyền thống, dân dã của người Bắc đang "làm mưa làm gió" ở TP.HCM vào thời kinh doanh đang khủng hoảng.
Vài năm trước, người miền Bắc sống ở TP.HCM muốn ăn bún đậu mắm tôm chỉ có một lựa chọn là khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất, cách trung tâm thành phố gần chục cây số. Ở đây có những quán bún bình dân, do những người Bắc định cư lâu năm bán. Nay, khắp Sài Gòn quán bún đậu mắm tôm mọc lên ở khắp nơi. Điều đặc biệt là quán nào cũng chật cứng khách. Người dân thành phố già đến trẻ, giới văn phòng đến tuổi teen đều mê mẩn món ăn này.
Nắm được thị hiếu, làn sóng mở quán ăn với món dân dã là bún đậu ở thành phố bùng phát mạnh, nhất là từ cuối năm 2012 đến nay. Chỉ tính riêng quận 1 giờ có hơn 10 điểm kinh doanh món này với mô típ quán na ná nhau. Bàn ghế tre nứa, đồng phục nhân viên kiểu “cũ kỹ” với tường hờ hững vài bức tranh Đông Hồ, nhân viên ăn mặc theo kiểu nông dân Bắc bộ xưa. Còn khu vực đường Hồng Hà, Tân Bình, nếu tính luôn cả các quán bình dân thì cũng trên dưới 20 quán.
Làn sóng mở quán bún đậu mắm tôm đang bùng phát khắp Sài Gòn. Ảnh: Lê Quân |
“Kinh doanh ăn uống không bao giờ sợ lỗ, đặc biệt là kinh doanh quán ăn chuyên biệt, nghĩa là chỉ bán đặc sản vùng miền”, chủ một quán bún đậu trên đường Hồng Hà, Tân Bình chia sẻ. Theo anh này, các quán ăn chuyên đặc sản vùng miền không chỉ phục vụ khách là người dân vùng miền đó đang làm ăn, sinh sống xa quê, mà còn gây tò mò, hút khách dân tại chỗ, người miền khác. Quán bún đậu mắm tôm của anh vì thế nhanh chóng phát triển lên 2 cơ sở chỉ sau 5 tháng mở hàng. Chỉ sau một tháng kinh doanh, giá bún đậu ở đây từ 25.000 đồng/phần được nâng lên 35.000 đồng/phần song vẫn tấp nập khách.
Món ăn dân dã của người Bắc nhanh chóng lấy lòng người Sài Gòn. Ảnh: Lê Quân |
Người mẫu Trang Trần chỉ sau vài tháng mở quán bún đậu mắm tôm ở trung tâm Sài Gòn nay đã nâng lên 2 cơ sở ngay tại quận 1 mà quán nào cũng đông khách từ sáng sớm đến tối khuya. Theo tiết lộ của Trang Trần, cô nhận thấy món bún đậu mắm tôm rất dễ hấp dẫn giới trẻ bởi đây là món ăn đơn giản, dễ chế biến, giá lại rẻ. Thế là cô người mẫu mở quán.
Theo tính toán của một chủ quán bún đậu ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, anh chỉ tốn gần 200 triệu để mở quán, gồm chi phí thuê mặt bằng, trang trí, mua bàn ghế, chén bát và cả thuê nhân viên. Phần còn lại lấy từ chi phí bán hàng ngày và xoay vòng. Cũng theo anh, đầu tư đơn giản, ít vốn, món ăn lại dễ chế biến nên nhiều người, nhất là người trẻ đua nhau mở quán.
Góp mặt trong làn sóng “bún đậu mắm tôm” ở Sài Gòn đông nhất phải kể đến giới nghệ sĩ. Sau Trang Trần, một loạt quán bún đậu khác của nghệ sĩ cũng thi nhau mọc lên, từ các siêu các mẫu nam Xuân Thu, Đức Long, diễn viên Duy Anh đến người mẫu nữ Thu Hằng, Lê Thúy…Theo chia sẻ của Xuân Thu, là nam người mẫu, cát-sê show diễn thời trang không cao và cũng không được nhiều show như giới nữ làm mẫu. Thời buổi càng khó khăn, làm nghề mẫu với nam càng khó hơn, quán bún đậu đã giúp anh ổn định cuộc sống.
Cách trang trí quán với những hình ảnh về cuộc sống của người miền Bắc thời bao cấp khiến nhiều người thú vị khi ăn món bún đậu dân dã. Ảnh: Lê Quân |
Tuy nhiên, theo chị Nhung, chủ quán bún đậu Vừng ơi ở quận 9, nơi cũng có hơn chục quán, bún đậu mắm tôm dù dễ bán, dễ ăn nhưng sẽ không dễ kinh doanh ở Sài Gòn với trào lưu như hiện nay. Theo chị, món này lấy lòng người dân Sài Gòn hơn các món ăn miền Bắc khác không vì giá rẻ mà có nhiều rau hợp với sở thích của người Sài Gòn, ngoài ra còn thêm món chả cốm lạ miệng. Tuy nhiên, để làm ăn hiệu quả, quan trọng nhất không phải quán đẹp, món ăn được chế biến ngon mà là khâu an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hà Linh
theo Infornet