Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Bức tranh toàn cảnh Mỹ ra sao nếu ông Trump thắng cử?

Từ vấn đề kinh tế đến quyền tự do sinh sản, đảng Dân chủ và phe Cộng hòa có tầm nhìn khá tương phản về tương lai nước Mỹ.

Trong quá trình chạy đua vào Nhà Trắng, hai ứng viên tổng thống đã trình bày kế hoạch của riêng mình trong các bài phát biểu, quảng cáo chiến dịch và những cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông.

Một số đề xuất của ông Donald Trump khiến giới quan sát hoài nghi về mặt pháp lý. Trong khi đó, một vài đề xuất của bà Kamala Harris có thể đòi hỏi đảng Dân chủ phải nắm quyền kiểm soát lưỡng viện.

Các chính sách kinh tế

Đối với vấn đề được cử tri quan tâm hàng đầu như phương diện kinh tế, hình ảnh của bà Harris gắn liền với màn thể hiện của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong 4 năm qua, dù tích cực hay tiêu cực.

Dù bức tranh kinh tế Mỹ đã khởi sắc hơn trong vài tháng qua, phó Tổng thống Harris bày tỏ sự đồng ý với người dân rằng giá cả hàng hóa "vẫn còn quá cao" sau khi tình trạng lạm phát kéo dài trong nhiều năm.

Phó tổng thống cho biết bà muốn xây dựng "nền kinh tế cơ hội", tập trung vào tầng lớp trung lưu, với các kế hoạch chống tăng giá, thúc đẩy phát triển nhà ở, hỗ trợ người mua nhà lần đầu và mở rộng tín dụng cho các bậc phụ huynh.

Bà Harris cũng cam kết cắt giảm thuế cho hàng chục triệu gia đình có mức thu nhập trung bình và thấp. Bà đồng thời ủng hộ việc giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ.

Bà Harris dự kiến duy trì cách tiếp cận của chính quyền Biden trên khía cạnh thương mại, dựa vào thuế nhập khẩu và kiểm soát xuất khẩu để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nội địa.

Trong chiến dịch tranh cử, bà Harris cũng đã ca ngợi các khoản đầu tư đầy tham vọng của chính quyền Biden vào cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo.

bau cu tong thong My anh 1

Lập trường của bà Harris đối với một số vấn đề trọng yếu của cuộc bầu cử có xu hướng gắn liền với đường lối của chính quyền đương nhiệm. Ảnh: New York Times.

Ở phía còn lại, cựu Tổng thống Trump tiếp tục tung hô những thành tích về kinh tế trước thời kỳ đại dịch của chính quyền do ông dẫn dắt.

Phần lớn kế hoạch giảm lạm phát của ông Trump xoay quanh lời hứa cắt giảm chi phí năng lượng bằng cách mở rộng hoạt động khai thác dầu khí và cắt giảm bớt quy định hạn chế.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng kế hoạch áp thuế toàn diện và trục xuất hàng loạt của ông Trump trên thực tế có thể làm tăng chi phí của chính phủ.

Ông Trump cũng chỉ trích gay gắt mức lãi suất mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra. Ông Trump tuyên bố rằng tổng thống Mỹ nên có tiếng nói trong quyết định điều chỉnh lãi suất của Fed, vốn xưa nay có truyền thống không liên quan đến các vấn đề chính trị.

Cựu Tổng thống Trump tuyên bố rằng nếu đắc cử ông sẽ gia hạn và mở rộng một loạt biên pháp cắt giảm thuế mà ông từng ký thành luật vào năm 2017. Ông đồng thời cam kết giảm thuế doanh nghiệp từ 21% xuống còn 15% đối với các công ty sản xuất của Mỹ.

Chính trị gia gốc New York cũng đề xuất mức thuế nhập khẩu từ 10-20% đối với mọi mặt hàng và dự định áp thuế đến 60% hoặc cao hơn với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Quyền tự do sinh sản

Trên khía cạnh quyền tự do sinh sản, bà Harris từ lâu đã lên tiếng bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ, chỉ trích ông Trump và đảng Cộng hoà vì đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế đối với nhóm đối tượng là phụ nữ có mong muốn phá thai.

Bà Harris đã kêu gọi Quốc hội khôi phục án lệ Roe và Wade để bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ. Bà Harris cũng cam kết rằng trong vai trò tổng thống, bà sẽ phủ quyết bất kỳ lệnh cấm phá thai nào trên đất Mỹ.

Bên cạnh quyền tự do phá thai, bà Harris cũng đảm bảo khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai và những phương thức điều trị sinh sản như thụ tinh ống nghiệm (IVF).

Trong khi đó, ông Trump bày tỏ lập trường rằng quyền tự do sinh sản nên được quyết định bởi từng tiểu bang. Ông tuyên bố bản thân sẽ không ký sắc lệnh cấm phá thai trên phạm vi toàn quốc.

Cựu tổng thống cũng nói rằng ông sẽ đảm bảo quy trình IVF trở nên miễn phí cho phụ nữ.

bau cu tong thong My anh 2

Tầm nhìn của ông Trump về vấn đề tự do sinh sản không được thể hiện một cách rõ ràng trong quá trình tranh cử. Ảnh: New York Times.

Tương tự Tổng thống Biden, bà Harris xem ông Trump là mối đe doạ trực tiếp cho nền dân chủ Mỹ.

Trong quá trình tranh cử, bà Harris đã nhiều lần nhấn mạnh xuất phát điểm là công tố viên của mình để khắc hoạ sự tương phản với ông Trump, người từng bị kết án 34 trọng tội liên quan đến nỗ lực can thiệp kết quả bầu cử năm 2016.

Cựu tổng thống cũng đối mặt với một số cáo buộc về âm mưu đảo ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020 và những bê bối liên quan đến việc xử lý tài liệu mật.

Bên cạnh đó, bà Harris cũng thường xuyên nhắc lại trước công chúng về vai trò của ông Trump trong việc kích động bạo lực đối với cuộc bạo loạn tại Điện Capitol vào ngày 6/1/2021.

Cải cách luật pháp

Về mặt cải cách luật pháp, bà Harris tuyên bố sẵn sàng loại bỏ quy trình cản trở việc thông qua đạo luật chính trị (thuật ngữ tiếng Anh: filibuster), đồng thời thúc đẩy việc thông qua quyền biểu quyết liên bang.

Ở phía còn lại, ông Trump đã nhiều lần công khai từ chối nhận thua trong cuộc bầu cử năm 2020. Ông cũng không trả lời rằng bản thân liệu có chấp nhận kết quả đợt tranh cử năm nay hay không, chỉ khẳng định một cách vô căn cứ rằng cách duy nhất bà Harris có thể thắng cử là thông qua gian lận.

Ông Trump thậm chí tuyên bố sẽ sử dụng Bộ Tư pháp để truy tố các luật sư, quan chức bầu cử, các nhà tài trợ và thậm chí là cử tri phe đối lập. Điều này được cho là một hành động vi hiến tại Mỹ, theo Guardian.

Đối với vấn đề nhập cư, vốn được xem là một trong những điểm yếu nhất trong chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ, bà Harris đã nỗ lực thay đổi hình ảnh bản thân trong mắt cử tri.

Trong chuyến thăm biên giới vào tháng 9, bà đã đưa ra một kế hoạch ban hành các hình phạt chặt chẽ hơn cho những người cố gắng xin tị nạn giữa các điểm nhập cảnh hợp pháp.

Các vụ bắt giữ người vượt biên ở phía nam đạt mức kỷ lục trong những năm đầu của chính quyền Biden song đã giảm mạnh kể từ khi tổng thống thực hiện một cuộc kiểm soát tị nạn. Với cương vị phó tổng thống, bà Harris được giao nhiệm vụ giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề nhập cư.

Bất chấp những lời chỉ trích và đổ lỗi từ phía đảng Cộng hoà, bà Harris lên tiếng quy trách nhiệm về vấn đề nhập cư cho cựu Tổng thống Trump, lập luận rằng ông đã cản trở một nghị quyết lưỡng đảng nhằm tăng tài nguyên cho các điểm kiểm soát nhập cảnh biên giới, từ đó giúp cải thiện vấn đề nhập cư bất hợp pháp.

Bà Harris cũng kêu gọi cải cách nhập cư toàn diện, bao gồm cả quy trình cấp quyền công dân cho những người không có giấy tờ, đặc biệt là những người được đưa đến Mỹ khi còn nhỏ.

Trong khi đó, ông Trump hứa sẽ thực hiện một trong những đợt trục xuất lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Cựu tổng thống cũng cam kết sẽ phục hồi một số chính sách gây tranh cãi từ nhiệm kỳ đầu tiên của mình, bao gồm chương trình Mexico và cấm du lịch đối với một số quốc gia Hồi giáo.

Ông Trump đã tuyên bố sẽ hủy bỏ các chương trình bảo vệ những người không có giấy tờ bị trục xuất, bao gồm cả trẻ em, trong khi thu hồi tư cách pháp lý của hàng trăm nghìn người nhập cư ở Mỹ theo chương trình bảo vệ tạm thời của liên bang.

Bên cạnh các chính sách, ông Trump còn sử dụng các lập luận thiếu căn cứ để gây ra nỗi sợ hãi chống lại những người nhập cư.

bau cu tong thong My anh 3

Ông Trump và bà Harris có lập trường tương đối khác biệt về vấn đề Trung Đông. Ảnh: New York Times.

Đối ngoại

Trên khía cạnh đối ngoại, bà Harris có lập trường liên kết chặt chẽ với chính quyền Tổng thống Biden, với sự nhấn mạnh vào việc duy trì các liên minh toàn cầu của Mỹ, đặc biệt là khối Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong khi đó, ông Trump, vốn ủng hộ chủ nghĩa cô lập, đã nhiều lần tuyên bố rằng thế giới trở nên yên bình hơn khi ông nắm quyền.

Trái với bà Harris, ông Trump thường tỏ ra hoài nghi về các liên minh toàn cầu. Cựu tổng thống đã không loại trừ khả năng rút Mỹ khỏi NATO và thậm chí là các liên minh khác, theo Guardian.

Đối với cuộc khủng hoảng Trung Đông, bà Harris một lần nữa ủng hộ lập trường của chính quyền đương nhiệm đối với cuộc chiến ngày càng lan rộng giữa Israel với các lực lượng trong khu vực gồm Hamas, Hezbollah, Yemen và Vệ binh Hồi giáo Iran.

Tương tự ông Biden, bà Harris cũng kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza để trả tự do cho các con tin bị Hamas bắt giữ vào ngày 7/10/2023. Phó tổng thống cũng ủng hộ một giải pháp hoà bình giữa hai nước và một quốc gia Palestine độc lập.

Trong khi đó, ông Trump một mặt tuyên bố ủng hộ sứ mệnh của Israel, mặt khác lại chỉ trích các chiến lược mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu đưa ra.

Trong phạm vi nước Mỹ, ông Trump thể hiện phản ứng gay gắt trước các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine và đe doạ sẽ tước thị thực của các sinh viên nước ngoài thể hiện thái độ bài Do Thái hoặc chống lại Mỹ.

Tiết lộ về tổng thống Mỹ

Mục Thế giới xin giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.

Bà Harris và ông Trump 'đốt' hơn nửa tỷ USD chỉ trong 16 ngày

Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 ngày càng đến gần, các ứng viên đang đẩy mạnh chi nốt những khoản tiền cuối cùng để vận động bầu cử.

Vấn đề định đoạt cuộc bầu cử tổng thống Mỹ

Dù hiếm khi được bà Kamala Harris hay ông Donald Trump đề cập trực tiếp, cuộc bầu cử năm nay dường như đã trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về vai trò của phụ nữ trong đời sống Mỹ.

Thế 'song mã' của cuộc đua Trump-Harris

Cuộc khảo sát gần nhất trước ngày bầu cử do New York Times và Đại học Siena thực hiện cho thấy ông Donald Trump và bà Kamala Harris có cùng 48% tỷ lệ ủng hộ từ cử tri.

Đại Hoàng

Bạn có thể quan tâm