Một lần nữa Vương quốc Anh và châu Âu lại đi theo hai chiều hướng ngược nhau.
Trong khi số ca mắc Covid-19 ở Anh đang giảm, Pháp, Đức, Áo và một số quốc gia châu Âu khác ghi nhận sự gia tăng đáng kể trong những tuần gần đây.
Theo Guardian, làn sóng đại dịch thứ tư có nguy cơ bùng phát ở các quốc gia châu Âu này, làm tăng khả năng áp đặt các biện pháp phong tỏa mới.
Điều này đặt ra một câu hỏi quan trọng: Liệu Anh có tiếp tục đối mặt với làn sóng mới như các nước khác sau một vài tuần nữa? Hay số lượng ca mắc mới ở châu Âu sẽ đạt đỉnh và bắt đầu giảm như diễn biến từng xảy ra ở Anh?
Viện Robert Koch ngày 15/11 cho biết tỷ lệ nhiễm nCoV ở Đức tăng cao tới mức kỷ lục trong tuần qua. Ảnh: Shutterstock. |
Giáo sư Mark Woolhouse của Đại học Edinburgh có quan điểm rõ ràng về vấn đề này. Ông nói với Observer: “Tôi nghĩ rằng nước Anh đã đi trước một bước và châu Âu đang theo sau chúng tôi”.
Theo ông, yếu tố chính dẫn đến tình trạng này là sự xuất hiện của biến chủng Delta.
“Về cơ bản, Delta nghiêm trọng hơn nhiều so với các biến chủng trước đó. Biến chủng Delta đã tấn công các nước châu Âu muộn hơn nhiều so với Anh", ông nói.
"Đợt lây nhiễm mới đã xảy ra ở các quốc gia châu Âu vào thời điểm mà khả năng bảo vệ của vaccine - chủ yếu là ở những người dễ bị tổn thương nhất, những người được tiêm vaccine đầu tiên - bắt đầu suy giảm đáng kể”, giáo sư Woolhouse phân tích thêm.
Quan điểm này nhận được đồng tình của giáo sư Neil Ferguson từ Đại học Hoàng gia London trong chương trình radio 4’s Today của BBC.
Ông cho rằng nước Anh đang ở trong “một tình huống hoàn toàn khác” so với các quốc gia còn lại ở châu Âu, nơi những giới hạn về sự tự do đang được cân nhắc.
“Chúng tôi (Anh) đã có hai hoặc ba tuần ghi nhận số ca mắc và trường hợp nhập viện giảm nhưng còn quá sớm để khẳng định. Số ca mắc Covid-19 vẫn rất cao - từ 30.000 đến 50.000 mỗi ngày - trong bốn tháng qua, kể từ đầu tháng 7”, ông cho biết thêm.
Một trung tâm xét nghiệm và tiêm chủng ở Berlin. Ảnh: AFP. |
“Điều đó rõ ràng đã gây ra nhiều hệ lụy. Nhưng nghịch lý thay, đó cũng là nguyên nhân khiến khả năng miễn dịch của người Anh tốt hơn so với các quốc gia như Đức, Hà Lan và Pháp - những nơi có số ca nhiễm thấp hơn nhiều và chỉ mới tăng lên gần đây”, giáo sư Ferguson nói.
Chuyên gia Michael Head của Đại học Southampton cũng lập luận rằng các quốc gia châu Âu đang đạt đến đỉnh dịch mà nước Anh đã đi qua từ một vài tháng trước.
“Vương quốc Anh đã triển khai chương trình tiêm chủng sớm hơn hầu hết quốc gia khác, do đó họ trải qua tác động của tình trạng suy giảm khả năng miễn dịch sớm hơn. Tuy nhiên, các mũi tiêm tăng cường ở Anh rõ ràng đang mang lại hiệu quả tốt hơn trong việc làm giảm số ca nhập viện và ca mắc mới ở những người lớn tuổi", vị chuyên gia này chỉ rõ.
Giáo sư Paul Hunter của Đại học East Anglia thậm chí còn nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi không đi sau châu Âu trong làn sóng này. Họ đang theo sau chúng tôi. Hiện nay, chúng tôi không thấy dấu hiệu gia tăng nào ở mức độ tương tự ở châu Âu".
“Khi một căn bệnh tiến đến trạng thái cân bằng đặc hữu, chúng ta sẽ phải tiếp nhận các dao động xung quanh trạng thái cân bằng cuối cùng. Vì vậy, chúng ta có thể dự kiến sự dao động này diễn ra trên khắp châu Âu trong một năm hoặc lâu hơn. Đôi khi tình trạng ở Anh sẽ tệ hơn châu Âu, nhưng vào những thời điểm khác, châu Âu sẽ tệ hơn nước Anh”, Hunter cho biết thêm.