Người đời vẫn có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” mặc dù vào thời điểm xã hội hiện đại ranh giới phân biệt đó đang dần bị xóa nhòa. Quyền bình đẳng, những chính sách và cơ hội giúp người phụ nữ có nhiều điều kiện để làm thứ mình mong muốn. Phụ nữ Nhật Bản luôn được ca ngợi với vô vàn đức tính tốt đẹp, khiến họ đội khi trở thành nỗi niềm ước ao của cánh đàn ông.
Trong gia đình mẫu mực người Nhật, người mẹ chăm chút cho mọi người với sự tận tụy và kỹ lưỡng. Họ chuẩn bị mọi thứ luôn sẵn sàng, từ hộp cơm trưa cho chồng, kiểm soát tài chính trong nhà, chăm lo con cái, thậm chí là sẵn sàng làm cả những công việc bán thời gian đêm khuya để cải thiện thu nhập nếu chồng có sa cơ lỡ vận.
Nói vậy không phải để cao người Nhật hay vĩ cuồng thái quá, hãy suy nghĩ đơn giản rằng chúng ta nên nhìn vào điểm tốt đẹp của họ để học tập.
Mặc dù được ca ngợi nhiều trong văn chương, thơ ca nhưng đằng sau cuộc sống đáng mơ ước ấy vẫn có những mảng tối gai góc không phải ai cũng biết về thế giới của các bà nội trợ. Giống như một con cá hồi bơi ngược dòng chảy, nhà văn Fumio Yamamoto khai thác trực tiếp về vấn đề nhạy cảm ấy như một cú tát mạnh mẽ vào giấc mộng hào nhoáng. Trong tác phẩm của mình, bà mô tả thân phận người phụ nữ với tất cả những đắng cay và xót xa.
Cuốn sách Trốn thoát khỏi thực tại. |
Khác với Trúng độc yêu, Trốn thoát khỏi thực tại không còn thể hiện cái nhìn bao dung như trước. Nhà văn đẩy nỗi bế tắc tới mức tiêu cực như một màn sương mờ che phủ tương lai chỉ chờ trực nuối chửng các nhân vật. Cuốn sách được viết theo thể loại truyện ngắn vốn là thế mạnh đã tạo nên thương hiệu cho nữ văn sĩ Fumio Yamamoto.
Tác phẩm chủ yếu vẫn đặt điểm nhìn xoay quanh người phụ nữ ngoài ba mươi. Đó là một bà nội trợ, nữ doanh nhân tham vọng hay một cô nàng công sở đầy dã tâm. Họ vốn là những người tốt nhưng vì xã hội dẫn tới mức đường cùng khiến suy nghĩ lệch lạc, sẵn sàng đánh đổi tất cả để mưu cầu cuộc sống.
Cùng là phụ nữ nên tác giả vẫn có chút khiêm nhường hơn khi viết về đề tài này. Lối hành văn giản dị, nhưng sắc lạnh, thấm sâu vào từng câu chữ khiến người đọc không khỏi giật mình về lối sống tưởng chừng rất đẹp đẽ ấy. Cùng là một chữ yêu mà tại sao họ lại xót xa tới vậy, sẵn sàng lao vào cuộc tình chớp nhoáng để làm dịu đi ngọn lửa hừng hực trong lòng. Rồi ai đó cũng phải buồn thay cho các nhân vật, phải sống trong tình trạng ấy thà chết đi cho rồi.
Haruka là người đàn bà đầu tiên xuất hiện trong cuốn sách qua truyện ngắn Giun dẹp. Cô bị bệnh ung thư vú hành hạ, mất đi một bầu vú vì đã di căn, cuộc sống u ám đen tối tới mức cô chả buồn làm gì, mặc cho số phận đưa đẩy. Nỗi bi ai này còn dâng cao tới mức cô phải lấy chính chuyện mình bị ung thư vú ra để “làm quà” cho mỗi cuộc giao tiếp xã giao.
Hay chuyện về bà nội trợ Kato, người bị gia đình phản bội, con cái hư đốn còn bản thân suýt bị cưỡng hiếp trong một tối kết thúc ca làm. Nhiều lúc cô tự hỏi mình đã làm hết sức cho gia đình mà cuối cùng kết quả vẫn đi ngoài tầm với để rồi không biết bản thân đã sai ở đâu. Mỗi câu chuyện đều dừng lại bằng một cái kết lưng chừng với vô số hoài nghi, rất có thể nó tăm tối đen kịt như cuộc đời chị Dậu hoặc may mắn xuất hiện cầu vồng.
Trước đây, từng xuất hiện một quan điểm “người phụ nữ Nhật Bản thường rất hiền lành, điềm tĩnh thường ngày, nhưng lại “hư” trên giường, Trốn thoát khỏi thực tại sẽ khiến độc giả phải ngẫm nghĩ về câu nói trên. Đó không phải là một điều xấu, việc đi sâu vào chi tiết nhạy cảm này toát lên được vẻ đẹp thực sự trong tâm hồn con người.
Một điều khá lạ lẫm trong cuốn sách khi câu chuyện cuối cùng, Ngày mai yêu thương nhân vật chính lại là một người đàn ông. Chủ quán rượu, đã ly hôn và đang có mối quan hệ rất phức tạp với người đàn bà kỳ lạ. Hẳn đây sẽ là câu chuyện nhiều người mong muốn đọc nhất bởi sự dẫn dắt đầy nhân văn với cái kết hợp lý chiều lòng người. Khi ấy đàn ông cũng thật bé nhỏ đằng sau hình ảnh người tình của mình.
Đau khổ không phải đã là tiêu cực, đôi khi ác quỷ dọn đường cho một cái thiện lớn hơn. Tâm hồn đẹp giống như ngọc sáng trong bóng tối, đó mới là con đường mà nữ văn sĩ Fumio Yamamoto theo đuổi. Hãy bao dung để yêu thương hơn những người phụ nữ ở quanh ta.