Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bức tranh buồn của làng CNTT Việt Nam 2012

Việc chỉ có 2 điểm sáng trong 10 sự kiện ICT tiêu biểu đã phản ánh thực trạng đáng buồn của làng CNTT năm 2012, và nhiều dự đoán cho rằng thực trạng này có thể kéo dài sang cả năm 2013.

Bức tranh buồn của làng CNTT Việt Nam 2012

Việc chỉ có 2 điểm sáng trong 10 sự kiện ICT tiêu biểu đã phản ánh thực trạng đáng buồn của làng CNTT năm 2012, và nhiều dự đoán cho rằng thực trạng này có thể kéo dài sang cả năm 2013.

Trong suốt 12 tháng qua, làng CNTT Việt Nam chỉ chứng kiến một số ít những điểm sáng được coi là có thể tạo ra bước đột phá. Đó là việc phóng thành công vệ tinh Vinasat 2 (tháng 5/2012), hay Nghị quyết số 13 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI khẳng định "CNTT-TT là hạ tầng của quốc gia". Ngược lại, có tới 8/10 sự kiện CNTT của năm là "tối và tù mù", theo nhận xét của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch hội đồng quản trị FPT, trong buổi lễ công bố 10 sự kiện ICT quan trọng nhất năm 2012 diễn ra hôm 27/12.

Các chuyên gia đang lo sợ về việc tái độc quyền viễn thông khi các nhà mạng như Beeline và S-Fone không có cửa cạnh tranh với các công ty, tập đoàn nhà nước. Ảnh: VnEconomy.

Điểm "tối" mà ông Bình nhắc đến ở đây chính là việc hàng loạt các nhà mạng không thuộc biên chế nhà nước không thể cạnh tranh được với các ông lớn Viettel và VNPT. Điển hình là việc đại gia Vimpelcom "bỏ chạy" khỏi Việt Nam, chấp nhận bán rẻ Beeline với giá 45 triệu USD cho GTel Mobile.

Trong khi đó, S-Fone thì phải "cắn răng" chấm dứt hợp đồng với hàng loạt nhân viên do không đủ tiền duy trì bộ máy. Đó còn là chuyện Muaban24 gây rúng động bằng thủ đoạn lừa đảo tổng trị giá 700 tỷ đồng qua hình thức gian hàng ảo đa cấp.

Một điểm nữa, thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận là việc “tượng đài” VNPT lần đầu tiên bị Viettel qua mặt về doanh thu và lợi nhuận. Cùng với đó, mô hình thu phí bản quyền nhạc số lần đầu tiên được áp dụng nhưng đang gặp phải không ít trở ngại. Theo số liệu công bố từ MV Corp, tính từ thời điểm đầu tháng 11, đơn vị này mới chỉ thu về khoảng 20 triệu đồng tiền phí tải nhạc.

Cũng tại buổi lễ công bố nói trên, một vấn đề được nhắc đến khá nhiều là sự cạnh tranh “chưa hoàn hảo” trên thị trường viễn thông. Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực chia sẻ, doanh nghiệp nhà nước chiếm đến 95% thị trường viễn thông, điều này giống như việc “anh em trong một gia đình, được bố mẹ cho ra ở riêng và cạnh tranh với nhau”.

Thị trường viễn thông chưa có cạnh tranh thực sự, theo lời ông Mai Liêm Trực.

Theo ông Trực, mô hình lý tưởng nhất để đảm bảo sự cạnh tranh trên thị trường viễn thông hiện tại phải là một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, một doanh nghiệp cổ phần, còn lại phải có 1-2 doanh nghiệp tư nhân hoặc nước ngoài. Theo ông, việc “chúng ta quá quan tâm đến việc cứu doanh nghiệp, chỉ vì đó là doanh nghiệp nhà nước, nên cấu trúc thị trường chưa thực sự cạnh tranh”.

Ông Trực đưa ra dẫn chứng về việc, Nhà nước chưa cho phép đưa 4G vào Việt Nam trước năm 2015. Theo ông, việc sử dụng công nghệ gì, đưa vào như thế nào là việc của doanh nghiệp và Nhà nước chỉ nên đóng vai trò quản lý. Theo ông, đã đến lúc cơ chế quản lý phải được nâng cấp lên “phiên bản mới” - quản lý thúc đẩy phát triển chứ không còn là quản lý theo kịp phát triển như hiện tại.

Xem danh sách 10 sự kiện ICT tiêu biểu của năm 2012 tại đây.

Cũng trong khuôn khổ lễ công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu của năm 2012, câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) cũng đã đưa ra dự đoán, sẽ không có đột phá nào trong lĩnh vực CNTT trong năm 2013 sắp tới, đồng thời dự đoán 5 xu hướng công nghệ của năm 2013, bao gồm:

1. Sẽ có một số doanh nghiệp viễn thông khai tử

2. Smartphone và gói cước 3G giá rẻ sẽ sẽ bùng nổ

3. VNPT tiếp tục khó khăn và tụt hậu

4. Thị trường truyền hình trả tiền sẽ nóng bỏng chuyện sáp nhập và cạnh tranh

5. Lĩnh vực phần mềm trong nước vẫn không có đột phá

Thành Duy

Theo Infonet

Thành Duy

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm