Rainer Maria Rilke (1875 - 1926) là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng người Áo, sinh ra tại Praha, sáng tác bằng tiếng Đức và Pháp. Sinh thời, ông nhận nhiều bức thư bày tỏ niềm ái mộ thi tài. Trong số đó có lá thư của viên sĩ quan 19 tuổi tên là Franz Xaver Kappus, ngỏ ý muốn hỏi nhà thơ gạo cội quan niệm về thơ và sứ mệnh của một thi nhân.
Sách Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi. |
Rilke đã trả lời, chính xác hơn là những lời khuyên nhủ và nhắn gửi trong bức thư dài, gần như một tiểu luận được viết bằng tiếng Pháp với tựa đề Lettre à un jeune poète (Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi). Nội dung thư xoay quanh các chủ đề như sự thôi thúc nội tại, nỗi cô đơn của người mang “nghiệp” làm thơ. Bức thư - tiểu luận này sau đó trở nên nổi tiếng, được đông đảo độc giả đón đọc khi tên tuổi của nhà thơ dần được khẳng định.
Franz Xaver Kappus - một chàng trai trẻ vốn rất yêu thơ và cũng đang tập tành làm thơ - đã gửi cho thầy của mình một số tác phẩm, đồng thời đặt ra những câu hỏi, thể hiện những mối ưu tư, băn khoăn đẹp đẽ về cuộc đời.
Rilke trả lời: “Không một ai có thể khuyên nhủ hay giúp đỡ anh. Chỉ có một con đường duy nhất. Đi sâu vào con người anh. Tìm kiếm lý do bắt buộc anh phải viết, tìm xem nó có cắm rễ vào trong những nơi sâu thẳm trong trái tim anh hay không hãy thú nhận với mình rằng liệu anh có thể chết nếu không được viết hay không".
Câu trả lời này khiến chúng ta nhớ đến những lời thơ đẹp, giản đơn mà dữ dội của Charles Bukowski trong bài thơ Anh muốn làm nhà văn ư? (So you want to be a writer): “...trừ khi nó từ linh hồn anh lao ra như một tên lửa - đừng viết".
Rilke cũng viết thêm: “Quan trọng nhất là, hỏi chính mình trong những thời khắc thinh lặng của đêm: Ta có bắt buộc phải viết? Đào sâu trong chính mình để lấy ra một câu trả lời. Nếu câu trả lời là có, nếu anh có thể đối diện câu hỏi nghiêm túc này bằng một câu trả lời đơn giản 'Ta phải viết', thì lúc đó hãy xây dựng cuộc đời theo sự khẩn thiết này".
Trong phần sau của bức thư đầy nhiệt thành và trìu mến, Rilke đưa cho chàng trai những lời khuyên vừa thực tế vừa thấm đẫm chất thơ:
“Hãy cố gắng, như con người đầu tiên trên mặt đất, nói điều anh nhìn thấy và những trải nghiệm, nói về tình yêu và mất mát… Vì thế hãy tìm những đề tài thông thường và tìm kiếm những điều mà đời sống thường nhật mang lại, mô tả những nỗi buồn đau và khát vọng, những suy tư thoáng qua và niềm tin vào một vẻ đẹp nào đó - hãy mô tả tất cả với một lòng chân thành đầy thương yêu, trầm tĩnh và khiêm tốn, hãy dùng những thứ xung quanh, những hình ảnh trong giấc mơ, những sự vật trong ký ức để biểu đạt chính mình".
Thi hào Rainer Maria Rilke. |
Trong bức thư, Rilke cũng khéo léo đưa ra định nghĩa về nghệ sĩ và chúng ta cần làm gì để trở thành một “con người của cái đẹp”:
“Tôi không biết khuyên anh điều gì ngoài điều này: đi sâu vào trong lòng mình và thăm dò những chiều sâu nơi đời sống của mình bắt nguồn, tại cội gốc đó anh sẽ tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi anh có buộc phải sáng tạo hay không. Hãy đón nhận những thanh âm của nó, không dò hỏi thêm. Có lẽ từ đó anh được gọi là một nghệ sĩ. Nếu thế thì hãy mang lấy số phận này, gánh lấy sức nặng và sự vĩ đại của nó, mà không đòi hỏi một phần thưởng nào có thể đến từ bên ngoài".
Đây là bức thư nổi tiếng và được đọc nhiều trong thế kỷ XX của thi sĩ Áo vĩ đại Rainer Maria Rilke. Một bức thư sâu sắc cho những người đang và sẽ trở thành nhà văn, nhà thơ, hay những ai muốn bày tỏ nội tâm mình. Rilke đã nhấn mạnh điều mà rất nhiều văn hào, thi hào đã khẳng định: cái quan trọng nhất là đi sâu khám phá và thể hiện sự thực bên trong tâm hồn mình.