Những ngày gần đây, các lối vào thủ đô New Delhi của Ấn Độ gần như tắc nghẽn. Hàng trăm nghìn nông dân đổ về thành phố để biểu tình phản đối luật nông nghiệp mới của chính phủ. Phần lớn nông dân cho rằng đạo luật này đi ngược lại lợi ích của họ.
Hàng chục nghìn cảnh sát và lính bán vũ trang đã được triển khai để ngăn chặn các đoàn tuần hành. Đụng độ nổ ra giữa nông dân và cảnh sát. Ở một số nơi, cảnh sát đã bắn đạn hơi cay và xịt vòi rồng vào nông dân để đẩy lùi họ.
Một trong những điểm nóng mới nhất trong cuộc biểu tình này là hình ảnh một cảnh sát dường như đang tấn công một người biểu tình lớn tuổi.
Bức ảnh cảnh sát vung gậy vào một lão nông biểu tình ở Ấn Độ đang gây xôn xao dư luận. Ảnh: PTI. |
Bức ảnh nhức nhối
Bức ảnh cho thấy một lão nông râu bạc trắng đưa tay lên che chắn trong khi một cảnh sát bán vũ trang đang vung dùi cui chuẩn bị tấn công ông. Hình ảnh được Ravi Choudhary - một phóng viên ảnh của Press Trust of India (PTI) - chụp vào ngày 27/11 tại biên giới Singhu ở phía tây bắc Delhi, khi nông dân và những người biểu tình cố gắng vượt qua các hàng rào chắn để tiến vào thành phố.
Anh Ravi Choudhary thông tin tới Boomlive - một trang web kiểm chứng tin tức: “Họ ném đá, phá vỡ các rào chắn. Thậm chí có một chiếc xe buýt bị hư hại do đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình”.
Choudhary cũng khẳng định cảnh sát bắt đầu sử dụng vũ lực với nông dân khi căng thẳng giữa hai bên leo thang. Lão nông trong bức ảnh anh cung cấp cũng bị trúng đạn.
Nông dân biểu tình đang cố gắng đẩy lùi rào chắn của cảnh sát để tiến vào thành phố. Ảnh: Getty. |
Bức ảnh sau đó đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội với hàng chục nghìn lượt chia sẻ.
Rất nhiều người đã chia sẻ bức ảnh kèm dòng chữ "Jai Jawan, Jai Kisan" (tạm dịch: người lính muôn năm, nông dân muôn năm). Đây là khẩu hiệu do cựu Thủ tướng Ấn Độ Lal Bahadur Shastri nêu ra vào năm 1965 trong cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của người lính và người nông dân trong việc xây dựng đất nước.
Rahul Gandhi, lãnh đạo cấp cao của đảng Quốc hội đối lập, cũng chia sẻ: "Đó là một bức ảnh đáng buồn. Khẩu hiệu của chúng tôi là ‘Jai Jawan, Jai Kisan’, thế mà ngày nay người lính chống đang lại nông dân. Điều này rất nguy hiểm", ông viết.
Vào bàn đàm phán
Amit Malviya, người đứng đầu bộ phận công nghệ thông tin của đảng Nhân dân Ấn Độ cầm quyền, đã nêu lên mối nghi ngờ của ông về bức ảnh và thông tin mà anh Gandhi cung cấp. Ông đăng tải một video dài 3 giây để khẳng định rằng người nông dân trong ảnh không hề bị tấn công.
Tuy nhiên, nhiều người dùng Twitter đã chỉ ra rằng video của ông Malviy bị mạng xã hội này gắn nhãn “nội dung đã qua xử lý”. Điều này khiến bài đăng của ông không nhận được nhiều sự tin tưởng.
Tuyên bố của Malviya cuối cùng bị trang Boomlive lật tẩy là không đúng sự thật. Họ đã tìm được các đoạn video dài hơn và tìm gặp được ông Sukhdev Singh, lão nông trong bức ảnh.
Trang web này đưa tin rằng không chỉ một, mà có đến hai nhân viên an ninh đã nhắm đến ông. “Ông Singh đang ở khu vực giữa Haryana - Delhi. Ông ấy nói với chúng tôi rằng ông bị thương ở bắp tay, lưng và bắp chân", theo Boomlive.
Amit Malviya, người đứng đầu bộ phận công nghệ thông tin của đảng Nhân dân Ấn Độ, đăng video ngắn khẳng định người nông dân trong hình không bị tấn công. Boomlive sau đó tìm được vật chứng và nhân chứng để phản bác lại tuyên bố này. Ảnh: Boomlive. |
Trước sức nóng của cuộc biểu tình, nhà chức trách Ấn Độ đã mời các đại diện của người nông dân vào bàn đàm phán. Ngày 1/12, buổi đàm phán đầu tiên thất bại. Buổi đàm phán thứ hai diễn ra vào ngày 3/12.
Nông dân đã dựng lán một tại số địa điểm ở rìa thành phố và tuyên bố rằng họ sẽ ở đây đến khi nào chính quyền đồng ý bãi bỏ “luật đen”. Họ thậm chí cũng đã mang theo nhiều gạo, ngũ cốc cũng như nồi niêu để nấu nướng. Các nông dân khẳng định họ đã chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài.