Biên đạo múa Annie-B Parson ví bóng đá như điệu nhảy tập thể. Ảnh: Atlantic. |
Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đang đi tới chặng cuối. Những diễn biến đầy bất ngờ của kỳ World Cup với nhiều “lần đầu” trong lịch sử hứa hẹn sẽ đem đến cho người hâm mộ thêm những gia vị thú vị.
Trong khi các "bữa tiệc bóng đá" được chuyên gia phân tích mổ xẻ, Annie-B Parson - biên đạo múa và là tác giả cuốn sách Vũ đạo của cuộc sống hàng ngày - đã chỉ cho độc giả thấy còn có một cách khác để xem bóng đá.
“Mặc dù tôi biết rất ít về bóng đá, tôi thích sự tương tác phức tạp và mãnh liệt của các cơ thể”, bà viết trên Atlantic.
Bóng đá và khiêu vũ
Đây là những gì Parson thấy trong các trận đấu: Bóng đá là một điệu nhảy tập thể căng thẳng với nhịp độ nhanh trên sân khấu xanh lá cây hình chữ nhật.
Đối với biên đạo múa, các cầu thủ là những “sinh vật nhà nghề".
“Họ hoạt động đầu và ngực song song với chân… Cánh tay, chỉ cần đung đưa không cần thiết, là phạm luật. Phần thân trên xoắn lại và xoay, bổ nhào và cúi xuống”, Parson mô tả.
Olivier Giroud của Pháp ghi bàn thắng tại trận đấu với Anh. Ảnh: Reuters. |
Kỹ thuật điêu luyện của họ thể hiện ở bàn chân: Đôi khi mạnh và dài, như khi phát bóng lên, đôi khi lại rất nhỏ và chính xác, như khi đưa bóng vượt qua những đối thủ khác, bà cho biết.
“Các nhóm hai hoặc ba hình thành và phân tán theo nhịp độ cao với những khoảng dừng căng thẳng”, Parson viết. “Trong chốc lát, họ có thể uốn cong và thậm chí giữ lưng mình thành hình cung để có thể tiếp bóng”.
Theo bà, về cơ bản, “cả khiêu vũ và bóng đá đều bao gồm việc cơ thể di chuyển xuyên thời gian và không gian. Nhưng khoảng cách giữa bóng đá và khiêu vũ nằm ở mục đích khác nhau của chúng".
Parson cho biết bóng đá tập trung vào các bàn thắng và chiến đấu để ghi bàn, tính thẩm mỹ của nó được định hình bởi điều này. Trong vũ đạo, tính thẩm mỹ được người nghệ sĩ mài dũa và định hình theo thời gian, và bản thân chúng là một cuộc đấu không có mục tiêu cố định.
“Tuy nhiên, những người hâm mộ bóng đá say mê nhắc tôi nhớ đến một khái niệm từ khiêu vũ: Sự đồng cảm về mặt vận động”, Parson chia sẻ.
Theo Parson, khi chúng ta xem ai đó nhảy trên sân khấu, dường như cơ thể của chính chúng ta cũng đang nhảy bên trong tâm thức. Khi chúng ta xem một cầu thủ bóng đá nhảy lên để đánh đầu, chuyển động lên xuống đó cũng được phản ánh trong chúng ta.
Tại các sân vận động World Cup, các quán bar địa phương hay bất cứ đâu trước màn hình tivi, hành động vô thức bắt chước đều có thể thấy.
“Giống như các cầu thủ, chúng ta cũng đứng lên và ngồi xuống. Vì mục đích của chúng ta là chứng kiến đội mình giành chiến thắng, bản thân trận đấu là lý do chúng ta ở đây. Vũ điệu của nó diễn ra bên trong chúng ta bất kể kết quả ra sao”, Parson viết
Parson ví bóng đá như điệu nhảy tập thể với nhịp độ nhanh trên sân khấu hình chữ nhật màu xanh lá. Ảnh: Reuters. |
Những người hâm mộ cũng tham gia chia sẻ cảm xúc: vui vẻ, giận dữ, đau buồn. Tiếng la hét, hô vang và vỗ tay, đi kèm với những điệu nhảy.
“Chúng ta cho phép cảm xúc của mình được tự do”, Parson viết. “Dường như chính những người lớn trong phòng là cầu thủ trên sân. Họ đang làm việc, tập trung cao độ khi theo dõi trận đấu”.
Những điệu nhảy tại World Cup
Đôi khi, có những phần kết kỳ lạ trong “buổi biểu diễn". Trong trường hợp hòa bất phân thắng bại, thời gian trôi chậm lại và đội bóng bước vào loạt sút luân lưu để giải quyết thế bế tắc.
Đó là sẽ là thời gian dành cho “màn song ca giữa cầu thủ thực hiện quả sút luân lưu và người thủ môn vĩ đại”.
“Nó trở thành thứ khiến người hâm mộ phải chịu đựng - một cuộc khủng hoảng. Nó làm cho trận đấu trở thành trải nghiệm về lòng dũng cảm, lòng trung thành và sự sống còn đối với khán giả”, Parson cho hay.
Khi trận đấu kết thúc, tiết mục cuối cùng được diễn ra, nhưng lần này vai chính là người hâm mộ.
Tuần trước, khi đang đi bộ từ nhà hát ở Lyon, Pháp về nhà, Parson đã nghe thấy đám đông thanh niên đang hát. Khi rẽ vào góc phố, bà nhìn thấy một nhóm cổ động viên Morocco đang ăn mừng với những lá cờ trên thực tế chỉ là mảnh vải đỏ.
Người hâm mộ Morocco ăn mừng sau trận đấu. Ảnh: Reuters. |
Họ giơ cao cánh tay và nhảy vào những khoảnh khắc nhất định của bài hát một cách đồng thanh, hoàn hảo. Đèn từ điện thoại của họ chiếu sáng những lá cờ đỏ giữa bầu trời tối. Đó là một vũ đạo đẹp.
Đó cũng là thời điểm Morocco đánh bại Canada để lọt vào vòng đấu tiếp theo. Và những cổ động viên của họ đang thể hiện niềm vui theo cách phổ biến: Thông qua khiêu vũ.
Không chỉ ở Pháp, tại thành phố cảng Casablanca ở quê nhà Morocco, người dân cũng ồ ạt đổ ra đường để ăn mừng chiến thắng lịch sử của đội nhà.
“Mọi người nhảy múa và sẽ tiếp tục ăn mừng cả đêm”, phóng viên Nicolas Haque của Al Jazeera tường thuật từ Casablanca.
Bên cạnh đó, tại World Cup, sau mỗi bàn thắng, đôi khi người ta cũng chứng kiến những vũ điệu ăn mừng thực sự trên sân cỏ. Nổi bật trong mùa giải này là màn nhảy múa ăn mừng của thầy trò huấn luyện viên Tite trước Hàn Quốc tại vòng 16 đội.
Hành động này là một phần của chiến dịch ủng hộ tuyển thủ Vinicius Junior. Tuyển thủ Brazil từng phải hứng chịu những nhận xét phân biệt chủng tộc bắt nguồn từ một điệu nhảy ăn mừng bàn thắng hồi giữa tháng 9.
"Vua bóng đá" Pele sau đó đã khẳng định những điệu nhảy chỉ mang đến sự vui vẻ và nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc.
"Bóng đá là niềm vui. Đó là một điệu nhảy, một bữa tiệc thực sự. Mặc dù nạn phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại, nhưng chúng tôi sẽ không cho phép điều đó ngăn cản mình tiếp tục mỉm cười", NBC dẫn lời Pele.
"Rê bóng, nhảy múa và là chính bạn! Hãy hạnh phúc theo cách của bạn", Neymar viết trên trang cá nhân.
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...