Ngày 12/11, cư dân mạng đồng loạt chia sẻ hình ảnh một hóa đơn nhà hàng dành cho nhóm 4 khách nam với mức chi trả lên tới 7,7 triệu đồng. Theo vợ của một khách dùng bữa tại nhà hàng, hóa đơn thể hiện 4 người dùng hết 15 chiếc khăn bông, 6 bình nước đỗ đen loại 1,5 lít, đĩa thịt chim 3 con giá 1,44 triệu, đĩa rau sống gần 200.000 đồng là quá đắt đỏ.
Trao đổi với phóng viên Zing.vn, ông Trường Anh, quản lý nhà hàng A'bunadh, cho rằng mức giá này không phải quá cao nếu tính trên dịch vụ mà khách hàng được hưởng.
"Khách tự mang rượu tới nhà hàng và được phục vụ bởi 6 nhân viên, trong đó có một bar trưởng chỉ làm nhiệm vụ rót rượu. Vì biết loại rượu của khách là rất đắt đỏ, nên chúng tôi đã sử dụng ly chuyên dụng, đồng thời tặng nước suối nguồn để thử rượu. Đây là loại nước rất đắt đỏ", ông Trường Anh cho biết.
Hóa đơn 7,7 triệu đồng bị khách hàng thắc mắc là quá đắt đỏ và có nhiều chi tiết vô lý. Ảnh: FBNV. |
Giải thích thắc mắc lớn nhất của khách hàng về việc 4 người uống hết gần 10 lít nước trong khoảng thời gian ngắn, theo quản lý này, đây là số lượng nước cần thiết để trung hòa loại rượu rất mạnh mà khách hàng sử dụng.
"Đồ uống của khách mang tới có nồng độ cồn tới hơn 50 độ, cao đến mức có thể đốt cháy được. Trong thời gian từ 18h30 đến 23h30, để 4 người có thể uống hết 2 chai rượu này, thì lượng nước dùng như thế là không quá nhiều", quản lý nhà hàng khẳng định.
Ông Trường Anh còn bổ sung, đỗ đen mà nhà hàng sử dụng nấu nước là loại ruột xanh chuyên dùng để giã rượu cho khách. "Giá của mỗi ly nước đỗ đen này không khác so với nước cam. Khách hàng có thể thoải mái trả giá nước cam tới 80.000 đồng, tại sao lại thắc mắc về một bình nước đỗ đen giá tương tự".
Riêng về lời phàn nàn của khách với món ăn gồm đĩa chim 3 con giá 1,44 triệu đồng, rau sống gần 200.000 đồng, đĩa hoa quả giá 540.000 đồng và phí phục vụ rượu, đại diện của A'bunadh cũng cho rằng, đó là nhận định cảm tính.
"Mỗi con chim chỉ cắt được 4 miếng, nên chúng tôi có làm đủ hay không thì khách sẽ nhận ra ngay. Riêng với phí phục vụ, bình thường các nhà hàng khác sẽ tính trên 30-40% giá của chai rượu khách mang tới. Đây là chi phí cơ hội nhà hàng tính nếu phục vụ rượu của mình cho khách. Tuy nhiên, vì người đặt bàn là khách quen, nên chúng tôi chỉ lấy chi phí tượng trưng 500.000 đồng", đại diện nhà hàng khẳng định.
Người quản lý này cũng nhấn mạnh, nhà hàng của anh có diện tích 200 m2, thuê trên con phố Lý Thường Kiệt đắt đỏ từ năm 2007 đến nay chỉ với 6 phòng ăn. "Với mức giá như trên và dịch vụ đi kèm, thực ra nhà hàng đã phục vụ nhóm khách trên mà không hề có lãi", anh Trường Anh nói.
Bình luận về hóa đơn bữa tối gần 8 triệu đồng trên, anh Lương Nguyễn Định Phương, quản lý Au Manoir De Khai, một trong những nhà hàng cao cấp, cho biết, tùy vào chất lượng nhà hàng, mục tiêu của khách mà mức giá này có hợp lý hay không. Ngoài ra, mức giá còn tùy thuộc vào tỷ lệ lợi nhuận dự kiến của nhà hàng, sau khi trừ đi các chi phí nguyên liệu, nhân công, thuê mặt bằng.
Về phí phục vụ rượu, anh Phương cho hay, thông thường mức này sẽ được tính trên giá trị sản phẩm mà khách mang tới. Thực tế, các nhà hàng có thể chọn cách yêu cầu khách không mang rượu vào, hoặc trả mức phí tối thiểu 30-100 USD nếu khách muốn dùng đồ uống tự mang đi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhà hàng phục vụ miễn phí rượu của khách, nhưng yêu cầu người dùng phải đạt hạn mức chi trả bữa ăn tối thiểu theo quy định.
"Nhà hàng có thể miễn phí phục vụ rượu nếu khách chi dùng số tiền tối thiểu, hoặc sử dụng menu đặc biệt nào đó theo quy định. Nói chung, khách và nhà hàng cần thống nhất trước khi phục vụ, để tránh những rủi ro có thể nảy sinh khi thanh toán", anh Phương nói.
Giám sát nhà hàng 4 sao Super Hotel, anh Vũ Văn Thủ, cho biết, tổ hợp nhà hàng này có phục vụ khăn ăn mỗi người một chiếc và sẽ mang thêm nếu khách yêu cầu, chứ không tự ý liên tục thay khăn vì thấy bẩn, như trường hợp của nhà hàng phục vụ bữa ăn gần 8 triệu nói trên.
"Giá một đĩa rau sống như vậy cũng hơi quá lố. Song, còn tùy thuộc loại rau đó gồm những món cao cấp như thế nào. Hiện tại, tổ hợp nhà hàng thường tính rau kèm theo món ăn. Nếu khách có nhu cầu gọi thêm, chỉ có giá dưới 100.000 đồng một đĩa", anh Thủ chia sẻ.
Theo khảo sát, giá thuê địa điểm nhà hàng với diện tích sàn 200 m2 tại khu vực đường Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện dao động từ 200 đến 250 triệu đồng một tháng.