BTV Nguyễn Mỹ Linh là nhà báo thường trú của VTV tại Paris. Những ngày qua, khi chính phủ Pháp bắt đầu phong tỏa thành phố, hạn chế người dân đi lại, nhà báo Nguyễn Mỹ Linh vì công việc vẫn ra đường tác nghiệp khi cần.
Trong bài phỏng vấn với Zing.vn, chị chia sẻ về cuộc sống của người Pháp khi phải “chiến đấu” với Covid hàng ngày và những điều ý nghĩa chị cảm nhận trong quãng thời gian khó khăn này.
Người Việt chịu khó và thích ứng nhanh với hoàn cảnh
- Mới hôm qua chị chia sẻ một bé gái 16 tuổi ở Pháp qua đời vì virus corona, thông tin đó khiến chị sốc?
- Tất nhiên là tôi rất sốc. Hoá ra tất cả những gì chúng ta nghĩ là hiểu về virus corona chưa phải là tất cả. Julie đã chết để mọi người hiểu rằng virus tấn công cả trẻ vị thành niên chứ không phải chỉ có người già hay có bệnh nền như ban đầu chúng ta nghĩ. Đó là hồi chuông báo động cho các bạn trẻ, những người vẫn nghĩ rằng tuổi trẻ là một lá chắn an toàn với loại virus này.
Bên cạnh đó, tôi cũng tự đặt câu hỏi rằng Julie có thật là người vị thành niên đầu tiên tử vong hay công tác chia sẻ thông tin về dịch bệnh còn lỗ hổng. Tôi nghĩ nhiều về việc này. Chỉ một thông tin quan trọng được truyền tải đúng lúc và kịp thời, nó giúp công việc phòng tránh dịch thay đổi đi nhiều. Từ bây giờ chúng ta sẽ phải nhìn khác về việc phòng tránh bệnh.
- Cuộc sống của chị và gia đình trong những ngày Paris phong toả đã thay đổi như thế nào?
- Tôi nghĩ như tất cả người Pháp, chúng tôi phải ở trong nhà, trẻ con quanh quẩn học bài online, chơi và bày ra những trò nhố nhăng để đỡ chán.
Có một điều khác trong cuộc sống của cá nhân tôi là vẫn tiếp tục làm việc vì ở nhà vẫn cần chúng tôi đưa tin, nhất là giai đoạn này. Tin tức xác thực, có trải nghiệm và chứng kiến của nhà báo Việt Nam cũng sẽ khác với lấy hình ảnh của các hãng thông tấn nước ngoài.
Điều khác nữa là chúng tôi vẫn theo dõi tình hình ở Việt Nam. Gia đình, người thân, bạn bè tôi và các con tôi vẫn ở đó. Chắc là chúng tôi có cảm xúc gấp hai người Pháp bình thường với mọi sự kiện.
Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh tác nghiệp trong ngày đầu tiên Paris bị phong tỏa. Ảnh: NVCC. |
- Dịch tràn đến châu Âu, với những con số gây sốc về người nhiễm và tử vong mỗi ngày được cập nhật từ Italy, Anh, Tây Ban Nha… Pháp đối diện với tình hình này như thế nào, chị có thể chia sẻ ?
- Với quan sát của cá nhân tôi thì giai đoạn 1, nghĩa là giai đoạn ngăn cho dịch không vào trong lãnh thổ, Pháp đã khá chủ quan, thông tin rằng dịch chỉ như cúm mùa khiến người dân hầu như không quan tâm và thấy virus corona là điều gì đó xa vời, còn lâu mới đến nước Pháp. Tuy thế, đến cuối tháng 2 thì nước Pháp như bừng tỉnh, chính phủ cũng như người dân đã ý thức được quãng đường mười mấy nghìn km chỉ là thời gian của một chuyến máy bay mang người bệnh vào lãnh thổ.
Rồi người chết, bệnh viện quá tải đã khiến người ta nhận ra ngay những nhầm lẫn trong giai đoạn một và mọi biện pháp được ban hành khá kịp thời như đóng cửa trường học, dừng mọi hoạt động có đông người tham gia từ bảo tàng, cho đến nhà hàng, đóng cửa biên giới, chuẩn bị có thể cả lệnh giới nghiêm.
Nhưng có một điều tôi nghĩ khá thú vị ở đây là người Pháp không hoảng loạn, sợ hãi cuống cuồng mà dẫn đến những hành động quá khích, ví dụ như hình thành trào lưu ghét người Á đông dù một trong những người mang virus đầu tiên là một khách du lịch Trung Quốc.
Tất nhiên những hành động đơn lẻ kỳ thị người Á đông thì vẫn có nhưng thành làn sóng thì tuyệt đối không. Chuyện tranh giành vơ vét gom đồ tích hàng cũng không có. Với cá nhân tôi, đây có lẽ là một thái độ lịch lãm rất cần để con người không từ sự sợ hãi cái chết mà trở nên hoang dã, không vì bảo vệ cuộc sống của mình mà sẵn sàng cắn xé người khác.
- Đang sống ở Paris, chị đón nhận thông tin về dịch từ Việt Nam, từ các con số mỗi ngày tăng lên ở các nước châu Âu lân cận, với tâm thế ra sao?
- Nói không lo lắng là sai, nhất là khi dịch bùng phát thì tôi đang về Việt Nam ăn Tết cùng mẹ tôi và các anh chị em. Khi trở lại châu Âu, tôi nghĩ mình cũng bị ảnh hưởng ít nhiều tâm lý của người Pháp là không thấy quá lo lắng và nghĩ rằng thế nào Pháp cũng ứng phó được.
Tất nhiên, với công việc của mình thì cũng không thể để đầu mất tỉnh táo rơi vào trạng thái hoặc quá lo lắng hoặc quá chủ quan. Tôi nghĩ thời đại này chúng ta thật may mắn là có Internet để tiếp cận thông tin nhanh và nhiều nguồn, vì thế tâm trạng cũng không bị quá xáo trộn.
- Với góc nhìn và công việc của một nhà báo ở châu Âu, chị có thể chia sẻ về cộng đồng người Việt ở châu Âu nói chung, ở Pháp nói riêng trong những ngày này?
- Tôi nghĩ người Việt mình có một phẩm chất rất tốt, đó là chịu thương chịu khó và thích ứng nhanh với hoàn cảnh. Hiện tại, cộng đồng người Việt ở Pháp, như tôi biết không có vấn đề gì quá lớn. Cũng có những chuyện bị kỳ thị lẻ tẻ xảy ra, hay chuyện chủ nhà lo lắng vì thấy ai đó làm việc tại khu người Hoa hoặc sân bay. Họ có ý đòi nhà, nhưng nói chung mọi người đều chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau tốt.
Vừa rồi cộng đồng người Việt ở Đức, tại Berlin đã kêu gọi các chị em làm nghề sơn móng tay thu gom toàn bộ khẩu trang mà họ tích trữ sẵn đem tặng lại cho các bệnh viện. Tại Paris, nhiều bạn gái đã may khẩu trang để đem tặng những bạn không có, để ở siêu thị cho những ai cần thì có thể lấy. Tôi nghĩ những bạn như vậy thường không phải người giàu có dư dả, làm được thế trong lúc dịch bệnh là rất quý.
Paris những ngày qua trở nên vắng lặng. Ảnh: AFP/Getty. |
Thật ra tôi chỉ thương nhất là các em sinh viên. Nhiều em sống bằng công việc đi làm nhà hàng, mà nhà hàng đóng cửa đến cả tháng, có thể hơn. Chắc chắn nguồn sống của các em bị ảnh hưởng. Thôi thì an ủi là ở trong nhà, chẳng đi đâu, không tiêu pha gì cũng đỡ.
Bản năng người Việt là chịu khó xoay xở, hơn nữa sinh viên Pháp nhiều bạn cũng thế. Đây là lúc để các em tôi luyện khả năng sống còn, mà điều này thì người Việt có trong máu rồi, nên trụ được.
Tôi và các con không có kế hoạch về Việt Nam tránh dịch
- Nhiều người đã quyết định về nhà khi dịch đến châu Âu, chị và gia đình từng có suy nghĩ và lên kế hoạch về nhà hoặc đi tránh dịch?
- Không, lúc này là lúc cần có nhà báo, ai lại chạy ra khỏi "chiến trường" thế? Các con tôi cũng không có ý kiến này trong đầu, chắc vì các cháu đã quen với cuộc sống ở đây.
Nói thật là tôi cũng là người có máu phiêu lưu, những lúc như thế này tôi lại rất mong muốn được tìm hiểu, trải nghiệm. Muốn hiểu xem xã hội Pháp vận hành thế nào trong khủng hoảng, các chính sách của họ ra sao, tâm thế người dân thế nào, những phát kiến gì của cộng đồng có ích.
Những cuộc khủng hoảng như thế này sẽ để lại di chứng lâu dài trong xã hội, cả tốt cả xấu. Vậy thì mình càng cần có mặt để tìm hiểu. Với cá nhân tôi thì đây là một trải nghiệm vô cùng đáng quý cho nghề lẫn bản thân, chẳng có lý do gì để chạy đi đâu.
Các phóng viên thường trú của VTV, VOV, Nhân dân hay Thông tấn xã Việt nam ở châu Âu đều bám trụ cả mà, có ai chạy đi đâu đâu.
- Trên trang cá nhân, chị kể nhiều chuyện về cuộc sống đời thường, trên phố, bên kia đường, vẫn có tiếng violon- những ngày Paris phong tỏa. Chị có thể chia sẻ những câu chuyện xúc động, đáng nhớ, khiến chị có những trải nghiệm không quên?
- Người Pháp trong giai đoạn này hỗ trợ nhau rất nhiều, dưới đủ mọi hình thức. Ngành đường sắt miễn phí đi lại cho nhân viên y tế, siêu thị tăng lương cho người làm, cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau từ trông con cho cảnh sát hay y tá bác sĩ, đến đi chợ giúp người già hay người đang bị cách ly tại nhà.
Tôi nghĩ một xã hội trong cơn sợ chết rất dễ bị biến đổi tâm lý theo chiều hướng xấu mà phải rất lâu sau mới hồi phục. Họ chú trọng đến việc này để sau thảm dịch không phải đối mặt với bạo lực, trầm cảm. Tôi học được điều này và đặc biệt quan tâm đến vấn đề giải quyết khủng hoảng xã hội sau đại dịch từ ngay trong đại dịch.
- Dưới góc nhìn của chị, châu Âu đã và đang thay đổi như thế nào khi đối diện với dịch Covid-19, và liệu có hay không những bài học, dư chấn, hệ lụy cho họ sau cuộc khủng hoảng này?
- Tôi nghĩ không riêng châu Âu, đất nước nào bước ra sau trận dịch này cũng có những hệ luỵ ít nhiều, ngay cả trong nhiều gia đình cũng sẽ có. Có cả tốt, cả xấu.
Chắc phải rất nhiều thời gian sau những dư chấn, thì sự tốt xấu đó mới cho thấy hết mọi mặt của nó. Hiện tại nói thì còn hơi sớm, nó phụ thuộc vào giai đoạn tiếp theo, chúng ta đối mặt và giải quyết việc bảo vệ sĩ số và chất lượng của chúng ta thế nào.
Các quốc gia trên thế giới vẫn đang gồng mình chống dịch bệnh. Ảnh: REUTERS. |
- Với chính mình, trải qua những ngày này, chị có nghĩ mình cũng có những thay đổi trong suy nghĩ về cuộc sống?
`- Chẳng mấy khi chúng ta có nhiều thời gian đóng cửa trong nhà như thế, nhìn cuộc sống trôi qua chầm chậm như thế, nghe nói về số người chết đều đặn tăng lên mỗi ngày như thế và phải chống lại một thế lực chẳng nhìn thấy mặt, chẳng biết đâu mà lần. Chẳng lẽ tinh thần và tình cảm không bị tác động gì?
Tôi nghĩ mình cũng như nhiều người bình thường khác thôi, nghĩ nhiều về cuộc sống, đặt ra những câu hỏi, đặt lại những vấn đề mà mình từng nghĩ trước đây. Tôi chỉ đang phán đoán xem sau thảm dịch này thì con người có sống khác đi hay không, từ tốn lại hay không?
Những năm gần đây, từ người Á đông cho đến phương Tây, đều nói nhiều đến sự bền vững trong phát triển, cân bằng trong đời sống. Nói thì nói nhưng vẫn lao vù vù, chủ nghĩa tiêu dùng vẫn chi phối con người, vậy với cú phanh gấp nay loài người sẽ ra sao? Tôi hình dung và hy vọng một thế kỷ có nhiều chỗ cho nghệ thuật và khoa học nhân văn, tôi vừa vặn với nó hơn.
- Với công việc của một nhà báo tác nghiệp, chị muốn thể hiện điều gì, góc nhìn như thế nào, trong những tác phẩm của mình về dịch bệnh?
- Tôi giờ là phóng viên thường trú của VTV, tức là người đưa tin thời sự. Tôi nghĩ đã là người đưa tin thì quan trọng nhất là trung thực. Bạn đưa lại thông tin một cách trung thực nhất, đúng với bản chất của nó dưới khả năng quan sát, phân tích vấn đề của mình.
Tôi không ép cuộc sống theo góc nhìn của mình. Tôi chỉ ghi lại nó và chuyển đến khán giả. Tuy thế, cá nhân tôi quan tâm đến những yếu tố con người dưới mọi khía cạnh, vì suy cho cùng điều gì thành hay bại chẳng từ ứng xử của con người với thiên nhiên và đồng loại.