Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh của VTV hiện sống và làm việc tại Paris, Pháp. Khoảng hơn một tháng qua, quốc gia châu Âu này cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Theo thống kê mới nhất, số ca tử vong vì dịch bệnh tại Pháp là hơn 2.000 người.
Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khiến cuộc sống của người dân trên khắp thế giới bị đảo lộn. Thế nhưng, quan trọng hơn, trong những ngày khó khăn, nhiều người vẫn giữ tinh thần lạc quan, truyền động lực cho nhau cùng "chiến đấu".
Từ Paris, nhà báo Nguyễn Mỹ Linh chia sẻ những câu chuyện thường ngày của cô trên trang cá nhân, từ ngày chính phủ bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa (ngày 17/3), yêu cầu người dân không ra đường nếu không có việc cần thiết.
Dịch bệnh như một cú ngã xe
Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh cho biết những ngày đầu có lệnh cách ly, thời tiết Paris rất đẹp, nhiều người vẫn ra đường tập thể dục, hít thở khí trời, trong đó có cả người già.
Thành phố không hẳn bị đóng băng hay chìm trong bóng tối. Song, điều quan trọng là người Pháp đã ý thức hơn về việc bảo vệ sức khỏe cũng như mức độ nguy hiểm của virus.
Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh làm việc tại Pháp. Ảnh: NVCC. |
"Paris nhiều người ở chật chội, 15 ngày không ra đường sẽ điên. Tôi (nhà báo Nguyễn Mỹ Linh – PV) nhớ ra mấy bạn sinh viên tôi quen, ba đứa 10 m2 trên tầng áp mái, nằm chân gác lên valise. Tôi nhớ ra bà giúp việc, hai vợ chồng căn phòng 12 m... Chính phủ bảo cho ra đi chợ, đi chạy nhanh nhanh rồi về, là có lý. Dịch Covid cho mỗi người một cơ hội nhìn lại nhiều thứ. Hết dịch chắc nhiều người sẽ thay đổi. Xã hội thay đổi là tất nhiên rồi. Kinh tế ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều người nghèo đi, thậm chí trắng tay. Thân phận thay đổi".
"Các bạn Pháp sau nhiều tháng lơ mơ với dịch bệnh thì giờ bừng tỉnh lại nghĩ ra một chuyện cũng hay, là tối nào 20h mọi nhà cũng ra cửa vỗ tay để động viên các y bác sĩ. Paris toàn tiếng vỗ tay và hoan hô. Thôi thì thắp sáng bằng âm thanh cũng được" - trích bài viết ngày 19/3 của Nguyễn Mỹ Linh.
Paris dưới góc nhìn tích cực của nhà báo Nguyễn Mỹ Linh, trong những ngày bị phong tỏa, là tiếng chim hót líu lo, là ánh nắng rực rỡ, là cuộc sống chậm nhưng ý nghĩa, là lòng tốt giữa con người với nhau.
"Tôi đi quay. Đường phố Paris vắng người, tất nhiên vẫn có người đi làm, người đi mua bánh mì, người chạy. Không phải hoang mạc vắng tanh u ám, chỉ là thanh vắng. Tôi phỏng vấn ai cũng được. Tôi gợi ý nói chuyện với ai cũng thấy tươi cười. Tôi nhìn thấy những cụ già đi siêu thị, khi ra có người đi cùng gợi ý xách hộ một đoạn đường.
Tự nhiên tôi nghĩ hoá ra cô Vy (virus corona) bên cạnh việc tấn công loài người, làm âu lo đảo lộn tất cả thì cũng khiến người ta từ tốn lại, sống gần như người ta mơ ước bấy lâu - nghĩa là chậm lại”.
Nữ nhà báo chia sẻ thêm: “Con gái tôi chẳng thấy đau khổ gì vì không có quần áo mới. Không nói đến cũng chả sao. Facebook không thấy chị em nào than thở rằng ôi không có hàng Trung Quốc về em khổ quá thiếu đồ diện quá. Bạn bè tôi bảo ôi giời mất tiền đấy vì nhà hàng không bán được đấy nhưng ở nhà cắm hoa nấu ăn cũng thanh bình. Các bà mẹ Pháp cũng lôi máy khâu ra may khẩu trang".
"Tự nhiên tôi nhớ đến lúc bé đi xe đạp. Cô Vy như một cú phanh gấp làm ngã dập mặt, lúc đứng dậy sau khi phủi quần, phủi tay trầy máu thì lại nhận ra ơ bên đường cảnh đẹp phết, rồi đi từ từ, thấy hoá ra về đích cũng chỉ nhanh hơn vài phút mà bỏ qua nhiều thứ thú vị trên đường", Nguyễn Mỹ Linh chia sẻ tâm trạng lạc quan giữa mùa dịch.
Người Paris được ra đường một giờ mỗi ngày
Theo lời kể của Nguyễn Mỹ Linh, trong những ngày các ca nhiễm bệnh tăng cao, bệnh viện quá tải, người Paris vẫn được ra khỏi nhà một tiếng mỗi ngày để đi chợ và đi bộ hoặc chạy (có cảnh sát đứng trên đường để hỏi thông tin từng người khi cần). Ai đi quá xa nhà sẽ bị phạt. Trường hợp có thẻ nhà báo và đi tác nghiệp như Nguyễn Mỹ Linh thì mới được đi xa hơn. Điều cô cảm nhận là người dân luôn tỏ ra bình tĩnh, không hốt hoảng.
Paris nắng đẹp trong những ngày bị phong tỏa. Người dân được ra đường một giờ mỗi ngày. Ảnh: Nguyễn Mỹ Linh. |
"Nếu biết Paris chỉ ở những chốn xa hoa, với những câu chuyện vĩ mô hay sang chảnh, mới chỉ là một góc. Tôi rất thích được lang thang, để hiểu sao cái dân tộc có thể càm ràm rất nhiều về những chính sách của chính phủ, biểu tình từ ngày này sang tháng khác, nhưng từ khi có dịch, thật lòng tôi chưa gặp ai hốt hoảng hay cuống cuồng.
Số người chết tăng, đi siêu thị hay ra phố bắt đầu thấy người ta đeo khẩu trang, đeo găng tay, mua hàng hoá nhiều hơn trước, nhưng tôi chưa tận mắt thấy cảnh chen lấn giành nhau hàng hoá. Giấy toilet, ơn trời vẫn ê hề. Hôm nay hàng xóm bắt đầu thổi acmonica ở đâu đó vào giờ vỗ tay, chào nhau hẹn nhau tối mai gặp lại nhé" - trích nhật ký viết ngày 26/3 của Nguyễn Mỹ Linh.
Nhà báo kỳ cựu của VTV kể con trai cô đi học và ở cách gia đình vài dãy phố. Cậu bé học cách tự chăm sóc bản thân và không đồng ý cho mẹ đến chăm sóc ngay cả khi bị ốm.
"Sau đại dịch này, con chúng ta sẽ trưởng thành lên nhiều, cũng như chúng ta cũng sẽ trưởng thành lên ngay cả khi sắp già. Các cháu sẽ học được tự lo, còn chúng mình thì học được buông tay con từ từ, để nhìn chúng nó lớn.
Tôi cũng vậy thôi, con trai ở cách mấy dãy phố, mấy bữa nay bảo mẹ ơi con ho. Vậy sả đây, chanh đây, gừng đây, mật ong đây, con nấu một nồi buổi sáng, uống rả rích cả ngày, nhớ uống vitamine nhé, mở cửa sổ nhé. Nhiều khi cũng đấu tranh tư tưởng ghê lắm, hay là mình đi sang nấu hộ.
Con cũng không muốn. Có những tin nhắn gửi đi rằng hay mẹ mang đồ ăn cho con, cả chục phút sau mới nhận tin trả lời, thôi ạ. Mình đoán cu cậu cũng đấu tranh tư tưởng chứ không phải không, mười phút ấy là mười phút lưỡng lự".
Nguyễn Mỹ Linh nhắn nhủ đến mọi người: "Chúng ta bắt buộc phải ngộ ra cùng nhau nhiều điều qua đại dịch này, làm gì có cách khác. Và mình thì kiên quyết tin rằng, rồi sẽ ổn".
Covid đã cướp đi mạng sống của cô bé 16 tuổi
Ngày 27/3, Pháp tuyên bố đóng cửa biên giới và toàn quốc thêm hai tuần (đến 15/4). Nguyễn Mỹ Linh cho rằng trường hợp một bé gái 16 tuổi ra đi vì nhiễm Covid-19 như một lời cảnh tỉnh cho mọi người - đừng chủ quan và hãy thực hiện nghiêm túc lệnh hãy ở nhà.
"Cô bé được gia đình cho biết không có tiền sử bệnh nền, bắt đầu ho từ thứ 7 tuần trước, thứ 2 đi viện và mất vào thứ 6. Như vậy là lý thuyết Covid chỉ lấy đi mạng sống của người già đã không còn đúng. Nghĩa là các bạn trẻ vẫn nghĩ cô Vy không thử mình đâu, cô Vy chỉ gọi người già đi, là sai rồi. Trước là 80 tuổi, giờ là 50, 60 tuổi và hôm qua là 16 tuổi.
Thôi nào, nghiêm túc, đừng đùa. Nếu không thích bảo vệ mạng sống của mình thì bảo vệ mạng sống của người khác, con người khác, tình yêu và hy vọng của người khác. Ở nhà thôi. Ở nhà còn không cần khẩu trang và dành nó cho ngành y tế".
Pháp tuyên bố đóng cửa biên giới và toàn quốc thêm hai tuần đến 15/4. Ảnh: Nguyễn Mỹ Linh. |
Theo Nguyễn Mỹ Linh, trước tình trạng hạn chế đi lại, mua sắm còn kéo dài, các siêu thị, cửa hàng tại Pháp đã có những biện pháp khắc phục phù hợp, vừa hỗ trợ người dân, vừa đảm bảo sức khỏe.
Theo đó, các nhà hàng không mở cửa nhưng nhận đặt hàng online và ship đồ tận cửa (người ship hàng phải có đăng ký và được phép đi lại ). Siêu thị bán hàng một tiếng buổi sáng dành riêng cho người già vào trước.
"Ai đi chợ thì xếp hàng cách nhau ít nhất 1 m và giới hạn số người vào cửa hàng. Khu tôi ở thì cứ 30 phút họ lại cho một nhóm khoảng 6 người vào. Chợ đầu mối Rungis to nhất châu Âu thường chỉ bán cho nhà hàng, khách sạn đã bắt đầu nhận bán lẻ online và đưa hàng tại nhà bắt đầu từ tuần tới... Nghĩa là ở nhà nhưng ngành sản xuất nông nghiệp và thương mại không vì thế mà tê liệt. Không ra khỏi nhà nhưng không chết đói".