Ngày 29/2, ban tổ chức Hoa hậu Đồng bằng sông Cửu Long (tiền thân là Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long) thông báo không đồng hành cùng Nam Em trong cuộc thi năm 2024.
“Với tiêu chí tôn vinh vẻ đẹp nhân cách, trí tuệ, sắc đẹp cũng như rèn luyện bản lĩnh, tài năng của phụ nữ Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung, BTC Hoa hậu Đồng bằng sông Cửu Long nhận thấy đương kim Hoa hậu Nguyễn Thị Lệ Nam Em không phù hợp với tiêu chí và hình ảnh cuộc thi hướng tới. Cô ấy sẽ không đồng hành xuyên suốt hành trình cuộc thi diễn ra”, BTC thông báo.
Trao đổi thêm với Tri thức - Znews, đại diện truyền thông của cuộc thi cho biết cuộc thi sẽ khởi động vào giữa tháng 3. Những ngày qua, nhiều khán giả bình luận “tấn công” cuộc thi trên mạng xã hội và các nhà tài trợ cũng không đồng tình để Nam Em tiếp tục đồng hành. Do đó, ban tổ chức phải đưa ra thông báo chính thức.
Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008. Năm 2015, Nam Em đăng quang hoa khôi. Sau khi đổi tên cuộc thi, BTC cũng nâng danh xưng của Nam Em từ hoa khôi thành hoa hậu.
Những ngày qua, Nam Em liên tục gây xôn xao dư luận khi có những livestream được cho là “bóc phốt” đồng nghiệp. Không nhắc đích danh nhưng những chia sẻ của Nam Em trở thành chủ đề nóng trong công chúng.
Hoa hậu Đồng bằng sông Cửu Long thông báo không đồng hành cùng Nam Em. |
Chiều 28/2, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM cho biết sáng cùng ngày, Thanh tra Sở mời Nam Em lên làm việc để cung cấp thông tin trên các tài khoản mạng xã hội như giấy mời trước đó. Tuy nhiên, trên đường đến Sở Thông tin và Truyền thông, Nam Em có dấu hiệu sức khỏe không ổn định nên đã nhập viện cấp cứu.
"Ông Bùi Hữu Cường, đại diện của Nam Em đến làm việc và trình bày lý do cô không thể trực tiếp đến làm việc theo giấy mời. Ông Cường cũng cam kết Nam Em sẽ đến làm việc với Sở khi hồi phục sức khỏe", đại diện Sở Thông tin và Truyền thông nói.
Ngày 22/2, trong buổi họp thường kỳ ở Trung tâm báo chí, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nói: “Từ góc độ cơ quan quản lý, chúng tôi kiên quyết xử lý những trường hợp lợi dụng mạng xã hội để thu hút dư luận về phía mình bằng những hành vi, phát ngôn lệch chuẩn, vi phạm pháp luật. Ai cũng nghĩ không gian mạng là ảo nhưng hậu quả là thật. Do đó, mỗi người đều nên cư xử văn minh. Đó là điều chúng tôi muốn nói từ sự việc của Nam Em”.
Cuốn sách về mặt trái của mạng xã hội
Công nghệ là tiền đề và động lực chính thúc đẩy sự phát triển của xã hội loài người. Tuy nhiên, bản thân công nghệ cũng có những mặt trái không thể phủ nhận. Đó cũng là mảnh đất màu mỡ mà các tác giả có thể khai thác.
Qua cuốn The Twittering Machine, Richard Seymour đã phân tích kỹ lưỡng về những tác động tàn phá của “ngành công nghiệp mạng xã hội” đến đời sống cá nhân của con người. Tác giả chỉ ra cách các thông báo (notification) trên mạng xã hội đều hướng đến việc duy trì các chu kỳ tương tác dễ gây nghiện và trầm cảm.