Quốc vương Hassanal Bolkiah ngày 5/5 ra lệnh hoãn thực thi án tử hình đối với người quan hệ tình dục đồng giới.
Động thái được đưa ra sau những phản ứng gay gắt từ các tổ chức nhân quyền quốc tế và cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới), dẫn đầu bởi nhiều nhân vật nổi tiếng như George Clooney và Elton John, theo Guardian.
Đồng tính luyến ái bị xem là hành vi bất hợp pháp ở Brunei. Cuối tháng 3, chính phủ Brunei tuyên bố xem hành vi này là một tội hình sự chiếu theo bộ luật hình sự Sharia (SPCO) thực thi từ ngày 3/4. Luật cho phép tử hình bằng cách ném đá đến chết người mang tội ngoại tình hoặc quan hệ tình dục đồng giới.
Người dân Anh biểu tình phản đối bộ luật mới của Brunei bên ngoài khách sạn Dorchester tại London, thuộc sở hữu của Quốc vương Bolkiah. Ảnh: Rex. |
Luật cũng có hình phạt tử hình đối với tội hiếp dâm, cướp bóc hoặc phỉ báng nhà tiên tri Mohammad. Bộ luật chỉ áp dụng cho người Hồi giáo.
Brunei cũng áp dụng khung hình phạt tử hình với một số tội danh hình sự như giết người hay buôn bán ma túy. Tuy nhiên, kể từ thập niên 1990 đến nay, nước này chưa thực thi án tử hình nào.
"Tôi nhận thấy vẫn còn nhiều câu hỏi và cách hiểu sai về việc thực thi SPCO. Chúng tôi tin rằng một khi những khúc mắc này được giải đáp, mọi người sẽ nhận thấy rõ ý nghĩa của bộ luật", quốc vương Brunei phát biểu trước thềm tháng chay Ramadan của người Hồi giáo trên toàn thế giới.
"Trong hơn hai thập niên, chúng tôi áp dụng trên thực tiễn việc hoãn án tử hình với các tội danh trong bộ luật thường. Lệnh hoãn này sẽ được áp dụng cho các vụ án thuộc khuôn khổ rộng hơn của SPCO", ông tuyên bố.
Giới quan sát nhận định việc quốc vương giàu có của Brunei phản hồi những bức xúc từ cộng đồng quốc tế là điều hiếm khi xảy ra. Văn phòng của quốc vương còn công bố bản dịch tiếng Anh bài phát biểu để truyền thông dễ dàng tiếp cận.
"Bộ luật thường và bộ luật Sharia đều nhằm đảm bảo hòa bình và hòa hợp tại đất nước này. Các bộ luật đều mang ý nghĩa quan trọng đối với nỗ lực bảo vệ đạo đức và khuôn phép của xã hội, cũng như quyền riêng tư của mỗi cá nhân", Quốc vương Bolkiah nhấn mạnh.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền Michelle Bachelet. Ảnh: UN. |
Sau khi Brunei tuyên bố áp dụng bộ luật hà khắc, Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền, bà Michelle Bachelet, đã lên tiếng phản đối. Bà bày tỏ quan ngại bộ luật sẽ đánh dấu sự thụt lùi nghiêm trọng trong việc bảo vệ nhân quyền cho người dân Brunei.
Các tổ chức nhân quyền đã kịch liệt phản đối và kêu gọi Brunei "dừng ngay lập tức" việc thi hành các hình phạt mới. Bà Bachelet cho biết một loạt chuyên gia về nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã "bày tỏ sự quan ngại về các hình phạt tàn nhẫn, vô nhân đạo và thiếu phẩm giá" trong bộ luật mới của Brunei.