Brazil thời hậu Dunga: Trả lại sự quyến rũ cho Selecao
Brazilt thực dụng của Dunga đã thất bại, và giờ là lúc Selecao trở lại với Jogo Bonito, thứ bóng đẹp đã làm hàng triệu người hâm mộ mê mệt.
Jogo Bonito huyền thoại
Nếu như người Italy tự hào vì Catanaccio (phòng ngự bê tông), người Hà Lan tự hào vì Totaalvoetbal (bóng đá tổng lực) thì người Brazil cũng hoàn toàn có quyền ngẩng cao đầu với Jogo Bonito huyền thoại.
Theo tiếng Bồ Đào Nha, Jogo Bonito có nghĩa là “chơi đẹp”. Cụm từ này được tiền vệ Valdir Pereira “sáng tạo” ra nhằm chỉ cách chơi tấn công quyến rũ trong bóng đá. Thế hệ nối tiếp thế hệ, các cầu thủ Brazil cứ từng bước đưa Jogo Bonito lên một tầm cao mới, biến nó trở thành truyền thống, danh dự và lòng tự hào của cả dân tộc.
CĐV Brazil luôn nhớ Jogo Bonito, nhớ những nghệ sỹ sân cỏ như Ronaldinho |
Cùng với Jogo Bonito, đội tuyển Brazil đã 3 lần giành chức vô địch World Cup (1958, 1962 và 1970). Ngay cả khi thất bại trong việc chinh phục ngai vàng thế giới, những thế hệ cầu thủ Brazil tôn sùng Jogo Bonito như Gerson, Tostao, Falcao, Zico hay Socrates… vẫn được coi là những kẻ chiến bại vĩ đại.
Cái được nhiều nhất của Brazil-Jogo Bonito không phải là các danh hiệu mà chính là tình yêu của hàng triệu người hâm mộ. Brazil được các CĐV trên khắp thế giới yêu chuộng không hẳn vì họ sở hữu nhiều chức vô địch World Cup nhất (5 lần), mà chính là nhờ triết lý bóng đá tấn công đầy đam mê và bốc lửa, giống như điệu nhảy Samba cuồng say ở đất nước Nam Mỹ này.
Nhắc đến Brazil là người người hâm mộ nhớ tới những nhệ sỹ sân cỏ như Pele, Zico, Ronaldinho… những cầu thủ luôn biết làm xiếc với trái bóng, khiến các khán đài như vỡ tung bằng kỹ năng xử lý bóng đã được nâng lên tầm nghệ thuật.
Dunga thất bài chính vì đã thẳng tay loại bỏ Jogo Bonito |
Xét về mặt thành tích, Dunga đã dẫn dắt Brazil không hề tệ (bằng chứng là trong hai năm gần đây, Brazil mới chỉ thua đúng một trận, ghi được 69 bàn, để thủng lưới 17 bàn. Ngoài ra, Selecao còn bỏ túi hai danh hiệu vô địch: Copa America 2007 và Confed Cup 2009). Tuy nhiên, chỉ một thất bại trước Hà Lan, vị thuyền trưởng này đã phải khăn gói ra đi. Nguyên nhân chính khiến Dunga bị sa thải không phải là vì thất bại ở tứ kết mà chính là vì thứ triết lý bóng đá mà ông đang theo đuổi.
Kể từ khi lên nắm quyền, Dunga đã thẳng tay loại bỏ Jogo Bonito huyền thoại để thay vào đó là lối đá thực dụng, nặng về tính toán. Các nghệ sỹ sân cỏ như Ronaldinho, Pato hay Adriano cũng bị "đá bay" để nhường chỗ cho những “công nhân chơi bóng” như Gilberto Silva, Baptista hay Melo… Dunga đã vấp phải sự chỉ trích rất lớn bởi người hâm mộ bởi họ không thể chấp nhận một “Brazil xấu xí” khi mà đã quá quen với hình ảnh một Brazil hoa mỹ. Dunga “sống sót” là nhờ Brazil vẫn thành công với lối đá thực dụng, nhưng chỉ một thất bại thôi, người hâm mộ đã có cớ để “hất cẳng” vị thuyền trưởng này. “Thắng làm vua, thua làm giắc”, âu đó cũng là lẽ đời.
Đi tìm thuyền trưởng mới cho Selecao
Brazil thực dụng của Dunga đã thất bại, và giờ là lúc để Jogo Bonito trở lại với Selecao. Tuy nhiên, sẽ không hề dễ dàng để Liên đoàn bóng đá Brazil có thể tìm được một vị thuyền trưởng ưng ý.
Scolari là ứng cử viên sáng giá nhất cho chiếc ghế nóng |
Sau khi sa thải Dunga, Liên đoàn bóng đá Brazil đã lập ra một danh sách các ứng viên, trong đó 5 cái tên đứng đầu là Luiz Felipe Scolari (Palmeiras), Mano Menezes (Corinthians), Leonardo (cựu HLV của AC Milan), Muricy Ramalho (Flamengo) và Ricardo Gomes (Sao Paolo). Cả 5 cái tên trên đều là tín đồ của bóng đá tấn công nên đương nhiên người hâm mộ Selecao có quyền hi vọng sẽ lại được thấy một Brazil tấn công quyến rũ trong tương lai.
Xét về mặt tên tuổi và kinh nghiệm, Luiz Felipe Scolari đương nhiên là ứng cử viên số một. Đáng tiếc là vị thuyền trưởng từng giúp Selecao đăng quang năm 2002 trên đất Nhật-Hàn này lại không thực sự hào hứng với việc phá vỡ hợp đồng mới ký với Palmeiras để trở lại dẫn dắt đội tuyển quốc gia.
World Cup 2014 sẽ diễn ra trên đất Brazil nên tất cả đều hi vọng Selecao sẽ giành thành tích cao trên sân nhà. Để làm được điều đó, LĐBĐ Brazil cần phải cân nhắc kỹ lưỡng việc chọn ra cho đội bóng con cưng của mình một vị thuyền trưởng phù hợp.
Thành Giang
Theo DV