Nguyễn Tử Quảng bước ra sân khấu trong tiếng vỗ tay và ánh đèn flash nhấp nháy. Giơ cao chiếc điện thoại trong tay, ông tuyên bố đây là thiết bị sẽ làm thay đổi ngành công nghệ của Việt Nam mãi mãi: Một chiếc smartphone cao cấp được sản xuất trong nước.
Người đàn ông được ví như Steve Jobs của Việt Nam nói: “Chúng tôi đã làm được. Nó là dành cho bạn”.
Bphone là chiếc smartphone cao cấp đầu tiên được sản xuất ở Việt Nam. Tại triển lãm điện tử tiêu dùng diễn ra hồi tháng 1 ở Las Vegas, Bkav, một công ty xuất khẩu phần mềm diệt virus và an ninh có trụ sở tại Hà Nội, lần đầu tiết lộ về việc họ đã phát triển một chiếc điện thoại. Từ đó trở đi, mọi sự quan tâm cũng bắt đầu nổi lên. Công ty này đã nhận được 11.882 đơn hàng trong vòng 12 tiếng kể từ ngày ra mở bán hôm 2/6.
Ông Quảng, 40 tuổi, CEO kiêm đồng sáng lập công ty Bkav cam kết sản phẩm này sẽ còn đẹp hơn iPhone của Apple và thân thiện với người sử dụng hơn cả dòng Galaxy của hãng điện tử Samsung. Ông còn cho biết, thiết bị này sẽ có giá thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Bất chấp thực tế trước đây, Bkav chưa từng sản xuất điện thoại và các sản phẩm trong nước thường bị mang tiếng là có chất lượng kém.
Lấy cảm hứng từ thành công nhanh chóng của Xiaomi, Quảng đã nhìn nhận Việt Nam chỉ là bước khởi đầu cho Bphone. Trong lễ ra mắt 26/5, Quảng cho biết: “Mục tiêu cao nhất của chúng tôi là xây dựng một thương hiệu smartphone toàn cầu, được người sử dụng quốc tế yêu thích”.
Việt Nam là trung tâm xuất khẩu lớn về điện thoại và linh kiện của Samsung, Nokia, LG và các hãng khác. Đây cũng là một thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng. Theo ghi nhận của IDC, nhờ thu nhập ngày càng tăng, sự mở rộng của các mạng di động giá thành rẻ, tốc độ cao, người tiêu dùng Việt Nam đã mua 11,6 triệu smartphone trong năm 2014, tăng 57% so với năm ngoái. Một nghiên cứu của Google ước tính 36% trong tổng số 92 triệu dân của quốc gia này sở hữu smartphone.
Những tiềm năng chưa được khai thác
Các thương hiệu nước ngoài như Apple, Samsung, Sony, Nokia, LG, Asus của Đài Loan, Oppo của Trung Quốc đều là những cái tên nổi tiếng nhất hiện nay. Trong khi đó, dù các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm các các công ty viễn thông nhà nước như Tập đoàn Viettel và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đều bán ra các sản phẩm smartphone giá rẻ mang thương hiệu của mình nhưng đều không thể tìm được chỗ đứng. Thiết kế nghèo nàn, chất lượng thấp và thiếu đầu tư vào marketing khiến smartphone thương hiệu Việt bị giảm giá trị.
Quảng quyết định cho mọi người thấy Việt Nam có thể cạnh tranh với các thương hiệu khác ở cấp cao nhất. Trả lời trang Nikkei Asian Review, ông cho biết: “Chúng tôi là kẻ đến muộn trong thị trường, chúng tôi hiểu điều đó. Điều đó có nghĩa là chúng tôi phải tạo ra khả năng nhận dạng thương hiệu, chúng tôi phải tạo ra một sản phẩm tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã làm được điều đó với Bphone”.
Trong lễ ra mắt vừa rồi, hơn 2.000 phóng viên, những quan sát viên trong ngành, các blogger và nhiều khách VIP đã xuất hiện tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội để được là người đầu tiên chứng kiến tận mắt chiếc Bphone, hào hứng chờ đón sản phẩm này.
Trong buổi lễ ra mắt có kịch bản y hệt của Apple, Quảng xuất hiện với chiếc quần jean và áo phông đơn giản, trình bày về hàng loạt tính năng ấn tượng của chiếc điện thoại. Nó có thiết kế phẳng, bóng bẩy, màn hình 5 inch độ phân giải cao do Sharp sản xuất, chạy trên hệ điều hành Android Lollopop và sử dụng chip Qualcomm 801, tất cả đều tương tự như những chiếc smartphone cao cấp khác. Ông tự hào nhấn mạnh chiếc điện thoại có khả năng bảo mật ở mức cao và khả năng chuyển dữ liệu không dây nhanh chóng.
Bản 16 GB của Bphone có giá 9,99 triệu đồng (458 USD), rẻ hơn 40% so với iPhone 6 Plus. Phiên bản mạ vàng 128 GB có giá 20,19 triệu đồng.
Ít nhất trong thời điểm hiện tại, Bkav đang mô phỏng theo hình thức bán hàng của Xiaomi, tức là chỉ bán trực tuyến. Bphone chỉ được bán qua website của Bphone và cổng thương mại điện tử có tên gọi Vala. Mặc dù vậy, chiếc điện thoại này vẫn được trưng bày ở một số của hàng bán lẻ của FPT Shop và Mobile World trong một vài ngày theo thỏa thuận của Bkav. Công ty cho biết mình đang cố gắng kiểm soát doanh số để bảo vệ khách hàng tránh mua phải hàng giả hoặc những chiếc điện thoại đã qua sử dụng.
Ở Việt Nam, chiến lược của Bkav khá khác thường. Ví dụ như Apple đã rất thành công khi bán sản phẩm của mình tại các cửa hàng FPT. Một khảo sát của hãng nghiên cứu Epinion hồi đầu năm nay cho thấy, 86% người tiêu dùng Việt Nam thích mua smartphone và máy tính bảng tại các cửa hàng.
Nghi ngờ và đố kị
Trong ngày ra mắt, chiếc Bphone đã thu hút được hàng ngàn lời bình luận trên các diễn đàn trực tuyến, rất nhiều người trong đó tỏ ra nghi ngại. Một thành viên có tên Thỏ Xinh trên fanpage không chính thức của Bphone cho biết: “Sản phẩm của các bạn chưa được kiểm chứng qua thời gian và giá thì quá cao so với các smartphone nổi tiếng khác. Tôi không muốn phí tiền của mình vào một thử nghiệm”.
Nhiều lời chỉ trích đã hướng về CEO Nguyễn Tử Quảng. Ông đã phát triển phần mềm diệt virus đầu tiên từ khi còn là một sinh viên tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào giữa những năm 1990, trước khi trở thành đồng sáng lập của Bkav, công ty cung cấp dịch vụ an ninh mạng lớn nhất Việt Nam và là đối tác của Chính phủ vào 2001. Dù được khâm phục vì tự tạo dựng con đường đến thành công, Quảng cũng bị ghét vì tự tin thái quá và đưa ra những phát biểu quá táo bạo.
Trong trường hợp của Bphone, mọi người đã bị thất vọng vì sự thiếu minh bạch. Mức đầu tư của Bkav để phát triển sản phẩm, nguồn vốn và thậm chí địa điểm đặt nhà máy Bphone đều không được đưa ra công khai.
Quảng có xu hướng tạo ra dư luận mạnh mẽ vì một phần lý do xuất phát từ văn hóa. Theo phóng viên của một tờ báo nhà nước: “Việt Nam có kiểu tâm lý bầy đàn và nền kinh tế quản lý tập trung. Ở đây, tất cả các thành tích đều phải được gắn với một tập thể hoặc một tổ chức và vai trò của cá nhận bị xóa nhòa. Ngoài ra, nhiều người có xu hướng đố kỵ và sợ hãi trước thành công của người khác, đặc biệt là thành công xuất phát từ thực lực. Những người làm công nghệ có thể là những người đặc biệt ‘hung hãn’.”
Có thể lấy bằng chứng về sự đố kỵ này khi Đông Nguyễn, một lập trình viên sống tại Hà Nội, cha đẻ của Flappy Bird, một game mobile đình đám trên thế giới đã bị cộng đồng mạng Việt Nam chỉ trích và “ném gạch”. Nhiều người chế nhạo sáng tạo của anh là bắt chước, quá đơn giản và nổi tiếng một cách phi lý.
Tuy nhiên, đối với Quảng, cho đến nay đã có rất nhiều những phản ứng cả tiêu cực và cả tích cực trong cộng đồng mạng. Ông Nguyễn Hải Triều, CEO của YouNet Media, một công ty nghiên cứu thị trường truyền thông có trụ sở ở TP.HCM, cho biết: “Từ phân tích của chúng tôi, chúng tôi thấy rằng Bkav đã tạo ra khả năng nhận dạng thương hiệu tốt và một phần lớn trong đó là nhờ thương hiệu của chính Nguyễn Tử Quảng”.
Ông Triều hy vọng điều này dần dần sẽ biến thành doanh số. Ông nói: “(Mọi người) bắt đầu tin rằng Bphone có thể trở thành một cái gì đó lớn lao. Dường như nó sở hữu ba điểm mấu chốt trong việc bán hàng đó là giao diện tốt, camera tốt và thiết kế đẹp. Những người dùng đầu tiên sẽ sử dụng để khám phá và khai thác nó. Nếu thật sự tốt như vè bề ngoài, mọi người sẽ lan truyền về nó ra toàn thế giới”.
Ông Nguyễn Lâm, Giám đốc IDC tại Việt Nam, cho biết còn quá sớm để nói liệu Bkav có thành công trong việc quảng bá Bphone ra nước ngoài như họ đã từng làm với các sản phẩm an ninh hay không. "Nếu họ cạnh tranh với Apple, họ phải tạo ra một hệ sinh thái mạnh hơn và phải làm nhiều hơn việc tạo ra một chiếc smartphone".
Nếu chính bản thân Quảng có đôi chút nghi ngờ nào, ông sẽ chẳng thể hiện điều đó ra. Trong buổi lễ ra mắt, ông tuyên bố: “Đây là một ngày lịch sử cho ngành công nghệ Việt Nam. Chúng tôi đã làm ra Bphone vì chúng tôi yêu các bạn. Chúng tôi làm điều đó vì chúng tôi yêu Việt Nam".