Tại cuộc họp chiều 22/9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã đồng ý với đề xuất giảm 25% giá vé qua trạm trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Thời điểm giảm giá được Bộ GTVT đưa ra là từ 15/10 tới đây. Việc giảm giá theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ và Công ty Cổ phần đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết qua hai lần đàm phán điều chỉnh mức giá dịch vụ đường bộ, đơn vị này và nhà đầu tư mới thống nhất được mức giảm để trình Bộ GTVT.
Ngoài việc giảm giá vé, dự kiến thời gian thu phí sẽ giảm từ hơn 17 năm 2 tháng 18 ngày xuống còn 15 năm 4 tháng 18 ngày. Theo đó, thời gian hoàn vốn dự kiến vào tháng 2/2031.
Giảm 25% phí qua trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ từ giữa tháng 10. Ảnh: Hoàn Nguyễn. |
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết Bộ và Tổng cục đang tiếp tục rà soát hàng chục dự án BOT trên cả nước từ nay đến tháng 10 để điều chỉnh theo hướng giảm giá thu phí.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định đã có đầy đủ cơ sở để giảm giá vé dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và kết luận của Thanh tra Chính phủ đề nghị tính toán giảm giá vé.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục để ký phụ lục hợp đồng giảm giá vé với nhà đầu tư dự án.
Cụ thể, với mức phí hiện tại, một xe dưới 12 chỗ ngồi (xe nhỏ nhất) chạy toàn tuyến hiện có mức phí 45.000 đồng/lượt; xe tải có trọng tấn 18 tấn trở lên, xe container 40 feet có mức phí 175.000 đồng/lượt.
Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ giảm phí vào 15/10. Ảnh: Google Maps. |
Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ có chiều dài khoảng 29 km do liên doanh nhà đầu tư Công ty CP ĐTPT XD Minh Phát, Tổng công ty XDCTGT 1 (Cienco 1), Công ty CPĐT&XDGT Phương Thành thực hiện.
Dự án được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 6.700 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 gần 2.000 tỷ đồng và giai đoạn 2 hơn 4.700 tỷ đồng.
Tháng 11/2015, giai đoạn 2 của dự án bắt đầu được triển khai xây dựng để hoàn chỉnh đường cao tốc với quy mô 6 làn xe cơ giới. Theo kế hoạch, giai đoạn 2 hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng nhiều khả năng chậm tiến độ.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được Bộ GTVT đầu tư, đưa vào khai thác từ năm 2002 với quy mô là đường cấp I đồng bằng, 4 làn xe.
Năm 2014, Bộ GTVT đã lập và phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, chia thành 2 giai đoạn thực hiện với tổng vốn hơn 6.700 tỷ đồng. Giai đoạn 1 cải tạo nâng cấp mặt đường cũ 4 làn xe; Giai đoạn 2 xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc 6 làn xe.
Mới đây, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 1 tồn tại nhiều bất cập.
Theo đó, chủ đầu tư chỉ sửa chữa, cải tạo các yếu tố hình học và rải thảm mặt đường nhưng thu tương đương với mức giá đường cao tốc xây mới Cầu Giẽ - Ninh Bình (1.500 đồng/km) là bất hợp lý, bất thường. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị phải điều chỉnh mức thu phí ở trạm BOT này để tương ứng với số vốn đầu tư thực tế.
Trước đó, đầu tháng 7, Đoàn kiểm tra Tổng cục Đường bộ đã chỉ ra mức chênh khổng lồ trong việc báo cáo mức thu tại BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Theo đó, kết quả số thu thực tế vé lượt trong 10 ngày tại trạm BOT này lên tới 17,5 tỷ đồng (trung bình mỗi ngày hơn 1,7 tỷ đồng). Trong đó ngày cao nhất là 15/7 với hơn 1,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư của dự án trước đó công bố doanh thu thu phí hàng ngày của trạm chỉ 1,2 tỷ đồng.